www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Hà đổi đời từ cây keo

 Từ một xã nghèo với tỷ lệ thất nghiệp cao, người lao động có xu hướng ly hương thì nay Tiên Hà (Tiên Phước) đã kéo nhiều thanh niên về “bám trụ” tại địa phương bằng mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp.

    Hiệu quả

Thế mạnh nổi trội của xứ Tiên trong những năm qua được nhắc đến là kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Gần đây trên địa bàn xã xuất hiện không ít nông dân là triệu phú nhờ trồng cây keo nguyên liệu. Cách đây 5 - 7 năm, người dân bỏ công, bỏ vốn lớn vào đầu tư rừng trồng nên bây giờ là thời điểm thu hoạch. Ưu thế của vùng bán sơn địa này là thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi cho cây keo sinh trưởng, phát triển. Thêm nữa, chi phí trồng rừng giảm do người dân chủ động vườn ươm cây giống tại chỗ, đất trồng rừng ít có độ dốc hơn so với một số địa phương miền núi khác.

Tuy vào mùa đông, nhưng nhiều cánh rừng trồng trên địa bàn thôn Tài Thành, xã Tiên Hà bước vào vụ thu hoạch rộ. Bắt đầu xuất hiện hàng loạt điểm tập kết gỗ dọc hai bên đường chờ xe tải chở đi tiêu thụ. Gần tháng nay, hộ ông Nguyễn Thanh Tân (thôn Tài Thành) không một ngày rảnh tay. Bình quân mỗi ngày ông Tân thuê từ 7 - 10 nhân công tham gia cưa cây, bóc vỏ, chuyển gỗ lên xe… trên diện tích hơn 50ha rừng đã và đang khai thác. Với doanh thu bình quân mỗi héc ta 50 triệu đồng, năm nay gia đình ông đã thành tỷ phú của địa phương. Theo ông Tân, cây keo tuy giảm giá trên thị trường nhưng nhờ trồng tập trung với diện tích lớn nên nông dân vẫn có thể lãi cao. “Nếu khai thác toàn bộ diện tích keo hơn 50ha hiện có, trừ mọi chi phí ra, ít nhất tôi cũng kiếm hơn 1 tỷ đồng sau 5 năm đầu tư” - ông Tân nói. 

                         Nhiều nông dân Tiên Hà có cuộc sống khấm khá nhờ trồng rừng.

Tại thôn Tài Thành, nhiều tấm gương nông dân thành triệu phú năm 2012 như các ông Đoàn Thanh Tín, Lê Minh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Ba … Tương tự, tại thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà cũng có gần 10 nông dân thu từ hơn 200 triệu đồng trở lên trên một vụ khai thác keo cuối năm. Thống kê của UBND xã Tiên Hà cho hay, từ đầu năm đến nay, toàn xã khai thác hơn 200ha keo với tổng diện tích 1.500ha rừng trồng của nhân dân. Phần lớn nông dân là lao động giỏi cấp xã, huyện đều thuộc về người trồng keo nguyên liệu. Điều đáng nói, ngoài hiệu quả kinh tế, cây keo còn giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế lâu dài cho người dân địa phương. 

“Hút” lao động nông thôn

Theo UBND huyện Tiên Phước, tổng diện tích rừng trồng năm 2012 trên địa bàn thực hiện 1.761/1.000ha (đạt hơn 176% kế hoạch năm). Khai thác gỗ rừng trồng đạt 158.411 tấn. Ngoài ra, địa phương nghiệm thu hơn 740ha rừng dự án WB3 và 661.

Một trong những nguyên nhân khiến thanh niên vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh bỏ quê tìm việc làm ở nơi khác chính là sự nghèo nàn các loại ngành nghề phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nguồn thu nhập lao động chưa hấp dẫn và không thường xuyên. Thế nhưng, tại xã Tiên Hà, hiệu quả kinh tế của cây keo đã kéo theo phản ứng dây chuyền tích cực cho người lao động địa phương, nhất là lực lượng lao động nữ, lao động nông nhàn. Vào vụ mùa trồng rừng, hay thu hoạch keo, nhiều chị em làm thuê khắp nơi trở về quê nhận làm công như bóc vỏ keo, phát chăm thực bì… Hiện tại, mỗi lao động nữ được trả công 150 nghìn đồng/ngày, trong khi lao động nam được trả 180 nghìn đồng/ngày. 

                                                     Trâu kéo gỗ keo

Bà Trịnh Thị Thúy Liễu – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tiên Hà cho biết: “Thời điểm này địa phương bước vào mùa trồng rừng, kết hợp với thu hoạch keo nên đã giải quyết đáng kể nguồn lao động tại chỗ. Trước đây, nhiều chị em xuống Tam Kỳ, ra Đà Nẵng… làm thuê, thì bây giờ lại trở về làm nhân công cho các chủ rừng keo. Hơn một nửa hội viên hội phụ nữ (xã có 668 hội viên) có việc làm ổn định từ nghề trồng rừng và khai thác lâm sản”.

Ở xã Tiên Hà, không có một doanh nghiệp nào đóng chân, cũng chẳng có cơ sở nào giải quyết lực lượng lao động lớn. Vì thế, lãnh đạo địa phương luôn xác định ưu tiên phát triển kinh tế vườn - rừng. Những trang trại vừa và nhỏ sẽ tạo ra “cú hích” trong khâu giải quyết lao động nông thôn. Ông Đỗ Tấn Như, Chủ tịch UBND xã Tiên Hà khẳng định: “Đến lúc này, không ai còn hoài nghi về giá trị thực mà cây keo đem lại.  Nhiều vùng đất đã hồi sinh và xuất hiện hàng loạt triệu phú nhờ trồng keo. Chính quyền sẽ đồng hành và hỗ trợ người dân mạnh dạn đầu tư vườn ươm để phục vụ nguồn cây giống, đồng thời quy hoạch mở rộng diện tích trồng rừng, từng bước giúp bà con giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình”.

Trần Hữu - Minh Đức, Báo Quảng Nam