Những bài học vào nghề quý giá
Hơn 30 năm trước, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam quê tôi chưa có công trình TDTT nào cả. Thanh thiếu niên quê tôi cũng như những huyện miền núi khác chỉ có mặt bằng trên sân bay dã chiến Mỹ thời chiến tranh, ruộng cạn, sân cơ quan để đá banh, đấu bóng chuyền. Hoạt động thể thao còn đơn lẻ tự phát, không theo luật lệ nên cũng không ít lần gây ra tranh cãi.
Tôi tốt nghiệp Trường TDTT Trung ương III tại TP Đà Nẵng năm 1988, được phân công về Tiên Phước công tác trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ: thiếu sân bãi, dụng cụ tập luyện, thiếu cộng tác viên… Những kiến thức được đào tạo trong nhà trường đến thời điểm đó tôi chưa biết phải xoay xở như thế nào để áp dụng vào thực tế ở một huyện miền núi còn bộn bề khó khăn.
Lần đầu tôi tham mưu tổ chức giải bóng đá huyện với biết bao điều bỡ ngỡ, lo lắng. Chỉ có mặt bằng khu sân bay cũ, tôi phải đi mua thân cau già để làm khung thành, mua vôi kẻ sân, đi mượn loa pin để điều hành giải… Khó nhất là khâu trọng tài, phải xin hỗ trợ của Phòng Nghiệp vụ, Sở TDTT Quảng Nam - Đà Nẵng (hồi đó chưa chia tách đơn vị hành chính).
Mười đội bóng tham dự, đội nào cũng háo hức được thi đấu. Những đội chưa mua được trang phục thì dùng áo may ô trắng, dùng sơn kẻ số áo; lại có đội đăng ký thi đấu mà không có giày.
Các anh Hòa, Hùng từ Sở TDTT lên miền núi hỗ trợ đã giúp tôi yên tâm, tự tin hơn để làm nhiệm vụ. Chúng tôi phải làm trọng tài mỗi ngày 4 trận, chỉ có 3 người, thay nhau chạy liên tục cả tuần ngoài trời. Chúng tôi vừa làm trọng tài vừa hướng dẫn nhanh trước mỗi trận đấu, hướng dẫn thi đấu theo luật bóng đá. Các tình huống thi đấu diễn ra trên sân chưa theo bài bản nào cả nên có nhiều trường hợp vận động viên nóng nảy, trọng tài phải dừng trận đấu gọi lại nhắc nhở, giải thích.
Nhiều đội lần đầu tham gia nên biết bao câu hỏi của các vận động viên để tìm hiểu về luật bóng đá; về kỹ, chiến thuật thi đấu… Làm việc ở ngoài sân xong, chúng tôi phụ trách cả các đội bóng. Vận động viên luôn tìm gặp cả giờ nghỉ trưa, cả buổi tối để hỏi han, trao đổi, khiếu nại nên chúng tôi ít có thời gian nghỉ.
Mệt quá, có lần tôi cau có. Anh Hòa động viên: "Bà con miền núi nhiệt tình với phong trào thể thao lắm. Nhưng thể thao ở miền núi còn mới mẻ thì phải kiên trì, nhẫn nại; phải tổ chức, hướng dẫn thường xuyên mới xây dựng phong trào được…". Anh Hùng thì cười và rút từ trong túi ra cặp "thẻ vàng", "thẻ đỏ" của trọng tài bóng đá, bảo: "Có lẽ phải hướng dẫn thêm vài giải đấu nữa mới có thể dùng đến cặp thẻ phạt này".
Lời bảo ban của các anh đã cho tôi bài học quý giá, giúp tôi hiểu rằng kiến thức từ trường lớp phải biết áp dụng phù hợp, sáng tạo vào thực tế.
Tác giả bài viết (thứ ba, từ trái qua) cùng các cán bộ Sở TDTT trong lớp tập huấn tại huyện Tiên Phước năm 1996
Ảnh toàn lớp tập huấn năm 1996
Mở lớp tập huấn, thi đấu võ cổ truyền
Sau lần tổ chức giải bóng đá, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm về phương pháp vận động tổ chức các hoạt động TDTT quần chúng. Vì vậy, tôi mới thấy sự cần thiết phải tham mưu tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ TDTT cho cơ sở để tiếp tục phát triển các môn.
Khi tôi đề xuất, lãnh đạo huyện Tiên Phước đã thống nhất mở lớp và đề nghị tỉnh hỗ trợ. Các anh chị cán bộ Sở TDTT Quảng Nam - Đà Nẵng lại tiếp tục khăn gói về giúp huyện.
Tôi không thể nào quên những ngày cùng các anh chị tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ sở: Hội trường đơn sơ; sân bãi, dụng cụ, tài liệu còn rất ít ỏi; muốn hướng dẫn kỹ thuật bơi lội thì cùng nhau đi tắm sông... Thế nhưng, tinh thần trách nhiệm của các hướng dẫn viên và học viên lúc bấy giờ luôn thể hiện rất cao. Lớp học thật nghiêm túc, các học viên đều rất tự giác tham gia và có mặt đông đủ đến phút cuối. Giữa hướng dẫn viên và học viên ngày càng trở nên gần gũi thân thương.