www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Tạo động lực phát triển

Năm năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Phước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chủ động, khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

 

Xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” tại làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh nhằm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: P.H
Xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” tại làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh nhằm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: P.H 

Khơi dậy tiềm năng

Là địa phương có truyền thống làm vườn lâu đời, xã Tiên Mỹ tập trung phát huy thế mạnh này, đầu tư phát triển kinh tế vườn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm tạo đột phá về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững. 

Ông Võ Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi luôn tranh thủ các nguồn lực, cơ chế hỗ trợ, chú trọng công tác tập huấn chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ưu tiên đầu tư cho các loại cây trồng chủ lực, năng suất cao như măng cụt, tiêu, lòn bon, cau, sầu riêng, khuyến khích nhân dân đầu tư cải tạo vườn theo hướng xanh, hiệu quả. Nhờ đó, giá trị thu nhập từ kinh tế vườn tăng mạnh, kinh tế hộ ngày càng phát triển”.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: Huy động sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác lợi thế về đất đai, kinh nghiệm sản xuất, nguồn lao động tại chỗ, đồng thời đầu tư hệ thống thủy lợi, làm tốt việc chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao vào sản xuất, xem đây là giải pháp đột phá để phát triển ngành nông nghiệp toàn diện. 

Để cụ thể hóa chủ trương này, UBND huyện xây dựng đề án về “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng” giai đoạn 2017 - 2025. Với cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phù hợp tập trung các loại cây trồng đặc sản cũng như giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đề án được nhân dân ủng hộ, UBND tỉnh đánh giá cao và đồng ý hỗ trợ mỗi năm 10 tỷ đồng để triển khai thực hiện đạt kết quả.

Ông Trầm Quế Hương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước cho biết, cùng với phát triển nông nghiệp, huyện cũng khai thác tốt nhất lợi thế của một huyện miền núi có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, đông dân, gần tỉnh lỵ, giao thông thuận lợi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng. Chú trọng thương mại và dịch vụ thông qua việc điều chỉnh bổ sung mới các cụm công nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cải tiến máy móc, thiết bị, mẫu mã, bao bì sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất...

Tạo bước đột phá

Nằm ở vị trí cửa ngõ của huyện với nhiều tiềm năng, lợi thế, việc phát triển Cụm công nghiệp Tài Đa, thu hút nguồn vốn đầu tư cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là mũi nhọn để xã Tiên Phong chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả. Trong 5 năm (2015 - 2020), giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng của xã tăng từ 11,7 tỷ đồng lên 237 tỷ đồng. Giá trị thương mại, dịch vụ tăng tương ứng từ 9,2 tỷ đồng lên 134 tỷ đồng. Sản xuất nông, lâm nghiệp cũng tăng từ hơn 10 tỷ đồng lên hơn 100 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Văn Ty - Bí thư Đảng bộ xã Tiên Phong, cho biết: “Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ cùng với các cơ chế khuyến khích phát triển nông nghiệp giúp người dân có nhiều lựa chọn để phát triển. Từ đó, tạo được nhiều việc làm mới, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 3,62% (năm 2014) xuống còn dưới 2% hiện nay”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tiên Phước - Trầm Quế Hương, việc cơ cấu kinh tế và đầu tư công theo hướng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đột phá, ưu tiên cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ không chỉ tạo sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu lao động mà còn giúp tăng năng suất, chất lượng lao động.

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện trong 5 năm đạt 2.238 tỷ đồng. Trong đó chú trọng các công trình phục vụ dân sinh như giao thông, thủy lợi, trường học, thiết chế văn hóa thể thao. Tổng giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng gấp 3 lần, thương mại, dịch vụ tăng hơn 2 lần so với đầu nhiệm kỳ, đưa thu nhập bình quân của người dân đạt 40 triệu đồng/năm, tăng hơn 2 lần so với đầu nhiệm kỳ, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 14% năm 2015 xuống dưới 5% hiện nay. Toàn huyện đạt 233 tiêu chí NTM, bình quân 16,64 tiêu chí/xã; 5 xã đã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt 19/19 tiêu chí chờ công nhận.

Phạm Hoàng - Báo Quảng Nam