www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Thực trạng và giải pháp triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên quê hương xứ Tiên

Trong những năm qua, huyện Tiên Phước luôn chú trọng đến công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS).

 

Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hóa, tạo điều kiện môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT, CĐS trên địa bàn huyện. Hội đồng Nhân dân huyện đã ban hành Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND huyện về Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số huyện Tiên Phước giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; UBND huyện đã ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, UBND huyện, xã đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ về chuyển đổi số; quan tâm bố trí kinh phí, nhân lực để thực hiện chuyển đổi số. Công tác chuyển đổi số trên địa bàn cơ bản được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực như xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… Đến nay, huyện đã cung cấp 336 thủ tục hành chính cấp huyện và 173 thủ tục hành chính cấp xã trên Cổng dịch vụ công của tỉnh Quảng Nam; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về việc giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện đáng kể.

Hạ tầng băng rộng cáp quang, kết nối Internet đã được phủ đến các xã, thị trấn. Triển khai có hiệu quả các phần mềm quản lý văn bản và điều hành, ký số văn bản điện tử; các ngành chuyên môn huyện đã thực hiện kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung do trung ương, tỉnh cung cấp trên các lĩnh vực. Tích cực số hóa thủ tục hành chính, số hóa hồ sơ, văn bản theo quy định.

Đã triển khai được một số nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế số, xã hội số như: Thiết lập kênh giao tiếp với người dân qua các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Zalo; tuyên truyền nhận thức cho người dân về tính an toàn, lợi ích khi giao dịch qua các sàn thương mại điện tử; quảng bá sản phẩm OCOP; hỗ trợ người dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; ứng dụng hệ thống quản lý nhà trường; triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã. Tổng kinh phí đầu tư thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn huyện là hơn 20 tỷ đồng… Qua đó thực hiện cơ bản tốt công tác cải cách hành chính, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên địa bàn huyện.

945_0254.mxf.01_53_15_02.still001-1-.jpg

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nhân lực về CNTT, CĐS ở cơ quan tham mưu quản lý nhà nước và các cơ quan, đơn vị trên địa vị còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số chưa đồng bộ. Nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, cá nhân còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và thời kỳ ứng dụng công nghệ cao. Hệ thống các phần mềm dùng chung hiện nay tốc độ xử lý còn chậm, thường xuyên phát sinh nhiều lỗi ảnh hưởng đến việc truy cập thông tin và giải quyết công việc. Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác ứng dụng CNTT, CĐS trên địa bàn huyện, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng dụng CNTT, CĐS, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, xác định rõ trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện. Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện. Đưa kết quả triển khai ứng dụng CNTT, CĐS thành chỉ tiêu đánh giá của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của từng cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết của CĐS và ứng dụng CNTT trong các hoạt động đời sống, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ và quản lý nhà nước. Xây dựng các chuyên mục, các kênh trực tuyến với người dân, doanh nghiệp trên hệ thống Cổng thông tin điện tử và các mạng xã hội phổ biến. Khuyến khích, tạo điều kiện tham gia CĐS của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn huyện. Tạo điều kiện cho người dân tham gia thuận lợi vào quá trình CĐS thông qua việc khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số.

Thứ ba, tăng cường bố trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu tại các phòng, ban, ngành, địa phương và người dân; lưu ý kỹ năng sử dụng thiết bị số, phân tích, quản lý, sử dụng dữ liệu. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đội ngũ này trở thành lực lượng nòng cốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số; phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ cộng đồng.

Thứ tư, tiếp tục bố trí nguồn lực tương xứng, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ CĐS; tập trung phát triển hạ tầng số; hoàn thiện, kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng CĐS trên cả 3 nền tảng: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Phát triển hạ tầng số trên cơ sở kết hợp mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan Nhà nước để kết nối liên thông, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Hoàn thiện đưa vào sử dụng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm điều hành thông minh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thường xuyên. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình xử lý hồ sơ, biểu mẫu, chế độ báo cáo trên môi trường điện tử; thực hiện số hóa hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục hành chính…, từ đó tạo động lực cho cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Thứ tư, đẩy mạnh CĐS trong hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội. Tích cực, chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh thông qua dữ liệu số, hướng đến ứng dụng dữ liệu số trong hỗ trợ ra nghị quyết, quyết định, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, cải cách hành chính trong Đảng; liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức đảng, mặt trận, đoàn thể. Bên cạnh đó, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động và giám sát chương trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia tại địa phương.

Thứ năm, định kỳ cần đánh giá, thẩm định và phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn hệ thống thông tin; triển khai các phương án bảo đảm an toàn theo hồ sơ đã được phê duyệt đối với các hệ thống thông tin trong các cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận, đoàn thể. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo mật, xác thực, ngăn chặn, phòng ngừa và ứng phó sự cố nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống thông tin trên môi trường số và định kỳ kiểm tra, làm sạch mã độc, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các thiết bị, phần mềm.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần được triển khai liên tục, kiên trì, thực chất, hiệu quả; đảm bảo tính kế thừa và đổi mới sáng tạo với những bước đi vững chắc, phù hợp thực tiễn đối với từng cơ quan, địa phương, đơn vị và từng cá nhân. Thực hiện tốt công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thời gian đến là nhiệm vụ cự kỳ quan trọng trong giai đoạn mới hiện nay, là cơ hội mạnh mẽ để các cơ quan, doanh nghiệp, người dân tạo ra sự đột phá trên các lĩnh vực nhờ vào ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Minh Xinh - Tiên Phước Portal