www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Sưa vườn Tiên Phước có phải huê mộc vàng ?

 Lời BBT: Tuần qua Ban biên tập donghuongtienphuoc.com nhận được một số email của quí đồng hương hỏi về cây sưa vườn ở Tiên Phước có phải cây huê mộc vàng hay huỳnh đàn mà hiện nay thị trường đang khai thác và bán với giá rất cao hay không ? Đặc biệt mọi người càng xôn xao hơn khi có tin đồn gần đây có người trúng cây huê mộc vàng trị giá hàng trăm tỷ đồng ở Phong Nha, Quảng Bình. Để giải đáp thắc mắc của quí đồng hương, BBT đã liên lạc và xin gửi đến bài viết này của nhà nghiên cứu Đỗ Xuân Cẩm, nguyên giảng viên trường Đại học Nông Lâm Huế để quí vị hiểu hơn về cây sưa vườn của mình và cây huê mộc vàng.

 

       Cây hương vườn ở Tiên Phước, Quảng Nam được người dân địa phương gọi bằng nhiều tên khác nhau: sưa, sưa vườn, hương vườn. Điều đáng quan tâm là nó có mặt khắp nơi trong tỉnh, từ đồng bằng ven biển đến vùng trung du và miền núi. Tôi đã gặp ở Tam Thanh, Tam Phú, Tam Ngọc, Tam Dân, Phú Ninh và các xã Tiên Châu, Tiên Cẩm, Tiên Hà, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh, thị trấn Tiên Kỳ… thuộc huyện Tiên Phước. Cây mọc tự nhiên và được trồng ở nhiều kiểu địa hình khác nhau. Đây là loài cây dễ nhân giống, có thể nhân bằng hạt hay bằng cành. Nhiều nơi, người dân chặt cành trồng làm hàng rào hoặc làm choái tiêu, cành đã bén rễ nhanh và sinh trưởng thành cây.

Có lẽ vì thế, người dân đã gọi là sưa vườn. Ngay ở Tam Phú và Tam Ngọc cũng có nhiều cây cổ thụ, tuổi cả trăm năm, được người dân địa phương xem như nguồn giống để nhân rộng khi có nhu cầu. Gần đây, khi có tình trạng khai thác trái phép loài sưa ở rừng tự nhiên từ Quảng Bình, đến Thừa Thiên, vào Quảng Nam rồi đến tận Phú Khánh, gây ra nguồn thông tin xôn xao, mà trên diễn đàn báo chí mỗi bài gọi tên một kiểu, thì người Quảng Nam bắt đầu suy nghĩ về cây sưa của mình. Thậm chí, có trường hợp, thương nhân bắt đầu thực hiện hợp đồng kinh tế thu mua và vận chuyển “sưa vườn”, nhưng có phải sưa vườn Quảng Nam không thì chúng tôi không có điều kiện thẩm định. Điều cần bàn là, sưa vườn Quảng Nam và sưa đang bị khai thác trái phép nói trên có phải là một hay là hai. Nếu là hai thì chúng có quan hệ chủng tộc thế nào ?

Hàng sưa vườn vàng thường thấy ở Tiên Phước

Thật ra, cây sưa Quảng Nam và cây sưa đang bị khai thác trái phép là hai loài khác nhau trong cùng họ Đậu - Fabales.

      Cây huê mộc vàng

     Cây sưa bị khai thác trái phép mà lâu nay các nguồn thông tin gọi dưới nhiều tên khác nhau: huỳnh đàn, trắc thối, sưa, sưa Bắc bộ, huê, huê mộc vàng… là một loài thuộc chi Dalbergia, cùng chi với các loài trắc, cẩm lai. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ gọi là sưa, trắc thối, người Quảng Bình gọi là huê mộc, viện Điều tra Qui hoạch rừng và viện Sinh thái – Tài nguyên môi trường gọi là sưa Bắc bộ. Tên huỳnh đàn do người dân Tây Nguyên gọi. Thật ra, tên gọi này dễ nhầm với huỳnh đường là cây thuộc họ Xoan hoặc nhầm với cây hoàng đàn là cây hạt trần thuộc họ Hoàng đàn. Từ trước đến nay, trong các tài liệu khoa học và các văn bản pháp quy lâm nghiệp chưa bao giờ có tên Huỳnh đàn thuộc họ Đậu. Từ những năm trong thập kỷ 70, cây huê hay huê mộc chỉ được biết rất hạn chế, gần như cả nước chỉ biết nó có ở Phong Nha – Kẽ Bàng. Trong khi Quyết định 2198/1977/QĐ-CN của Bộ Lâm nghiệp ngày 26.11.1977 tên huê mộc được ghi làDalbergia rimosa Roxb.

Đây là một nhầm lẫn, vì Dalbergia rimosa là một loài dây leo thân gỗ, Phạm Hoàng Hộ gọi là “trắc dây”. Vào thời điểm của những năm trong thập kỷ 90, gỗ huê ở Phong Nha – Kẽ Bàng bị khai thác trộm, cắt thành từng đoạn ngắn để vận chuyển, mua bán, nhưng với giá cả thấp không đột biến như bây giờ. Lúc đó huê cũng chưa có tên trong Nghị định 18/1992/NĐ-HĐBT ngày 17.1.1992 và mãi đến khi Nghi định 48/2002/NĐ-CP ngày 22.4. 2002 ra đời, huê vẫn chưa được ghi tên. Và vào thời điểm đó, các nhà khoa học cũng chưa xác định huê chính là sưa Bắc bộ. Mãi tới những năm 2005 – 2006, huê mới được xác định là sưa Bắc bộ với tên gọi Dalbergia tonkinensis Prain, và chính thức có tên trong nhóm IA của Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 với tên huê mộc vàng. Đến lúc này, nhiều cây sưa Bắc bộ lớn tuổi ở các công viên, vỉa hè Hà Nội lọt vào tầm ngắm của gian thương, một số cây đã bắt đầu bị chặt trộm. Ngay ở thành phố Huế, sưa Bắc bộ được trồng nhiều trên vỉa hè đường Lê Quý Đôn, An Dương Vương nối dài đã cho quả, đang chịu cảnh bị vặt hái tùy tiện, cho dù quả chưa chín, vì hiện có quá nhiều người đang săn lùng quả làm giống để bán cây con (giá thời điểm hiện nay là 15.000đ/cây 30 – 40cm), nên đã gây ra cảnh cha chung không ai khóc, rất lãng phí.

        Thân cây sưa vườn Tiên Phước

Cây sưa Quảng Nam không phải là sưa Bắc bộ. Đúng ra, không nên gọi sưa, vì từ Bắc chí Nam, tên sưa được gán cho một loài trong chi Dalbergia. Chính tên gọi hương vườn chính xác hơn là sưa vườn. Đây là một loài cùng chi với giáng hương quả to và giáng hương mắt chim, đó là chi Pterocarpus. Giáng hương quả to (Pterocarpus macrocarpusKurz.) còn được gọi gọn là giáng hương (Pterocarpus pedatus Pierre), hay giáng hương Căm-bốt (Pterocarpus cambodianus Pierre). Trước đây, người ta nhầm tưởng là 3 loài khác nhau, nhưng hiện nay đã xác định chỉ là một, với ba tên gọi khác nhau. Giáng hương mắt chim, còn gọi là giáng hương Ấn độ hay giáng hương đen, với tên khoa học làPterocarpus indicus Willd.. Cây hương vườn Quảng Nam và hai loài giáng hương vừa nói cùng chi nên có nhiều đặc điểm hình thái gần giống nhau, khiến cho nhiều người mới nhìn qua đã tưởng nhầm.

Nhưng hương vườn Quảng Nam có một đặc điểm khác hẳn, đó là vỏ quả nơi bao hạt có gai, trong khi giáng hương mắt chim gặp từ Quảng Ngãi trở vào Nam không có gai trên vỏ quả. Sau khi phân tích mẫu và giám định để phân loại theo phương pháp phân loại so sánh hình thái, tôi cho rằng hương vườn Quảng Nam là giáng hương cầu gai với tên khoa học là Pterocarpus echinatus Pers.. Cũng có thể xem đây là một dạng (forma) thuộc loài giáng hương mắt chim với tên gọi Pterocarpus indicus f. echinatus (Pers.) Rojo. Các loài giáng hương đều có lõi gỗ đỏ, vân đẹp, gần giống vân gỗ huê. Trong quá trình khai thác, thu mua, vận chuyển, gỗ giáng hương được trộn lẫn vào với tên huê mộc đỏ để phân biệt với huê mộc huê mộc vàng.

Như vậy, điều cần khẳng định là:

1. Cây hương vườn Quảng Nam hoàn toàn không phải là cây huê mộc vàng, có thể phân biệt dễ dàng qua hình thái quả. Quả cây huê mộc vàng dạng quả đậu, vỏ hơi bẹt thành cánh, thường chứa một hạt, ít khi hai hạt. Quả cây hương vườn Quảng Nam có mép quả bẹt thành cánh, và uốn cong dạng đĩa bay, có 2 – 3 hạt tập trung ở tâm thành một u lồi, bên ngoài có nhiều lông gai.

2. Cây hương vườn Quảng Nam là một loài cây gỗ tốt, quý hiếm, đặc trưng của đất Quảng Nam. Hình như có vài nơi trong tỉnh đã có hiện tượng khai thác lấy gỗ trộn lẫn vào gỗ huê để vận chuyển mua bán trái phép. Thương trường vẫn cho rằng đó là huê mộc đỏ. Nhiều tài liệu của Đông Nam Á cho rằng nhựa mủ của các loài giáng hương có khả năng chữa trị được ung thư. Biết đâu vì hướng sử dụng này mà giá gỗ huê mộc vàng và huê mộc đỏ đã đột biến một cách đáng kinh ngạc, thậm chí thương trường thu mua cả những đầu thừa, đuôi thẻo, khô lục lóc lõi và cả từng đoạn rễ ngắn?

3. Đây là loài cây dễ tính (sống được ở nhiều điều kiện lập địa), dễ nhân giống (bằng hạt và bằng cành), đa tác dụng (tôn tạo cảnh quan, phòng hộ, cho gỗ tốt và có thể cả nhựa mủ làm thuốc).

Một cây huê mộc vàng (huỳnh đàn) bị cưa trộm

Theo tôi, cần phát huy tính độc đáo của cây hương vườn, xem đây là một tài sản riêng của Quảng Nam. Trước hết nên tận dụng vẻ đẹp về dáng thế và màu hoa của nó, đưa trồng làm cây bóng mát và cây cảnh quan cho một số đường phố, công viên, khuôn viên trường học, công sở trong thành phố Tam Kỳ và các thị trấn thuộc Tỉnh Quảng Nam để vừa tôn tạo cảnh quan vừa tôn vinh một loài đặc trưng địa phương lại vừa góp phần bảo tồn loài theo phương thức bảo tồn ex situ. Nên học tập kinh nghiệm của Malaysia và Singapore trồng làm cây bóng mát đường phố bằng cách chọn những cành thẳng, dạng bánh tẻ, đường kính 8 – 10cm, dài 2,5 – 3m đem giâm thẳng vào hố trồng, rồi cắm cọc bảo vệ, sau vài năm đã tỏa tán, định hình.

Cũng nên tận dụng khả năng phòng hộ bằng cách trồng làm vành đai xanh bảo vệ rừng tự nhiên và rừng trồng, làm cây giá thể cho cây mây, cây tiêu, làm cây che bóng cho cây cà-phê… Cũng nên cơ cấu một tỉ lệ nhất định vào rừng trồng hỗn loài cây bản địa. Mặc dù thời gian khai thác rất chậm, nhưng trong chiến lược phục hồi rừng bền vững, cần có hướng lấy ngắn nuôi dài, bên cạnh những cây bản địa sớm cho sản phẩm thì những cây bản địa tuổi thọ cao như hương vườn rất đáng được quan tâm.

Cuối cùng, chúng tôi đề nghị có những thẩm định khoa học cần thiết để bổ sung vào danh lục thực vật Việt Nam loài giáng hương cầu gai, xem đây là một phát hiện mới.

Đỗ Xuân Cẩm