www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Quế Tiên một thời nhớ mãi

Ngày 20.7.1969 tại thôn 3 xã Tiên Lãnh, Tỉnh ủy đã họp công bố quyết định thành lập huyện Quế Tiên gồm 10 xã (3 xã huyện Tiên Phước, 2 xã huyện Thăng Bình và 5 xã huyện Quế Sơn) với khoảng 11 nghìn dân. Việc ra đời huyện Quế Tiên là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa bởi yêu cầu cách mạng miền Nam sau Mậu Thân 1968, khi địch huy động toàn lực đánh sâu vào những vùng đã mất như quận lỵ Hiệp Đức, trục đường 16, cao điểm núi Ngang, Liệt Kiểm, Chia Gan…để khống chế toàn vùng, cắt đường hành lang vùng đông các huyện Thăng Bình, Quế Sơn với vùng tây, quận lỵ Tiên Phước. Quế Tiên ra đời như tấm lá thép chắn giữ công cuộc bình định nhanh của địch và tiếp nối những “mạch máu” của ta đã bị cắt rời. 

    Trong ký ức người chiến sỹ cách mạng  

    Đã hơn 60 tuổi Đảng, gần 90 tuổi đời, ông Nguyễn Văn Bá, hiện ở  phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vẫn còn rất minh mẫn. Tuy vậy, câu chuyện ông Bá kể với tôi về chính cuộc đời mình nhiều lúc bỗng ngưng lặng…đôi mắt ông hoe đỏ xúc động. “Lớp lớp đồng bào, từng nuôi nấng, đùm bọc, giúp đỡ cách mạng…rồi những đồng chí, đồng đội cùng nếm trải với nhau những vui buồn gian khổ nằm lại, có người đến nay đã 36 năm sau ngày quê hương giải phóng vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Những lời hẹn ước, những giấc mơ giản đơn cả hai cùng sống đến ngày nước nhà thống nhất của những đôi lứa yêu nhau chẳng bao giờ trở thành hiện thực”. Một người tham gia tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8.1945 ở làng Diêm Phố, xã Đức Bố (thuộc huyện Núi Thành ngày nay) nơi sinh thành, rồi thoát ly tham gia kháng chiến, ra Bắc, vào Nam trải qua nhiều vị trí công tác nhưng ông Bá cho rằng: sâu đậm ký ức một thời không thể nào quên với ông đó là khoảng thời gian 7 năm nhận nhiệm vụ Quyền Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy huyện Quế Tiên (1969-1975). 

  “Những kỷ niệm của một cán bộ cách mạng trong chiến tranh vừa hết sức riêng tư nhưng nó lại mang dấu ấn của nhiều người, của tập thể, của nhân dân”. Mảnh đất Quế Tiên là nơi thử thách sự gian khổ hy sinh với ý chí của người cách mạng, người lãnh đạo một tập thể cán bộ còn rất mới mẻ, chủ yếu từ các huyện Quế Sơn, Phước Sơn, Thăng Bình rút về hoạt động. Với ông Bá mảnh đất Quế Tiên còn gắn với câu chuyện nhân ngãi cuộc đời ông với người vợ hiện giờ đang gắn bó là bà Trần Thị Thanh, trước khi nên vợ nên chồng bà từng là chiến sỹ cách mạng bị địch bắt giam cầm 7 năm trong ngục tù. Năm 1973 được trao trả tại Lộc Ninh, về công tác ở Ban đón tiếp cán bộ Quân khu V, cán bộ phụ nữ huyện Quế Tiên.

      “Chú thông cảm, bây giờ nhớ thứ tự những câu chuyện hồi nớ chắc không nhớ nổi…nhưng sau hơn một tháng huyện mới thành lập là sự kiện Bác qua đời”. Uống hớp nước thấm giọng, mắt dõi xa xăm ông Bá tiếp tục câu chuyện. “Ngày Bác Hồ mất, nhân dân cả nước rất đau buồn, ở Quế Tiên thông qua Đài phát thanh ai cũng chăm chú theo dõi tang lễ Bác Hồ”. Với lòng xúc động, tình cản thiêng liêng, sâu sắc với  Bác, ông Bá đã triệu tập chiến sỹ tại một khu rừng ở thôn 10, Thăng Phước làm lễ truy điệu và phát động phong trào thi đua yêu nước, giết giặc lập công, biến đau thương thành hành động. “Những bàn tay nắm chặt, những đôi mắt nhòe lệ…trong mỗi người có mặt hôm đó tôi biết ai cũng thầm nhủ với lòng mình, quyết không sợ hy sinh, diệt ác trừ gian lập nhiều chiến công dâng Bác”.

     Ngày đầu xuất quân đi cơ sở, một số anh chị em ở huyện do chị Mường, Huyện ủy viên huyện Thăng Bình mới lên làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quế Tiên, kiêm Trưởng Ban đấu tranh Chính trị đầu tiên của huyện đi chưa đầy một giờ xuống thôn 10, Thăng Phước thì bị địch phục kích, toàn đoàn hy sinh. Anh em trong huyện mới đặt tên nơi chị Mường hy sinh là đồi chị Mường. Địa điểm đồi chị Mường ở cuối đường thanh niên ra thôn 7, Thăng Phước bây giờ.

     Với phương châm :“Đảng bám dân, dân bám địch, du kích bám thắt lưng địch mà đánh”, mặc dù tổn thất không ít nhưng ta đã xây dựng được hàng loạt cơ sở, chặn đánh địch khắp nơi, phá hỏng hoàn toàn kế hoạch bình định cấp tốc của địch. Sau 3 tháng thành lập, Đảng bộ huyện Quế Tiên đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại núi Vành Nong (thôn 10, Thăng Phước) bầu đồng chí Hà Đông, Tỉnh ủy viên tăng cường về làm Bí thư Huyện ủy, ông Bá đảm nhiệm Phó Bí thư. Sau Đại hội lực lượng ta tổ chức được những trận chiến khá tốt điển hình trận anh Cường, Huyện đội phó chỉ huy chống địch bình định xã Sơn Bình; ta chủ động đánh trúng cơ quan đầu não địch khi hành quân diệt 7 tên trong đó có một cố vấn Mỹ, bắn bị thương thiếu tá Lê Văn Soạn, quận trưởng Hiệp Đức. 

      Chuyện của một thời và mãi mãi 

    Vào năm 1971, Tỉnh ủy triệu tập hội nghị chỉnh huấn tại nóc ông Đề (Nam Tam Kỳ) giáp với Trà My, ông Bá cùng Bí thư Hà Đông, anh Xuân, anh Sáu và một số anh chị em nữa cùng đi. Từ thôn 10 qua hố Sâu, theo đường dây xuống Tiên Hà để qua Tiên Lãnh vào chỉnh huấn. Khi đến đoạn hố Sâu bị biệt kích Mỹ phục bắn. Tốp ông Bá, Hà Đông đi sau chừng 30 mét nghe súng địch xối xả vào tốp trước nhưng không thể nổ súng yểm trợ, rất may Xuân và Sáu không trúng đạn. Tình thế không còn cách nào khác, tốp ông Bá với Hà Đông đành bọc đường, luồn rừng đi hướng khác. Lương thực không chuẩn bị. Rất may trên đường gặp cây mít chín. Mấy ngày liền lương thực cho chín mười anh em chỉ toàn mít chín. Rất tội, anh Xuân, anh Sáu, thoát nạn trên đường đến nơi chỉnh huấn nhưng lại hy sinh vì trúng bom khi đang chỉnh huấn đã không trở về đơn vị nữa. Mộ hai anh đến nay vẫn chưa tìm thấy.

     Có lần địch đánh căng, ông Bá trực tiếp xuống Tiên Hà chỉ đạo chống càn. Một sự kiện đáng nhớ: trong đêm bám cơ sở trong hầm chỉ có ông và chị Hương, xã đội phó phụ trách bảo vệ. Suốt đêm đó qua theo dõi ông thấy chị Hương không chớp mắt, nhiều biểu hiện bất thường. Bất ngờ sáng sớm hôm sau chị vượt khỏi hầm bắn loạt đạn rồi bỏ chạy xuống vùng địch. Điều đáng nói do dao động tư tưởng lại bị gia đình nằm vùng địch lôi kéo, nhưng khi về vùng địch Hương không khai báo, nên hoạt động của ông Bá vẫn giữ được bí mật. Ông Bá bảo nói điều này để thấy muôn mặt cuộc chiến tranh, với người lãnh đạo cần tỉnh táo, sáng suốt xử lý tình huống, đặc biệt theo dõi diễn biến tâm lý, nhất cán bộ cơ sở nếu không ta dễ lọt âm mưu địch và tổn thất.

     Sau Hiệp định Paris, huyện Quế Tiên cơ bản giải phóng, tỉnh tổ chức đón đồng chí Tố Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng về thăm vùng giải phóng, ông Bá được phân công tổ chức lực lượng đưa đón, tại Sơn Hiệp (tức là xã Quế Lưu bây giờ). Tổ chức xong thuyền từ Tiên Lãnh theo sông Tranh xuống điểm đón, bộ phận đưa anh Tố Hữu đi bằng thuyền vì sông có độ dốc cao một thuyền bộ phận phục vụ bị đắm, rất may không thiệt hại về người. Sau đó, huyện Quế Tiên tiếp tục đón đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy, các đồng chí Thường vụ Khu ủy;  đón đoàn nhà báo quốc tế đi bộ từ Hương An lên….tại xã Sơn An (Quế Thọ). Chuyện khá vui, vì lo lắng công tác đối ngoại, cấp trên cử anh Chung lúc đó Ủy viên Thường trực UBND cách mạng tỉnh về đóng vai chủ tịch xã Sơn An. Chuyến đi và đón tiếp hôm đó có ông Bá, anh Chung với đoàn nhà báo nước ngoài. Sau theo dõi họ ca ngợi hết lời về vùng giải phóng của ta. 

      Từng trải qua lửa đạn, thử thách qua những tháng ngày tưởng chừng không thể vượt qua, ông Bá bảo điều tự hào cả hai cán bộ trẻ mười bảy đôi mươi theo cách mạng, sát cánh cùng ông là anh Đào Bội Thuyên, anh Trần Thanh Thu sau này đều đã trưởng thành. Hai người là hai lãnh đạo của huyện Hiệp Đức và Tiên Phước. Với ông đi ra từ chiến tranh, đảm đương nhiều công việc sau ngày đất nước giải phóng, huyện Quế Tiên giải tán (5.1975) khi đã hoàn thành trọng trách lịch sử, ông Bá được điều làm Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Bí thư huyện ủy Tam Kỳ, Phó Ban trực Ban chỉ đạo xây dựng Công trình hồ Phú Ninh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam —Đà Nẵng Phạm Đức Nam làm Trưởng ban) rồi về trường Hành chính tỉnh (1980-1990) ông đều gương mẫu, phấn đấu hết sức mình vì công việc trên giao cho đến ngày nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục tham gia công tác từ thiện nhân đạo, khuyến học khuyến tài…dạy dỗ con cháu nên người. Mỗi lần nhắc về những năm tháng chiến tranh, với ông hai từ Quế Tiên đã khắc sâu vào tâm khảm. Nơi đó một thời tuổi xuân ông đã cống hiến, tất cả vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

          Võ Văn Trường - Tạp chí Diễn Đàn Nhân Dân Quảng Nam