Sợ lỡ mất tài năng
Đã có nhiều thế hệ học trò rời vùng quê Tiên Phước để lập nghiệp bằng cái bụng rỗng và đôi chân trần. Ngày về, họ quyết định làm mạnh thường quân để tiếp sức cho học trò nghèo vững bước vào tương lai với lý do vô cùng giản đơn: Sợ lỡ mất tài năng.
Thế hệ học sinh THPT ở Tiên Phước thời VTV3 - Đài truyền hình Việt Nam còn tổ chức chương trình “Bảy sắc cầu vồng”, hầu như đều biết đến cậu học trò nghèo Lê Quang Nhật. Ngày ấy, ước muốn của Nhật chỉ đơn giản là có bữa sáng với cơm mắm để no bụng đến trường. Ổ bánh mỳ là “thực phẩm xa xỉ” với Nhật. Và rồi nhờ nỗ lực bản thân, sự giúp sức của nhiều người, hôm nay Lê Quang Nhật đã trở thành một doanh nhân thành đạt ở TP.Hồ Chí Minh. Mỗi khi nhận điện thoại hay những lần về thăm quê, trở lại trường xưa, chỉ cần thầy hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh - Phạm Hữu Thức nói cần vài suất học bổng để tiếp sức cho học trò đang gặp khó khăn là Lê Quang Nhật sẵn sàng giúp đỡ. “Mình từng là học trò của thầy Thức. Ngày ấy, nhờ thầy cưu mang, động viên mình mới có được thành tựu như hôm nay. Ấy là cái nghĩa của học trò với thầy cũ. Thứ hai là sự cảm kích của cá nhân với một cá nhân có nhiều tâm huyết với giáo dục quê nhà. Điều cuối cùng, mình sợ khi từ chối trợ sức cho các em có thể là đã từ chối một thế hệ tài năng” - anh Lê Quang Nhật lý giải nguyên nhân vì sao luôn sẵn sàng hỗ trợ nhà trường trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.
Anh Tôn Thạnh Nghĩa và anh Lê Quang Nhật đang giao lưu với học sinh và giáo viên trường THPT Phan Châu Trinh trong chương trình " Khát Vọng Tuổi Trẻ" đêm 26/08/2012 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập trường
Trong vòng 5 năm trở lại đây, trường THPT Phan Châu Trinh đã nhận được tổng số tiền hơn 1,65 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân tài trợ nhà trường mua sắm trang thiết bị dạy - học, nhưng chủ yếu vẫn là dành trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, học sinh có thành tích xuất sắc. |
Cũng rời vùng quê Tiên Phước đi lập nghiệp xứ người, cậu học trò nghèo Tôn Thạnh Nghĩa ngày ấy gần như đặt cược cả số phận vào vài đồng bạc ít ỏi dùng để lận lưng. Vừa học vừa làm nơi đất khách và sau này trở thành doanh nhân thành đạt, Tôn Thạnh Nghĩa thấu rõ cái khổ cực, thiếu ăn, thiếu mặc của học trò nghèo. Vì thế mỗi năm, doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa lại trở về quê, thông qua Ban giám hiệu trường THPT Phan Châu Trinh tiếp sức cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được bớt khổ, bớt nhọc nhằn, giúp các em vững bước vào tương lai. Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa từng chia sẻ với Ban giám hiệu nhà trường rằng, cái gì to tát thì tôi không dám hứa chắc, nhưng nếu chỉ cần năm, mười triệu đồng trợ sức cho học trò nghèo thì cứ gọi cho tôi.
Hội đồng hương Tiên Phước tại Hồ Chí Minh tổ chức gặp mặt trao học bổng cho con em quê hương
Trong số mạnh thường quân có nhiều đóng góp cho giáo dục Tiên Phước nói chung và trường THPT Phan Châu Trinh nói riêng không thể không nhắc đến doanh nhân Nguyễn Châu - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Sài Gòn thương tín - Sacombank. Ông Nguyễn Châu từng đầu tư xây tặng Tiên Phước ngôi trường tiểu học trị giá hàng tỷ đồng, là mạnh thường quân tài trợ thường xuyên cho giải thưởng Huỳnh Thúc Kháng. Và ông không ngần ngại đồng ý đỡ đầu cho nhiều học trò nghèo trường Phan Châu Trinh. Như Trần Công Khải (sinh viên năm cuối trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh) là người được ông Nguyễn Châu nhận đỡ đầu từ khi mới bước chân vào giảng đường đại học với suất học bổng 1 triệu đồng/tháng. Thầy Phạm Hữu Thức cho biết, ngoài Trần Công Khải còn có rất nhiều học sinh trường THPT Phan Châu Trinh được nhận học bổng nhờ tấm lòng của doanh nhân Nguyễn Châu. “Ngày rời khỏi Tiên Phước với hai bàn tay trắng, tôi đã tự nhủ lòng khi thành công sẽ quay về giúp quê hương. Không thể làm điều gì to tát, tôi chỉ hy vọng đầu tư vào giáo dục, vào con người như một cách báo đáp quê hương” - ông Nguyễn Châu chia sẻ.
PHAN HẠO NHIÊN - BÁO QUẢNG NAM