Thỏa niềm đam mê lan rừng
Nhiều năm công tác ở vùng rừng núi Trà My, anh Nguyễn Thành Lê (quê ở thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước) hiện đang sinh sống tại xã Tam Xuân 1 huyện Núi Thành có dịp rong ruổi và bén duyên với lan rừng. Từ việc sưu tập lan chỉ để chiêm ngưỡng, nay anh sở hữu vườn lan rừng hơn 500 gốc với đa dạng chủng loại.
Đam mê
Có chục năm bám trụ tại núi rừng Trà My, anh Nguyễn Thành Lê tìm cách mua lại các giò lan rừng đẹp của đồng bào, chịu khó tìm kiếm các dòng lan ở chợ - thời lan rừng vẫn còn được bày bán nhiều để đem về ghép, chăm sóc, thuần dưỡng hoặc trao đổi với người cùng sở thích.
Công việc bận rộn, lại là tay chơi lan nghiệp dư nên anh gặp rất nhiều khó khăn về kỹ thuật, cách phòng và xử lý bệnh, chế độ tưới nước, bón phân hợp lý cho tới việc nhớ tên, nhất là khi lan rừng có hơn 700 chủng loại. Tất cả đều phải học, mày mò, nghiên cứu, rồi anh cũng đúc kết và nắm bắt được sự ưa thích của mỗi loài lan về chế độ nắng, gió, nước, nhiệt độ, độ ẩm... Nghề chơi cũng lắm công phu!
“Phải thức khuya dậy sớm vì công việc nhưng tôi luôn đón ngày mới với những chậu hoa lan rừng bung nở, xỏa cánh đẹp, tỏa hương ngào ngạt làm quên mọi lo toan, phiền muộn. Khi có điều kiện hơn, tôi lặn lội ra tận miền Bắc, vào Đà Lạt để có được những dòng lan quý hiếm, hoặc lan không quý nhưng có hoa đẹp tôi đều thích” - anh Lê tâm sự.
Những khi đi công tác, du lịch xa, được bạn bè giới thiệu, anh Lê lại bỏ công đi tìm lan. Dần dần, bộ sưu tập hiện lên tới hơn 80 loài với hơn 500 gốc lan từ khắp mọi miền, đẹp mỹ miều. Kể đến như phật ngọc, kiếm đỏ, tam bảo, bạch nhạn, hạc vỹ, trầm rồng đỏ, hoàng thảo xoắn... Anh Lê có đầy đủ chủng lan rừng có giá trị bình thường cho tới những dòng lan đẹp giá trị mỗi giò vài trăm nghìn đồng đến 5 - 10 triệu đồng. Ngay cả dòng lan đột biến được giới đại gia chơi lan săn lùng, anh đều có.
Nhờ làm chủ được công nghệ, kỹ thuật nhân giống lan quý nên mọi việc đã dễ dàng hơn. Lan rừng có sức sống bền bỉ, bông đẹp sắc sảo, tự nhiên, hương thơm quyến rũ nhưng nhược điểm của lan rừng là mỗi năm chỉ nở 1 - 3 lần và chóng tàn. Anh Lê đang tìm cách can thiệp để lưu giữ hoa được lâu hơn.
Mở rộng vườn lan
Gần đây, anh Lê cùng với một kỹ sư nông nghiệp đầu tư nghiên cứu, cắt kie, nhân giống một số chủng loại lan đột biến đang thịnh hành trên thị trường với các dòng giả hạc, phi điệp như 5 cánh trắng Hòa Bình, 5 cánh trắng Phú Thọ, Hồng Xước, 5 cánh trắng Lâm Xung, Gái Nhảy, Bảo Duy, Hiển Oanh... vốn có giá trị cao.
“Dòng lan đột biến, thay vì nhiều người đồn thổi với giá cả tỷ đồng mỗi chậu, tôi muốn hướng tới dòng lan đột biến mặt hoa đẹp, giá vừa để nhiều người yêu lan có thể sở hữu được. Nhưng quan trọng cây đột biến phải có mặt hoa đẹp, nếu không thì giá trị cũng chỉ nhỉnh hơn cây lan bình thường. Phải thấy mặt hoa đột biến, môi hoa, cánh hoa, màu sắc đẹp mới biết được giá trị. Tôi mong muốn sẽ có được những chậu hoa đột biến đẹp có giá mềm và tôi đang chờ những mặt hoa triển vọng” - anh Lê tâm sự.
Anh Lê cũng sẵn sàng gả đi những cây lan đột biến 2 - 3 tháng tuổi khi đã phát triển ổn định với vài trăm nghìn đồng/chậu và cũng gả đi những chậu lan được khách chọn qua facebook để tái đầu tư. “Đó là do chưa thấy mặt hoa chứ nếu có mặt hoa đẹp thì giá cũng sẽ đột biến. Những vườn lớn chỉ cần 5 - 10 cây đột biến có mặt hoa đẹp là đủ rồi” - anh Lê chia sẻ.
Chỉ 5 năm chính thức theo đuổi nghề trồng lan đúng nghĩa, anh Lê hiện có được vườn lan rừng ưng ý, đầu tư được hệ thống giàn, nhà trồng lan, treo lan 2 tầng, hệ thống tưới tự động nhỏ giọt, phun sương... và đang tìm cách mở rộng vườn lan. Anh mong muốn có thể đầu tư một nhà vườn với khuôn viên rộng.
“Ước mong của tôi là vừa duy trì đam mê, thú vui lành mạnh và có điều kiện để tồn tại, sống với đam mê đó. Tôi chưa đặt nặng yếu tố kinh doanh lan rừng vì còn đang phải mở rộng, nâng chủng loài. Những ai tới vườn lan thăm thú, tôi cũng đều rất vui vẻ, cởi mở sẻ chia kinh nghiệm, sở thích” - anh Lê cho hay.
Triêu Nhan - Báo Quảng Nam