Phát triển Tiên Phước thành vùng đặc trưng Trung du xứ Quảng
Phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Phước đã phát huy lợi thế, chọn hướng đi riêng, phù hợp với nhiều chính sách, cơ chế, giải pháp đồng bộ, đúng đắn. Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, cải tạo vườn, phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, kinh tế trang trại theo hướng đa dạng, sản xuất hàng hóa.
Hàng chục ngàn ha vườn đã được cải tạo, nâng cấp, cơ cấu nhiều loại cây trồng mới, cây truyền thống đặc sản nổi tiếng, hàng chục mô hình kinh tế trang trại điển hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, đã nói lên sự nhạy bén và nỗ lực vượt bậc của địa phương trong bước chuyển chung của cả tỉnh, cả nước. Cùng với sự linh hoạt vận dụng các cơ chế khuyến khích sản xuất kinh doanh, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, huyện cũng đã huy động, tranh thủ tối đa các nguồn lực quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đô thị phục vụ phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, các tuyến ĐT614, ĐT615, quốc lộ 40B, tuyến đường tránh Nam Quảng Nam qua thị trấn Tiên Kỳ được nâng cấp, xây dựng. Bê tông hóa và nhựa hóa nhiều mặt đường ĐH, ĐX và đường dân sinh; một số cầu kiên cố như Nam Quảng Nam, Sông Khang, Tài Thành, Xóm Bầu, Tiên Giang đã được xây dựng. Công trình thủy lợi nhỏ, kênh mương từng bước được xây dựng, bê tông hóa, nâng dần diện tích cây trồng chủ động nước. Hệ thống lưới điện được đầu tư xây dựng, cải tạo, đảm bảo nguồn điện ổn định phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư xây dựng, sửa chữa, kiên cố hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Xây mới, sửa chữa nâng cấp trạm y tế xã phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, truyền thanh, truyền hình được tăng cường đáng kể.
Mạng lưới bưu chính viễn thông phủ khắp địa bàn. Nhiều công trình trọng điểm có ý nghĩa phát triển KT - XH của huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, 03 xã Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Cảnh đạt chuẩn nông thôn mới... Tất cả đã tạo cho Tiên Phước một bức tranh toàn cảnh sống động, một diện mạo mới trong tiến trình phát triển đi lên của quê hương.
Cảnh đường quê làng cổ Lộc Yên - Tiên Cảnh. Ảnh: Bùi Viết Hà
Đầu tháng 11 năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Tiên Phước. Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của nhân dân và cán bộ huyện Tiên Phước trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Trong nhiều nội dung chỉ đạo huyện cần triển khai thực hiện, Chủ tịch UBND tỉnh đã lưu ý và thống nhất giao UBND huyện xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái làng quê mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2016 - 2025” nhằm giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng tại Tiên Phước và giúp huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những nội dung này đã được thể hiện trong Thông báo số 548/TB-UBND ngày 27/11/2015 của UBND tỉnh Quảng Nam về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Tiên Phước.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại kết luận số 548, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, địa phương phối hợp xây dựng Đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái làng quê mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2016 - 2025”. Đề án đã được các cơ quan thuộc huyện với sự giúp đỡ của các sở, ngành ở tỉnh và các chuyên gia tập trung khảo sát và xây dựng trong năm 2016. Sau khi được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất thông qua, UBND huyện đã trình UBND tỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt chung trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi Quảng Nam tại quyết định số 3150/QĐ-UBND ngày 29/8/2017. Đây là một đề án lớn, có sức ảnh hưởng sâu rộng, là chủ trương đúng đắn của tỉnh nhằm hỗ trợ người dân Tiên Phước khôi phục sản xuất, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vùng trung du xứ Quảng. Đề án sẽ được thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất: Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa làng truyền thống: Hỗ trợ nhân dân bảo tồn không gian văn hóa làng truyền thống, các giá trị cảnh quan thiên nhiên, các công trình kiến trúc như nhà cổ, đình làng, các di tích, danh thắng, cải tạo cảnh quan làng, trồng cây xanh; phát huy giá trị văn hóa đá Tiên Phước trong việc các công trình kiến trúc ở nông thôn như làm đường đá, xây bờ vườn, làm giếng nước, xây cổng ngõ... Có cơ chế hỗ trợ cho nhân dân phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, xây dựng vườn chuyên canh các loại cây trồng đặc sản tại các làng quê như thanh trà, lòn bon, tiêu, măng cụt trong đó tập trung các điểm làng Lộc Yên – Thạnh Bình – An Sơn của xã Tiên Cảnh; Hội An – Thanh Khê – Thanh Bôi, xã Tiên Châu kết hợp đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo những điểm văn hóa sinh thái làng quê hấp dẫn, thu hút du khách.
Khảo sát, đánh giá thực trạng của từng ngôi nhà cổ, nhà rường 3 gian 2 chái có niên đại trên dưới 100 năm tuổi, đề xuất các giải pháp tu bổ, tôn tạo. Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ nhân dân bảo tồn, phục dựng không gian ở truyền thống; xây dựng một số mô hình Homestay phục vụ nhu cầu của khách tham quan, lưu trú.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể: gồm toàn bộ phong tục tập quán, Lễ hội, Văn học dân gian, tri thức dân gian, trang phục và diễn xướng dân gian... Xây dựng Bảo tàng đời sống dân gian của cư dân huyện Tiên Phước; các Câu lạc bộ trình diễn nghệ thuật dân gian: hát tuồng, hát múa sắc bùa, hò khoan ứng đáp, hát ru…; Phục dựng các Lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện như Hội Vây, hội làng (cúng tiền hiền, hậu hiền)… Tổ chức Lễ hội văn hóa Xứ Tiên.
Thứ hai: Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa đá, văn hóa nhà – vườn: thông qua việc hỗ trợ chỉnh trang vườn, bố trí không gian cảnh quan Vườn – Nhà hài hòa đảm bảo các yếu tố truyền thống và hiện đại về không gian ở của người dân trong các Làng quê Quảng Nam xưa. Xây dựng bờ vườn, đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh trên các tuyến đường được quy hoạch vùng lõi, vùng đệm. Xây dựng Tiêu chí và xét công nhận ngõ xóm, đường làng, khu vườn đẹp-hiệu quả.
Hỗ trợ chỉnh trang vườn - nhà: Huyện sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để các hộ dân xây dựng và chỉnh trang lại cổng ngõ, ngõ đá; hàng rào xanh, bậc đá; xây dựng hệ thống tưới nước; hỗ trợ cây trồng bổ sung vào vườn sẵn có; hỗ trợ bảo vệ cây lưu niên; di dời chuồng gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh, môi trường; ao cá, hồ cảnh quan…
Thứ ba: Xây dựng mô hình kinh tế vườn và kinh tế trang trại bền vững:
Hỗ trợ xây dựng các mô hình Kinh tế vườn quy mô lớn. Tập trung ở các xã có tiềm năng như Tiên Hiệp, Tiên Châu, Tiên Lãnh, Tiên Cảnh, Tiên Mỹ... số lượng trên 1.000 cây ăn quả, choái tiêu, cây dược liệu, cây công nghiệp lâu năm. Đây là những khu vườn đa tầng, đa canh, đa sản phẩm để tạo ra hàng hóa đa dạng, phong phú theo hướng an toàn, bền vững.
Xây dựng các mô hình Kinh tế trang trại tổng hợp sản xuất các loại cây trồng đặc trưng của huyện, kết hợp chăn nuôi, tạo sản phẩm hàng hóa lớn, tạo thế phát triển bền vững, ổn định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua đó hình thành nên các sản phẩm du lịch với các hoạt động tham quan Vườn, Trang trại, tham gia chăm sóc, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
Ưu tiên đầu tư một số vườn chuyên canh theo quy mô gia trại, trang trại với các loại cây đặc sản của Tiên Phước, Quảng Nam như: Thanh trà, Lòn bon, Tiêu, Mít tại Tiên Châu, Tiên Cảnh… Dự án trồng sơ chế cây dược liệu, Công viên dược liệu Quốc gia… nhằm tạo điểm nhấn về Kinh tế vườn của Tiên Phước phục vụ phát triển du lịch sinh thái, tạo điểm dừng chân, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của huyện như: Khu Gò Trảu - Tiên Kỳ; Hòn nhón, thác Ồ ồ - Tiên Châu; Vườn đình - Tiên Cảnh, Sông Tranh - Tiên Lãnh; Suối Trảu - Tiên Mỹ, Hang dơi - Tiên An...
Thứ tư: Bảo tồn và phát triển các Làng nghề truyền thống và giá trị di tích, danh thắng:
Bảo tồn và phát triển các Làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống, các Làng nghề mới hình thành, các Làng nghề có khả năng phát triển độc lập, bền vững. Xây dựng thí điểm một mô hình Làng nghề tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển ngành nghề nông thôn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của các cụm xã, tập trung xây dựng một số làng nghề như: Làng nghề mây tre đan Tiên Mỹ; Làng nghề khai thác mật Ong rừng nguyên sinh Tiên Châu; Làng nghề Quế kẹp Tiên Cảnh; Làng nghề Trầm hương, Trầm cảnh tại thị trấn Tiên Kỳ và các xã; Làng nghề trồng và chế biến Nấm Lim Xanh ở các xã; Nghề nuôi Ong mật ở các xã, thị trấn; Làng nghề chế biến nông sản tại Tiên Cảnh, Tiên Mỹ, Tiên Sơn. Các sản phẩm gồm: Tiêu đóng hộp và các loại rượu Lòn bòn, Chuối, Nấm lim xanh được tinh chế, chưng cất, ngâm, chuối, mít sấy…
Khảo sát, lựa chọn lập hồ sơ các di tích có giá trị, đến năm 2025 đề nghị các cấp xếp hạng 10 – 12 Di tích cấp tỉnh, 2-3 Di tích Quốc gia. Tu bổ, tôn tạo, phục dựng đối với các Di tích xuống cấp. Đến năm 2025, tất cả các Di tích được xếp hạng được tu bổ tôn tạo, phục dựng. Bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị danh thắng Lò Thung – Tiên Cảnh, Thác Ồ Ồ - Tiên Châu. Xây dựng Công viên đá Lò Thung.
Phục dựng Chợ quê Tiên Phước: Chợ quê vừa là không gian văn hóa đặc trưng của chợ quê Quảng Nam, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của du khách vừa là sản phẩm phục vụ nhu cầu tại chỗ của nhân dân. Địa điểm xây dựng tại thị trấn Tiên Kỳ. Quy hoạch bố trí một phần chợ Tiên Kỳ để phục dựng Chợ quê Tiên Phước.
Thứ năm: Xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị hạ tầng nông thôn, các công trình dân sinh, trạm dừng nghỉ phục vụ du lịch sinh thái làng quê. Xây dựng Khu phố mới Phước An, Khu đô thị Nam Tiên Kỳ, đến năm 2020 thị trấn Tiên Kỳ đạt chuẩn văn minh đô thị, có hệ thống cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.
Thứ sáu: Xây dựng hệ thống dịch vụ, giới thiệu, quảng bá các giá trị kinh tế, văn hóa, sinh thái làng mang đặc trưng vừng trung du Quảng Nam.
Đây là hệ thống những nhiệm vụ hết sức nặng nề, để xây dựng huyện Tiên Phước thành vùng đặc trưng Trung du xứ Quảng, cùng với phát huy tối đa nội lực, tranh thủ huy động lồng ghép nhiều nguồn lực, huyện rất cần có cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ đồng bộ, đặc thù của tỉnh cho để thực hiện tốt chủ trương của tỉnh.
Phùng Văn Huy - PCT UBND huyện Tiên Phước