Sư đoàn thép
Sư đoàn 2 được mệnh danh là “Sư đoàn thép”. trải qua 50 năm hình thành và phát triển, sư đoàn vẫn giữ nguyên truyền thống “Trên tin, bạn mến, dân thương; đã đi là đến, đã đánh là thắng”.
Từ chiến trường Quảng Nam
Đại tá Trần Như Tiếp, nguyên trợ lý tác chiến của Trung đoàn 1 nhớ lại ngày đầu thành lập Sư đoàn 2. Ngày 20.10.1965, lễ thành lập sư đoàn được tổ chức chính thức trọng thể và trang nghiêm tại làng An Lâm, xã Phước Hà (nay là Tiên Hà), huyện Tiên Phước, dưới tán cây rừng rậm rạp.
Phát biểu trong buổi lễ, đồng chí Đoàn Khuê, Phó Chính ủy Quân khu (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã mất) nêu rõ nhiệm vụ của đơn vị: “Đây là một trong những sư đoàn chủ lực cơ động của Quân khu 5 nên phải lấy nhiệm vụ tác chiến tập trung tiêu diệt địch là chủ yếu nhưng phải liên hệ mật thiết với phong trào của địa phương, kết hợp diệt địch và giành dân, giải phóng đất đai…”. Đội hình sư đoàn lúc này có 2 trung đoàn, 3 tiểu đoàn và các đơn vị bảo đảm. Tiểu đoàn BB 70 thuộc tỉnh đội Quảng Nam trở thành một đầu mối của sư đoàn.
Các cựu chiến binh Sư đoàn 2 trong ngày gặp mặt ở Đà Nẵng tháng 10.2015. |
Đương đầu với 12.000 quân Mỹ trong tổng số 19.000 quân Mỹ và chư hầu tại miền Nam trong thời điểm đó, lính sư đoàn đã mưu trí sáng tạo, chiến đấu ngoan cường, tạo nên uy danh “Sư đoàn thép” khiến địch khiếp sợ. Vừa mới thành lập được 12 ngày, “vừa chạy vừa sắp hàng”, Sư đoàn 2 đã làm nên chiến thắng trận đầu. Chỉ sau 2 giờ xung kích, đơn vị tiêu diệt cứ điểm Hiệp Đức và khu chiến Đồng Dương, bước đầu xây dựng truyền thống “Ra quân là đánh thắng, đã đánh là diệt gọn”. Từ khu rừng An Lâm, bước chân Sư đoàn 2 tung hoành vạn dặm với 20 chiến dịch lớn, gồm 3.420 trận đánh, làm nên những chiến công hiển hách: Việt An, Cấm Dơi - Quế Sơn, Nông Sơn - Trung Phước, Đồi Tranh Quang Thạnh (Quảng Ngãi); Đường 9 Nam Lào, cao nguyên Bô-lô-ven (Lào), Đăk Tô, Tân Cảnh (Kon Tum), giải phóng Đà Nẵng…
Nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu trận Hiệp Đức năm 1965 đã kiêu hãnh khi nhắc đến tấm gương quả cảm của Chính trị viên phó Phạm Minh, quê ở xã Tam Giang (Núi Thành), sau này anh hy sinh trên cương vị đại đội trưởng. Ở cứ điểm Đồi Sơn, Hiệp Đức, mũi tiến công chủ yếu do bị vướng mìn, hàng rào cuối cùng chưa phá được, địch chống trả quyết liệt; thương vong bộ đội mỗi lúc một tăng. Không một phút do dự, Phạm Minh lao đến nằm đè lên hàng rào dây thép gai và hô lớn: “Đạp lên mình tôi mà vào. Toàn đại đội tiến lên!”. Các chiến sĩ bật dậy, vượt nhanh qua chiếc cầu bằng thân người, lao vào đồn giặc, cứ điểm Đồi Sơn bị tiêu diệt. Năm 2014, liệt sĩ Phạm Minh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đương đầu trên chiến trường rộng lớn, khốc liệt, sư đoàn phải trường kỳ gánh “đói, đau, đạn, địch” và chịu mất mát thương đau với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống. 18 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trung đoàn 1 được tuyên dương 3 lần Anh hùng. Sư đoàn cũng là đơn vị đặc biệt nhất cả nước khi tổn thất 4 Sư đoàn trưởng và 1 Chính ủy, Trong đó Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ và Chính ủy Nguyễn Minh Đức hy sinh ở Quảng Nam năm 1967. tự hào là từ chiếc nôi Sư đoàn 2 đã có 12 Sư đoàn trưởng và 7 Chính ủy Sư đoàn là tướng lĩnh, 4 người là Tư lệnh Quân khu, 1 người là Phó Tổng Tham mưu trưởng, 2 người là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, 1 người là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, 1 người là Đô đốc Hải quân, 4 Sư đoàn trưởng và Chính ủy là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Chỗ dựa tin cậy của dân
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sư đoàn 2 tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia với 10 năm cơ động trên các chiến trường trọng điểm. Trở về đứng chân ở An Khê (Gia Lai), Sư đoàn 2 được Bộ Quốc phòng chọn là đơn vị duy nhất của Quân khu 5 biên chế đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng cơ động trong mọi tình huống. Đặc biệt Trung đoàn 38 hàng năm đều được huấn luyện tác chiến biển đảo.
Con em các tỉnh trên địa bàn Quân khu 5 đầu quân về Sư đoàn 2 đều rất yên tâm khi đời sống vật chất tinh thần của đơn vị không ngừng được tăng lên. Doanh trại ngày càng chính quy, khang trang, đẹp đẽ. Chính sách hậu phương quân đội được bảo đảm tốt hơn. Hiện nay, khu nhà công vụ của sư đoàn đã giúp chỗ ở cho 56 gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Một số tiểu đoàn được trang bị máy tắm nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Các đại đội đều được trang bị tivi 32inch. Các đầu mối đều có sân bóng đá, nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn, bể bơi, sân bóng chuyền bãi biển, bãi tập thể lực. Câu lạc bộ quân nhân với cảnh quan đẹp như công viên khiến ai đến đây đều thấy môi trường quân ngũ ngày càng gần gũi với đời thường.
Từ hũ gạo vì người nghèo, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa mỗi năm, Sư đoàn 2 trích hàng trăm triệu đồng để thăm, tặng quà đối tượng chính sách, đồng bào bị thiên tai, gia đình khó khăn; hỗ trợ gạo, đồ dùng học tập cho hàng ngàn học sinh nghèo vượt khó… Nhiều đơn vị trong sư đoàn mua tặng con giống gia súc, gia cầm; huy động ngày công giúp hơn 100 hộ dân xóa đói giảm nghèo. sư đoàn còn tăng cường kết nghĩa với các địa bàn đứng chân và nơi thành lập đơn vị. Đặc biệt với xã Tiên Hà, Tiên Phước, sư đoàn có các cuộc hành quân về nguồn, tặng quà cho các đối tượng chính sách. Mới đây nhất, vào tháng 6.2015, sư đoàn đã làm 1 nhà tình nghĩa cho cựu quân nhân ở địa phương có hoàn cảnh khó khăn.
Ở nhà truyền thống Sư đoàn 2 có trưng bày tấm áo của má Nguyễn Thị Trương ở xã Quế Phong (Quế Sơn) rách tươm vì lựu đạn của địch. Năm 1966, má Trương đã hy sinh thân mình để cứu 3 chiến sĩ của sư đoàn thoát khỏi trận càn. Còn nhiều tấm gương của người dân xứ Quảng đã chở che bộ đội Sư đoàn 2 mà sử sách không thể nào kể hết. Lòng dân chính là cội nguồn góp phần để đơn vị làm nên chiến thắng. Trong hành trình 50 năm lịch sử của mình, Sư đoàn 2 luôn khắc sâu điều đó.
Hồng Vân - Báo Quảng Nam