www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiếng Dân - khát vọng

 Hôm nay, tại huyện Tiên Phước diễn ra lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng. Ước nguyện vinh danh cụ Huỳnh mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam cùng các vị nhân sĩ trí thức đề đạt qua nhiều lần hội thảo khoa học đã thành câu chuyện hiện thực.

                  Một động thái đáng quý khác là chính quyền hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã phối hợp trình văn bản đề nghị Bộ VH-TT&DL công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia cho ngôi nhà làm trụ sở báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh sáng lập năm 1927.

           Hàng loạt câu chuyện khác về bảo tồn di tích mộ cụ Huỳnh ở Thiên Ấn (Quảng Ngãi), hay trùng tu nhà lưu niệm cụ ở quê hương Tiên Phước…là những ví dụ cho thấy niềm kính trọng và tự hào của hậu thế đối với nhà chí sĩ  đã dành cả cuộc đời phụng sự khát vọng độc lập tự do của Tổ quốc, nhân dân.

           Nhân ngày vui này, trịnh trọng dâng nén hương trước anh linh cụ Huỳnh, chúng ta cũng thức nhận rằng phát huy những di sản của cụ, đặc biệt là di sản tư tưởng, báo chí sẽ còn là đặt ra những câu chuyện cho hôm nay và mai sau.

          Một trong những tư tưởng quan yếu mà cụ Huỳnh đeo đuổi cùng với những sĩ phu yêu nước Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Lê Cơ… là “duy tân” với chủ trương “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”, câu chuyện mà cả trăm năm sau vẫn còn ý nghĩa. Đứng giữa thời cuộc mà giáo dục loay hoay tìm đường, đạo nghĩa thầy trò xuống cấp; văn học, sử học không thu hút được học trò; chuyện “thực học” còn bị lấn át bởi nạn gian lận thi cử, chạy bằng cấp, nặng lối học từ chương… thì tư tưởng và hành động của những nhà duy tân thời cụ Huỳnh cần được soi rọi trở lại để thực thi trong hiện tại.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Huân chương Sao Vàng cho người thân cụ Huỳnh sáng 15/4

 

          Về báo chí, so sánh thời nay với thời Tiếng Dân dĩ nhiên là khập khiễng với bối cảnh lịch sử khác nhau, nhưng phải thấy rằng tôn chỉ mục đích của tờ báo do cụ Huỳnh sáng lập vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta học hỏi. Đó là gì? Là nói lên  một cách trung thực mạnh mẽ khát vọng, nguyện vọng bỏng cháy của nhân dân trước những chuyện bất công, ngang trái, là “phô bày tâm lý chân chính của quốc dân lên mặt báo”, là làm sáng rõ chân lý “Dân là con trời cả”- gốc của nước. Để giữ tiếng nói - khát vọng ấy, tờ báo Tiếng Dân đã thể hiện tính chiến đấu  xuyên suốt 16 năm tồn tại (1927-1943), đã được lịch sử ghi nhận như một hiện tượng vang tiếng khắp ba kỳ.

            Cả nước hiện có 812 cơ quan báo chí, với 1.084 ấn phẩm, hơn 17 ngàn nhà báo được cấp thẻ, so với thời cụ Huỳnh hẳn vượt rất xa về số lượng, nhưng tư tưởng, cách làm báo và đạo đức người làm báo như cụ Huỳnh mãi là tấm gương không phải ai cũng học được, phát huy được.

             Không phải ngẫu nhiên mà gần đây, một số nhà báo, nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi, tại sao đất Quảng không lấy cái “thương hiệu” do một người Quảng ưu tú sáng lập ra đó để xây dựng một ấn phẩm báo chí, hầu phát huy, nối tiếp con đường của cụ Huỳnh. Câu chuyện ấy, quả thực gợi lên rất nhiều nghĩ suy và cần có diễn đàn để thảo luận khoa học, nhằm làm thế nào để báo chí thực sự trở thành tiếng nói sâu sắc của lòng dân.

                                                                 Nguyễn Điện Nam - Báo Quảng Nam

 

Bài phát biểu của chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi lễ trao Huân chương Sao Vàng

Lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng