Tưởng niệm 100 năm ngày mất chí sĩ Lê Cơ
Sáng nay 26.10.2018, tại Trường THCS Lê Cơ (xã Tiên Sơn), huyện Tiên Phước long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 100 năm ngày mất chí sĩ Lê Cơ (26.10.1918 - 26.10.2018), nhà thực hành phong trào Duy tân xuất sắc.
Đến dự lễ tưởng niệm có các đồng chí Trần Xuân Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Tiên Phước, người dân, học sinh xã Tiên Sơn và gia tộc cụ Lê Cơ.
Lễ cúng giỗ cụ Lê Cơ tại Trường THCS Lê Cơ. Ảnh: D.L |
Cụ Lê Cơ sinh năm 1870 tại làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay thuộc xã Tiên Sơn, huyện Tiên Phước). Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn lịch sử biến động dữ dội, triều đại phong kiến nhà Nguyễn suy đốn cực độ, cụ Lê Cơ - bậc “anh hùng thảo dã” đã vượt lên trên những ý thức hệ phong kiến, lối tư duy sáo mòn của lớp sĩ phu đương thời; cùng với Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng hưởng ứng, thực hành mạnh mẽ công cuộc canh tân, biến làng Phú Lâm trở thành một điểm sáng, hiện thực hết sức sinh động trong phong trào Duy tân đầu thế kỷ XX.
Cụ say mê đọc tân thư và cổ súy chủ trương khai trí, trị sinh của Phan Châu Trinh. Trong bối cảnh 3 năm liền làng Phú Lâm không có lý trưởng, cụ bất đắc dĩ phải đứng ra nhận chức Lý trưởng làng Phú Lâm với suy nghĩ đầy hành hiệp “túng bất năng hành chi thiện hạ, do khả nghiệm chi nhất hương” (dẫu không làm cho thiên hạ, cũng thí nghiệm trong một làng).
Với lý tưởng đó, cụ dốc sức trừ nạn cường hào thông qua việc cải cách chế độ sưu thuế, tế tự, canh phòng, trăm điều chấn chỉnh, khiến bọn cường hào địa phương không thể thực thi những thủ đoạn bóc lột chèn ép nhân dân. Công cuộc cải cách bước đầu có kết quả, lòng dân đã thuận phục, tin tưởng vị Lý trưởng hết lòng vì dân, cái tên Xã Sáu Phú Lâm đã trở thành một danh được ngưỡng mộ.
Lãnh đạo tỉnh dâng hương tưởng niệm 100 năm ngày mất cụ Lê Cơ. Ảnh: D.L |
Thành công nổi bật nhất của Lê Cơ trong công cuộc cải cách xã hội là bài trừ hủ tục, phát động ăn ở hợp vệ sinh, mở trường dạy chữ quốc ngữ, chữ Pháp, lập hội bảo hiểm, hội mặc đồ tây, cắt tóc ngắn... Đặc biệt, với sự hình thành của Trường Tân học Phú Lâm - ngôi trường đầu tiên của Bắc và Trung kỳ có lớp nữ sinh riêng, nữ giáo viên; trẻ em, người lớn đều được đến trường không hạn chế tuổi tác, học theo thời vụ “thả học thả canh”, với chương trình giảng dạy thiết thực, phong phú như dạy quốc ngữ, chữ Hán, chữ Pháp, các môn khoa học tự nhiên, xã hội và cả rèn luyện thân thể. Đồng thời, với tư tưởng hết sức cấp tiến xã hội hóa giáo dục lấy hội buôn nuôi trường học và khuyến khích việc học để nâng cao dân trí, lập thân lập nghiệp, phụng sự đất nước.
Song song với công cuộc khai trí sôi nổi, thiết thực, Lê Cơ với tư tưởng “dĩ nông hợp quần, dĩ thương hợp quần”, vận động nhân dân trong xã lập “Hợp thương”, “Hợp xã” ,“Nông đoàn”, trồng tiêu, quế, chè theo phương pháp mới; vận động những người khá giả tự nguyện hiến vườn, hiến ruộng, vỡ hoang vườn, kết nối vườn tạo nên những khu liên hoàn trồng cây ăn quả; tập hợp những đám ruộng hiến, ruộng công, ruộng vỡ hoang, ruộng đổi, ruộng chùa... làm thành hợp tác xã để cho dân nghèo không có ruộng cày được cày cấy chung, vươn lên thoát kiếp cày thuê.
Đồng thời, vận động lập công hội, thương hội, lập phường mộc, lò chén, dựng lò rèn, lập cuộc buôn ở Phú Lâm lấy tên là “Thương hội bình dân”, mở hệ thống hàng quán trong làng, mở mang thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… đã tạo được làn sóng mới, khơi dậy, cỗ vũ tích cực tinh thần hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế.
Lãnh đạo huyện Tiên Phước dâng hương tưởng niệm cụ Lê Cơ. Ảnh: D.L |
Công cuộc khai dân trí, cải tạo xã hội của Lê Cơ được dấy lên mạnh mẽ với những ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân đã khiến thực dân Pháp và cả chính quyền thuộc Pháp lo sợ tìm cách đàn áp. Chính vì vậy năm 1908, khi phong trào chống thuế nổ ra ở Quảng Nam, thực dân Pháp đã thẳng tay khủng bố trắng Duy tân, đình chỉ các trường học, việc công thương, bắt bớ và giết hại nhiều sĩ phu yêu nước.
Với vai trò là một trong những yếu nhân của phong trào chống sưu thuế, chí sĩ yêu nước Lê Cơ bị bắt giam tại nhà lao Hội An đến năm 1911 mới được trả tự do. Ngay khi ra tù ông đã đứng vào hàng ngũ của Việt Nam Quang phục hội và là yếu nhân của cuộc khởi nghĩa tấn công phủ đường Tam Kỳ năm 1916. Cuộc khởi nghĩa không thành công, Lê Cơ và nhiều sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ như Trần Cao Vân, Thái Phiên, Trần Huỳnh và gần 200 người yêu nước khác đã bị bắt.
Lê Cơ bị đày ra nhà lao Lao Bảo. Năm Mậu Ngọ 1918, Lê Cơ là một trong số tù nhân chính trị đứng lên phản kháng bọn cai ngục, khi chứng kiến một bạn đồng lao bị ngược đãi. Cụ bị bọn ác ôn thảm sát cùng với nhiều nhà yêu nước ngay trong nhà lao Lao Bảo. Khí phách, đởm lực và tinh thần bất khuất của Lê Cơ đã tiếp sức, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào bạo lực cách mạng về sau của những người yêu nước, muốn giành độc lập cho nước nhà.
Học sinh Trường THCS Lê Cơ nhận quà từ gia tộc Lê. Ảnh: D.L |
Học sinh xã Tiên Sơn nhận học bổng của Quỹ học bổng Lê Cơ trong lễ tưởng niệm. Ảnh: D.L |
Tại lễ tưởng niệm, 15 học sinh là con em xã Tiên Sơn đã từng theo học tại Trường THCS Lê Cơ được trao 17 suất học bổng với tổng số tiền 37 triệu đồng từ Quỹ học bổng Lê Cơ. Ngoài ra, gia tộc Lê đã trao 5 phần quà động viên tinh thần học tập cho 5 em học sinh đang học tại Trường THCS Lê Cơ.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam