www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tiếc thương đồng chí Nguyễn Thành

Vào hồi 14 giờ 30 phút ngày 06-8-2018, đồng chí Nguyễn Thành - người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người con ưu tú của xứ Tiên đã mãi mãi ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào và người thân. Thanh thản ra đi vào cỏi vĩnh hằng nhưng những cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hình ảnh người cán bộ mẫu mực, thủy chung luôn khắc sâu trong tâm trí đồng chí, đồng đội.

Sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Tháng 8-1945, người thanh niên Nguyễn Thành đã tích cực tham gia phong trào thanh niên tại địa phương, được phân công làm Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc xã Tiên Cảnh. Đến cuối năm 1947, anh được bầu làm Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc huyện Tiên Phước. Ngày 01-01-1948, đồng chí Nguyễn Thành vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1950, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Huyện ủy, phân công làm Chánh Văn phòng Huyện ủy, Chính trị viên Huyện đội Tiên Phước. Đến cuối năm 1953, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy cho đến ngày đình chiến. 
 
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (20.7.1954), đồng chí Nguyễn Thành được Đảng phân công ở lại miền Nam hoạt động, tiếp tục tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, thống nhất nước nhà ở huyện Tiên Phước với chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy. Đây là thời kỳ cách mạng miền Nam bị đàn áp, khủng bố khốc liệt bởi chính sách phát xít của chính quyền Mỹ- Diệm nhưng với kinh nghiệm của mình, đồng chí đã bình tĩnh, kiên trì cùng với các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy bí mật ra sức tuyên truyền ý nghĩa của Hiệp định, giải thích đường lối cách mạng của Đảng, định hướng cho phong trào đấu tranh của nhân dân. Trong cuộc đấu tranh Chợ Cây Cốc (9.1954), đồng chí Nguyễn Thành đã kiên trì giải thích, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận rõ âm mưu địch cố tình đánh phá hiệp định, lợi dụng tình hình để bắn giết đồng chí, đồng bào nhằm chuyển hướng cuộc đấu tranh sang hình thức phù hợp.  
 
Đ.c Nguyễn Thành trong một lần về thăm cơ sở cách mạng tại huyện Tiên Phước

Ngày 15-01-1955, trong một chuyến công tác xuống xã Tiên Hồ, đồng chí Nguyễn Thành không may rơi vào tay giặc. Từ đây, cuộc đời đồng chí đã phải trải qua những năm tháng gian truân nhất, thử thách khốc liệt nhất dưới đòn roi, tù ngục của kẻ thù. Từ nhà giam của bọn Quốc dân Đảng Tiên Phước, đến nhà lao Thông Đăng (Hội An) rồi nhà lao Kho Đạn (Đà Nẵng), đồng chí đã trải qua hàng trăm trận tra tấn chết đi sống lại nhiều lần nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết, không hề hé răng khai báo một lời. Tháng 7-1957, đồng chí đã bị bọn địch đày ra địa ngục trần gian Côn Đảo. Đến Côn Đảo, bọn cai ngục ở đây lập tức liệt những đồng chí từ Quảng Nam, Đà Nẵng chuyển ra vào hàng tù ngoan cố và đưa vào giam trong lao I - lao dành cho những người tù mà chúng cho là cứng đầu nhất. 06 năm trầm mình ở địa ngục trần gian, đối mặt với chính sách “bàn tay nhung và bàn tay sắt” của bọn cai ngục ác ôn, trải qua hàng trăm trận đòn với những thủ đoạn tra tấn khốc liệt nhất, tàn bạo nhất của nhà tù đế quốc, đồng chí Nguyễn Thành vẫn giữ vững tấm lòng son. Được bầu vào Chi ủy lao I, rồi Đảo ủy nhà lao, đồng chí không những bảo toàn khí tiết người cộng sản mà còn tích cực tham gia lãnh đạo các cuộc đấu tranh của anh em tù chính trị chống lại chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc. Sau khi tướng Dương Văn Minh tiến hành cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm (01.11.1963), đồng chí Nguyễn Thành được chính quyền Sài Gòn trả tự do.

Trở về Quảng Nam sau hơn 08 năm bị tù đày, đồng chí Nguyễn Thành nhanh chóng bắt liên lạc với Tỉnh ủy để hoạt động trở lại và được Thường vụ Khu ủy 5 khôi phục Đảng tịch. Từ đầu năm 1964, đồng chí được Tỉnh ủy tin tưởng giao giữ nhiều chức vụ quan trọng: Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phân công làm Trưởng ban Đấu tranh chính trị - Binh vận tỉnh; Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ, Bí thư Huyện ủy Bắc Tam Kỳ. Hầu như phần lớn thời gian trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1965-1975), đồng chí Nguyễn Thành là người chủ trì hai trong “ba mũi giáp công”, là người chỉ huy của đội quân chính trị, binh vận ở những nơi chiến trường khốc liệt nhất. 

Đồng chí Nguyễn Thành phát biểu trong Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập huyện Tiên Phước 

Từ tháng 3-1965, sau khi quân Mỹ đổ bộ vào Quảng Nam, mặt trận đấu tranh chính trị, binh địch vận gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc giữ vững thế hợp pháp với quân Mỹ, khắc phục tư tưởng “chạy xà đùa” của cán bộ địa phương khi quân Mỹ càn quét. Với kinh nghiệm của mình, đồng chí đã lãnh đạo khối dân vận, đấu tranh chính trị, binh địch vận luôn bám trụ ở phía trước, bám dân, bám cơ sở, tổ chức học thư Đảng, phân tích chỗ mạnh, yếu của quân Mỹ, khả năng đấu tranh chính trị với quân Mỹ, đồng thời tổ chức cho nhân dân vùng giải phóng, vùng địch học tiếng Anh để giao tiếp, vận động binh lính Mỹ khi chúng càn quét, đánh phá. Nhờ đó, mũi đấu tranh chính trị và binh vận có chuyển biến tốt, đã góp phần cùng với lực lượng vũ trang đánh bại mọi âm mưu của Mỹ-ngụy.
 
Đến cuối năm 1968, tình hình huyện Nam Tam Kỳ gặp nhiều khó khăn, Tỉnh ủy lại điều đồng chí về làm Bí thư Huyện ủy Nam Tam Kỳ. Thời gian này, đồng chí đã vận dụng kinh nghiệm lãnh đạo phương châm “hai chân ba mũi giáp công” để lãnh đạo quân dân Nam Tam Kỳ phát triển vành đai diệt Mỹ Chu Lai, hình thành thế bao vây căn cứ Chu Lai, tích cực tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị, binh vận với quân Mỹ đóng ở các đồn bốt xung quanh căn cứ, chỉ đạo lực lượng du kích mật tấn công tiêu hao sinh lực địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, gây cho địch nhiều khó khăn tổn thất. 
 
Từ năm 1972, sau khi đi chữa bệnh ở miền Bắc trở về, Tỉnh ủy lại điều đồng chí về làm Bí thư Huyện ủy Bắc Tam Kỳ. Đây là thời điểm địch thường xuyên sử dụng xe tăng từ căn cứ Tuần Dưỡng lên càn quét, đánh phá vùng giải phóng của ta; xây dựng nhiều chốt điểm để tăng cường kèm kẹp nhân dân, rải quân phục kích khắp các ngã đường để cắt đứt tuyến hành lang chi viện từ vùng Đông Tam Kỳ lên vùng giải phóng. Với cương vị đứng đầu cấp ủy, đồng chí Nguyễn Thành đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở, các lực lượng vừa tích cực trụ bám với nhân dân, vừa ra sức đánh địch diệt ác, phá kèm để mở rộng vùng tranh chấp, dùng ba mũi giáp công để bao vây, bứt rút các đồn bót địch, củng cố các đội công tác để tăng cường xây dựng cơ sở ở vùng địch kiểm soát. Đến cuối năm 1972, tình hình Bắc Tam Kỳ đã có nhiều chuyển biến, phong trào đấu tranh của nhân dân từng bước phát triển lên cao. 
 
Từ cuối năm 1974, đồng chí Nguyễn Thành được phân công tham gia Ban chỉ huy tiền phương của tỉnh cùng với Sư đoàn 2 Quân khu 5 tiến công tiêu diệt đồn Đức Phú, giải phóng các xã cánh Nam Tam Kỳ. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đồng chí Nguyễn Thành được phân công làm Bí thư Đảng ủy vùng Đông trực tiếp lãnh đạo lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị tiến hành cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng vùng Đông tỉnh Quảng Nam.
 
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đồng chí Nguyễn Thành được bầu làm Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Năm 1979, đồng chí Nguyễn Thành được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Đến năm 1983, chuyển sang làm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng lần thứ XIV (10.1986), đồng chí Nguyễn Thành được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Đây là thời kỳ đầu chuyển từ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường theo đường lối Đổi mới do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra, tình hình kinh tế-xã hội tỉnh nhà gặp nhiều khó khăn nhất là sự ngấm sâu của cơ chế cũ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, rồi liên tiếp xảy ra các vụ việc phức tạp như vụ đồng bào dân tộc sát hại 10 đồng bào người Kinh ở xã Tabling (Nam Giang), vụ vỡ nợ tín dụng Thành Công của Thành ủy Đà Nẵng, vụ chống tiêu cực ở Thị ủy Tam Kỳ, rồi cơn bão số 2 (5.1989) đổ bộ vào Quảng Nam-Đà Nẵng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của.
 
      Trước tình hình đó, với cương vị của mình, đồng chí Nguyễn Thành đã cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy dồn hết tâm trí, tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã tạo nên những bước chuyển quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội của tỉnh. Nền kinh tế phát triển đã cải thiện đáng kể đời sống nhân dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự-an toàn xã hội được giữ vững, công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể được chú trọng và có nhiều tiến bộ. Thành công của Đảng bộ tỉnh trong giải quyết các vụ việc phức tạp ở thời kỳ này có dấu ấn sâu đậm của đồng chí Nguyễn Thành với phương châm làm việc thận trọng, kiên trì, kiên quyết, vừa giữ vững nguyên tắt lãnh đạo của Đảng, vừa giữ vững kỷ luật của Nhà nước nên kết quả giải quyết luôn hợp tình, hợp lý, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. 
 
Năm 1992, ông được Đảng và Nhà nước cho nghỉ hưu và sống cùng gia đình tại thành phố Đà Nẵng. Là người nặng lòng với quê hương, từ ngày về hưu, ông thường dành nhiều thời gian đi về các khu căn cứ cách mạng cũ ở Tiên Phước, Hiên, Giằng… để thăm lại đồng chí, đồng đội, nhất là gặp gỡ, tri ân đối với những cơ sở cách mạng đã từng đùm bọc, nuôi giấu, giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến. Khi hỏi chuyện về những năm tháng chiến tranh, hầu như ông ít khi kể về mình. Chủ đề của những câu chuyện luôn là những chiến công, thành tích của đồng đội, là những tấm gương hy sinh của đồng chí, đồng bào. Trong mỗi câu chuyện, mỗi sự kiện, ông luôn dành sự tin tưởng tuyệt đối, sự trân trọng vô biên đối với nhân dân. Ông thường bảo, trong chiến tranh, nếu không có nhân dân sẵn sàng hy sinh để đùm bọc, che chở thì chắc hẳn không có ông ở đây để giờ ngồi ôn lại chuyện cũ, kể lại chuyện xưa cho lớp cháu con được nghe, được ghi lại. 
 
Trong những dịp lễ lớn, gặp mặt hằng năm tại Quảng Nam, ông luôn cố gắng có mặt như chứng nhân của một thời kỳ hào hùng của mảnh đất Quảng kiên trung. Ông tâm sự: “Mình cố gắng về để được gặp lại đồng chí, đồng đội đã một thời vào sinh ra tử cùng mình, để “điểm danh” xem ai còn ai mất. Bởi tuổi già như ngọn đèn trước gió, chỉ mành treo chuông, mỗi lần gặp mặt cũng có thể là lần cuối cùng được gặp lại nhau”. Luôn dõi theo mỗi bước đường phát triển của quê hương Quảng Nam, cho đến những ngày cuối đời, trên bàn đọc của ông luôn có một chồng báo Quảng Nam hằng ngày. Ông vui mừng khi có thêm một ngôi trường, một bệnh viện được khởi công, một nhà máy được khánh thành. Mắt ông sáng lên trước những dòng tin đó như thể đó là niềm vui của riêng ông. Gần đây, khi một số tập thể, cá nhân của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam bị kết luận sai phạm, bị xử lý kỷ luật, ông buồn lắm bởi ông luôn đau đáu, dõi theo từng bước phát triển của quê hương.
 
      Một trong những ước nguyện cuối đời của ông là hoàn thành công trình tổng kết công tác đấu tranh chính trị, binh địch vận tỉnh Quảng Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi ông đề xuất, Tỉnh ủy thống nhất chủ trương thực hiện, dù bệnh ông chuyển nặng, đi lại vô cùng khó khăn nhưng ông đã ngồi đọc và viết suốt mấy tuần để hoàn thành đề cương chi tiết. Ông chủ trì kêu gọi những đồng chí từng tham gia mặt trận đấu tranh chính trị, binh vận ở Quảng Nam cung cấp thông tin, ghi hồi ký để phục vụ công trình. Tiếc rằng ước nguyện đó đã chưa hoàn thành thì ông đã đi xa. Những trang viết này xin được xem như một nén tâm nhang gửi đến hương hồn ông với tất cả sự trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với một lão đồng chí kiên trung, một người con ưu tú của quê hương đất Quảng anh hùng.
 
                                    Lê Minh Chiến - Ban Tuyên Giáo TU Quảng Nam

Còn sống còn chiến đấu