www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiên Châu sẽ tổ chức Lễ hội Kỳ Yên vào ngày 10.3 âm lịch

Ngày 18.4.2024 (10.3 âm lịch- Giỗ tổ Hùng Vương) ở đình làng Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước tổ chức Lễ hội Kỳ yên. Năm 1954, sau khi đình làng Hội An được tu sửa lợp ngói âm dương thì có tổ chức lễ. Từ đó đến nay chưa tổ chức lần nào. Năm nay, lễ hội sẽ tái hiện, phục dựng nguyên bản Lễ rước sắc rất uy nghi và hoành tráng với hơn 200 người tham gia lễ rước, có kiệu rồng sơn son thếp vàng với 30 trai đinh cường tráng khiêng kiệu, cầm cờ hội đủ sắc màu. Ngoài ra còn có các màu áo dài truyền thống của nữ và của nam đẹp lung linh, lộng lẫy như một vườn hoa.

 Đình làng Hội An cổ kính đã hơn 150 năm tuổi, được xây dựng từ thời Tự Đức, khoảng năm 1870. Đây là ngôi đình duy nhất ở trung du Tiên Phước, thờ thành hoàng làng và các vị tiền hiền, hậu hiền được phong sắc vào năm Duy Tân thứ 3 (1909). Ở Tiên Châu có trên 30 nhà cổ hàng trăm năm, có ngõ đá rêu phong, đường làng uốn lượn quanh co, trầm mặc trong không gian xanh tít tắp. Đây là nơi duy nhất có đoạn sông Tiên chảy ngược và có thác Ồ ồ, thác Ổ diều, thác Đá bàn còn nguyên sơ với nước trắng xóa, đẹp hơn thác Cam Ly ở Đà Lạt. Tháng 3 âm lịch cũng là mùa hoa sưa nở vàng rực lối đi và Tiên Châu cũng là nơi có vườn lòn bon nhiều nhất huyện Tiên Phước, có rất nhiều vườn lòn bon cổ thụ trên 50 năm tuổi. Tiên Châu đẹp hơn làng cổ Lộc Yên, Tiên Cảnh vì nơi đây không xô bồ, không ồn ào náo nhiệt mà còn giữ được cái chất của làng quê gần như nguyên bản.

 

Tiên Châu nổi tiếng có con gái rất đẹp, thuộc loại nhất Tiên Phước - không có nơi nào sánh bằng. Con gái Tiên Châu có con mắt đẹp hút hồn, xưa người ta thường gọi là "Đôi mắt Tiên Châu - Nghĩa là nàng tiên có đôi mắt long lanh như hạt ngọc). Trước 1975, thời VNCH nhiều sinh viên, sĩ quan Lục quân Đà Lạt, Thủ Đức tán tỉnh mà không được. Tại lễ hội lần này Tiên Châu sẽ có thi nấu hàng chục loại bánh: bánh tét, bánh chưng, bánh ít, bánh in, bánh su sê, bánh đúc; đặc biệt là bánh chần gừng, bánh ít sắn/khoai xiêm... chưa ăn đã thấy thèm. mà chỉ có nơi đây làm được.
Chợ ẩm thực đồng quê ở ngã ba xã sẽ có trái cây đặc sản, rau củ quả, thịt gia cầm, heo, bò nuôi thả rông và các món ăn dân dã: mỳ Quảng, chuối chần, mít trộn, xôi đường, xôi vang... bánh xèo tôm thịt hoặc bánh xèo nhộng ong, búp chuối trộn tôm tép bắt ở sông suối còn nhảy lách tách. Ăn no thì có bánh cuốn ram chả, bánh cuốn thịt heo... nhất là món bánh tráng sắn/khoai xiêm cuốn thịt heo mà không ở nơi nào có. Và các loại bánh bèo, nậm, lọc, cháo lươn đồng, ếch đồng, gà, vịt thả vườn...
 
Món nhậu thì tha hồ chọn lựa từ nem lá liểu nướng lên cả xóm thơm lừng, heo, gà, bò, gà, vịt... ếch hoặc nhái đồng, choạt choạt xào sả ớt, dế cơm rang, đồi nướng, rô ty...cá niên, cá sông, cá suối, tôm đất, tôm sông có hai cái càng to dài khỏe dành cho nam giới ăn vô tối về sẽ thấy phừng phừng... Tất cả mới nhìn là đã chảy nước miếng. Các món đồng quê dân dã này mà nhậu với bia, rượu gộ nguyên rin, rượu lòn bon, rượu nếp, rượu chuối hột, rượu sâm cau.. ông uống bà khen thì thật tuyệt vời, mà giá cả lại rất bình dân. Nếu say thì uống nước chè xanh pha chút gừng tươi sẽ giải rượu và có xe taxi chở về tận nhà.
 
Dịp này sẽ có nhiều trò chơi dân gian, đánh cờ làng, cờ hội, hô hát bài chòi, hát dân ca... Lên Tiên Châu dịp này sẽ tha hồ săn ảnh với muôn vàn cảnh đẹp không thể nói hết. Chiều ngày 17.4 (mùng 9 tháng 3 ÂL) đã có chợ sản phẩm đồng quê và chợ ẩm thực. Đến 8 giờ tối sẽ khai mạc lễ hội, hát dân ca, bài chòi xứ Quảng... Sáng hôm sau, 18.4 (10/3 ÂL), 8 giờ là lễ rước sắc, 9 giờ là lễ tế thành hoàng làng, 10 giờ đi tham quan nhà cổ, đường làng ngõ đá phong sương rợp bóng hoa sưa, vườn lòn bon xanh mướt hoặc ra sông Tiên chảy ngược ngắm cảnh sông núi, nhìn các cô thôn nữ vui đùa trên sông. Rồi lên thác Ồ ồ, thác Đá bàn, thác Ổ diều ăn trưa, nhậu đặc sản, tắm suối xanh trong, mát khỏe toàn thân. Tất cả đều đẹp hút hồn.
 
Về Tiên Châu sẽ thấy tâm hồn mình thanh tịnh không vương vấn bụi trần. Trong dịp này du khách có thể hòa nhập tham gia lễ rước và chiêm ngưỡng nét đẹp tuyệt vời của lễ rước sắc đi quanh co ở những con đường làng, ngõ đá với sắc vàng rực rỡ của hoa sưa thì thật là đúng chất. Ở đây có một "Ông cố cụ kỵ" cây gạo 205 năm tuổi, mùa này ra hoa đỏ ngợp sắc cả bầu trời.
 
Đất Tiên Châu xưa nay nổi tiếng rất đẹp, nhiều thắng cảnh và không gian vùng quê rất thơ mộng, rất tình tứ. Người Tiên Châu bình dị, dân dã, mộc mạc, mến khách. Người Tiên Châu đẹp mặn mà nhưng cũng không kém kiêu sa đài các, đi đâu ai cũng thương cũng mến với tính tình thuần mị, với giọng nói truyền cảm nhẹ nhàng, dễ thương, dễ nghe như sự kết hợp hoàn mỹ giữa tiếng nói/ngôn ngữ của ba miền trung nam bắc!
 
Đi mô cũng không bằng về quê mình Tiên Châu. Rứa mi hỉ!
 
Tôn Thất Hướng