Tiên An chưa... an
Từ năm 2002, tại núi Đầu Voi tại địa phận xã Tiên An (H. Tiên Phước, Quảng Nam) xảy ra hiện tượng rung chấn, mặt đất rung chuyển, sau đó trở lại bình thường... nên cũng chẳng ai để ý. Đến khi lên núi lấy củi, người dân mới phát hiện núi bị nứt toang hoác. Anh Lê Tấn Truyền (40 tuổi, người dân thôn 1) có nhà sát chân núi kể: “Khi nghe bà con đi rẫy về kể lại chuyện núi nứt, ban đầu tui không tin.
Nhưng khi tận mắt chứng kiến thì đúng là quá sợ. Hàng chục vết nứt rải rác từ sườn chạy lên đỉnh núi kèm theo hàng trăm điểm sạt lở cục bộ. Nhiều vết nứt sâu hoắm, chạy dọc theo sườn núi, có cảm giác như núi có thể đổ sụp xuống lúc nào không biết”.
Làng TĐC dành cho người dân vùng núi lở xã Tiên An. |
Trước hiện tượng trên, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo di chuyển toàn bộ số hộ dân sống xung quanh chân núi Đầu Voi đến nơi ở mới an toàn. Theo đó, tháng 5-2011, tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng Dự án khu TĐC Tiên An với kinh phí 32 tỷ đồng, di dời 170 hộ dân trước nguy cơ sạt lở của núi Đầu Voi đến nơi ở mới. Ngoài kinh phí san ủi mặt bằng, đường bê-tông, hệ thống điện, nước sinh hoạt, mỗi hộ dân khi di dời đến khu TĐC mới được bố trí khoảng 300m2 đất ở, 900m2 đất sản xuất và hỗ trợ gần 35 triệu đồng đối với hộ nghèo và 20 triệu đồng đối với các đối tượng còn lại. Đồng thời, chính quyền xã Tiên An cũng tạo điều kiện để bà con tiếp tục sản xuất trên các khu đất cũ trước khi di dời.
Đến thời điểm cuối năm 2013, tiếp xúc với người dân vùng TĐC, chúng tôi ghi nhận bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, 68 hộ dân của thôn 1 được bố trí về khu TĐC giai đoạn 2 vẫn chưa có điện thắp sáng, không có khuôn viên dành cho chăn nuôi, đất chưa có sổ đỏ và chưa có nước sạch. Vì điều này mà khu TĐC chỉ mới có 50% số hộ dân đến ở, còn lại vẫn ở chỗ cũ với nỗi lo núi lở. Cũng theo anh Lê Tấn Truyền, bất tiện nhất nơi ở mới là diện tích đất quá nhỏ, không đủ chỗ để chăn nuôi, trồng trọt cải thiện cuộc sống. Thêm nữa, hệ thống mương thoát nước phía khu TĐC chưa có nên khi mưa lớn là nước từ triền núi chảy xuống không có lối thoát, tràn vào nhà dân. Nơi ở mới chưa ổn, nơi ở cũ thì không an toàn, vậy nên bà con còn lắm nỗi lo.
Vẫn còn hộ dân sinh sống dưới chân núi Đầu Voi. |
... đến đất đen
Nếu thôn 1 và 2 lo núi lở thì bà con cuối thôn 3, đầu thôn 4 đang cảm thấy bất an bởi thông tin đất đen nhiễm xạ. Dẫn chúng tôi ra sau hè, nơi có trồng keo cao ngang đầu người, chị Phạm Thị Bích Đào (1984, trú thôn 3) dùng tay bới lên nắm đất đen xì cho biết, vùng đất đen này có diện tích khoảng 1 ha nằm giữa thôn 3 và 4. Khuôn viên nhà chị là nơi có đất đen nhất, càng đi xa càng nhạt dần. Khi mưa xuống, nước nơi đây thấm vào đất có màu đen. Đất và nước bám vào da thịt, áo quần có màu đen sẫm như than chì, phải sử dụng xà phòng mới tẩy rửa hết được.
Đất đen sẫm như than chì tại thôn 3 (xã Tiên An). |
Điều lạ là đất vẫn tơi xốp và có thể trồng trọt bình thường. Mạch nước ngầm ở đây vẫn sạch và rất trong. Năm 2006, chị Đào lập gia đình cùng anh Đoàn Ngọc Long (1978) và được cha mẹ bên chồng chia cho khuôn viên hơn 100m2, mặt tiền hướng ra đường liên xã thảm nhựa để mở quán sửa chữa xe máy. Hơn 7 năm sinh sống tại đây, vợ chồng chị cùng 2 con nhỏ không thấy biểu hiện gì bất thường. Cả vật nuôi và cây trồng trên đất đều sinh trưởng và phát triển tốt. Thế nhưng, mới đây khi nghe thông tin đất có chứa chất phóng xạ gây ung thư, cả nhà vô cùng lo lắng, phải mua nước đóng chai về ăn uống.
Theo lãnh đạo UBND xã Tiên An, thời gian qua, khoảng 40 hộ dân đang cư trú tại thôn 3 và 4, nơi có đất đen nghi nhiễm xạ khá lo lắng. Trước tình hình này, địa phương đã làm việc với Phòng Tài nguyên - Môi trường H.Tiên Phước, đồng thời đã có công văn đề nghị UBND huyện kiểm tra thực tế, kịp thời có phương án xử lý để người dân an tâm sản xuất, sinh hoạt.