Sông Quế Phương "chết" vì vàng
Tình trạng khai thác vàng trái phép ở vùng giáp ranh giữa hai xã Tiên Lập - Tiên Phước và xã Tam Lãnh - Phú Ninh, khiến sông Quế Phương và sông Tiên “chết” vì nhiễm hóa chất cyanua và thủy ngân...
Sau một thời gian vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng hai huyện Tiên Phước và Phú Ninh, nạn khai thác vàng trái phép hai bên bờ sông Quế Phương đã có phần lắng xuống. Tuy nhiên, gần đây lợi dụng thời tiết mưa nhiều, địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, các đối tượng khai thác vàng trái phép lén lút hoạt động trở lại, gây ô nhiễm nguồn nước sông Quế Phương và sông Tiên, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng nghìn hộ dân ở các xã Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Thọ, Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Hà… Để ngăn chặn tình trạng khai thác vàng tái diễn, huyện Tiên Phước đã huy động lực lượng truy quét tại các điểm nóng, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi địa bàn.
Các hồ chứa xái ngâm chất cyanua để thu chế vàng nằm sát bờ sông Quế Phương thuộc địa phận xã Tam Lãnh. Ảnh: N.HƯNG |
Vào điểm “nóng”
Theo chân các ngành chức năng huyện Tiên Phước và xã Tiên Lập, chúng tôi có mặt tại khu vực này, tận mắt nhìn thấy dọc hai bên bờ sông Quế Phương, thuộc vùng giáp ranh giữa hai xã Tam Lãnh và xã Tiên Lập, có rất nhiều lán trại được dựng lên để khai thác vàng trái phép. Đặc biệt, phía bờ sông thuộc địa phận xã Tam Lãnh nhiều lán trại có quy mô lớn, đất quặng từ nơi khác chuyển về đổ hàng đống, ngổn ngang. Một số hồ chứa xái rộng gần 3m2, cao 1m được bao bọc kín bằng các bao nilon. Bên trong các lán trại, áo quần, chăn mùng, thực phẩm, nước uống... dự trữ nhằm phục vụ cho việc đào đãi vàng. Phía ngoài các lán trại, nuôi hàng đàn gia cầm. Chó cũng được “vàng tặc” nuôi quanh lán trại, điều đó chứng tỏ việc lưu trú khai thác vàng trái phép có chủ định và lâu dài. Trong khi đó, bên bờ sông thuộc địa phận thôn 3 xã Tiên Lập, qua kiểm tra cũng phát hiện 3 lán trại khai thác vàng trái phép, khi thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra các đối tượng lẩn tránh vào rừng, các phương tiện khai thác vàng cũng được cất giấu, chỉ còn lại đất quặng, hồ chứa xái đậy bạt che chắn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các đối tượng khai thác vàng chở đất quặng từ mỏ vàng Bồng Miêu, Tam Lãnh đến bờ sông, một số lượng đất quặng khai thác ngay trên địa bàn xã Tiên Lập, sau đó tập kết xuống gần bờ sông để lấy nước đãi vàng. Các hồ chứa xái ngâm cyanua để tách lọc vàng đều nằm sát hai bên bờ sông Quế Phương, nước xả thải trực tiếp chảy xuống sông. Ông Nguyễn Xuân Minh - Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Tiên Lập bức xúc nói: “Người dân ở trong thôn rất lo lắng trước tình trạng khai thác vàng trái phép dọc hai bên bờ sông Quế Phương. Nó không những làm biến dạng gò đồi, bờ sông, mà còn làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt, đời sống hàng ngày của người dân. Dòng sông Quế Phương nước đục ngầu, hóa chất cyanua, thủy ngân xả thẳng ra sông vô tội vạ. Người dân ở đây mong muốn ngành chức năng làm mạnh tay, giải quyết dứt điểm nạn khai thác vàng trái phép để bà con yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống”. Chính quyền xã cho biết, các đối tượng khai thác vàng ở xã Tiên Lập, chủ yếu là người dân địa phương mang máy móc, phương tiện vào hoạt động khai thác vàng trái phép. Các đối tượng này nắm rõ địa hình, theo dõi lịch trình truy quét nên rất khó bắt quả tang.
Truy quét, siết chặt quản lý
Mới đây, HĐND huyện Tiên Phước cũng đã thành lập đoàn đi kiểm tra, giám sát việc khai thác vàng trái phép tại vùng giáp ranh giữa hai xã Tiên Lập và Tam Lãnh. Theo báo cáo của UBND xã Tiên Lập, trước đây trên địa bàn xã 5/5 thôn đều có các điểm khai thác vàng trái phép, đó là bãi Phú Sơn (thôn 1), bãi Hố Máng (thôn 2), bãi Vực Bộng (thôn 3), bãi Gò Gai (thôn 4), bãi Hố Ví (thôn 5). Từ năm 2013 đến nay, sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng huyện, xã, tình trạng khai thác vàng trái đã giảm bớt. Năm 2015, truy quét 8 đợt, phá hủy 3 máy nổ, 15 hồ chứa xái, 30 lều bạt, tiêu hủy 200m dây nhựa dẫn nước và nhiều phương tiện khác. Năm 2016, mở 10 đợt truy quét, đập phá 2 máy nổ, 20 hồ xái, đốt 60 lều bạt.
Từ đầu năm 2017 đến nay, các ngành chức năng huyện, xã đã tổ chức nhiều đợt truy quét phá hủy 33 hồ chứa xái, 2 máy nổ, tiêu hủy 300m dây nhựa nước, 3 lán trại. “Tuy nhiên, tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn tái diễn là do địa bàn rộng, rừng núi xa xôi, một số điểm khai thác vàng nhỏ lẻ, hoạt động lén lút gây khó khăn cho việc truy quét; các điểm làm vàng trái phép nằm ở khu vực giáp ranh giữa hai xã Tiên Lập và Tam Lãnh nên khi bên này truy quét đối tượng chuyển sang bên kia và ngược lại” - bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm - Chủ tịch UBND xã Tiên Lập, nói.
“Cùng với việc phối hợp với các ngành chức năng của huyện truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc”, chính quyền địa phương cũng đã mời các hộ dân có con em làm vàng trái phép lên để tuyên truyền, vận động không vì lợi ích trước mắt mà vào rừng đào đãi vàng trái phép, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân và cộng đồng nói chung. Bên cạnh đó, xã cũng tổ chức hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho các đối tượng thanh thiếu niên làm vàng trái phép, giúp họ có công ăn việc làm ổn định. Đối với các đối tượng không chấp hành, các hộ cho thuê đất làm vàng trái phép, địa phương sẽ có kế hoạch thu hồi đất chuyển giao mục đích sử dụng hiệu quả” - Bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm báo cáo với đoàn kiểm tra.
Ông Nguyễn Chính - Phó Chủ tịch HĐND huyện, trưởng đoàn kiểm tra, ghi nhận những nỗ lực của địa phương trong việc ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã. Ông cũng cho biết, huyện đã nhiều lần làm việc với huyện Phú Ninh, với tỉnh về tình trạng khai thác vàng ở vùng giáp ranh giữa hai xã Tiên Lập và xã Tam Lãnh, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng này. Thời gian tới huyện sẽ chỉ đạo các ngành chức năng quyết liệt truy quét và có chế tài xử lý nghiêm những đối tượng khai thác vàng trái phép trên địa bàn; đồng thời phối hợp chặt chẽ với huyện Phú Ninh và xã Tam Lãnh giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác vàng trái phép ở vùng giáp ranh, trả lại môi trường trong sạch cho dòng sông Quế Phương.
Nguyễn Hưng - Báo Quảng Nam