Số lượng song hành chất lượng
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hùng Anh cho biết, Tiên Phước đã tập trung thực hiện các chính sách và lồng ghép ưu tiên các nguồn kinh phí hỗ trợ thành lập, phát triển và hỗ trợ sản xuất từ các Chương trình dự án cho các HTX trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ năm 2018 đến nay toàn huyện thành lập mới 43 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn lên 65. Trong đó có 54 HTX nông - lâm nghiệp, 5 HTX tiểu thủ công nghiệp, 3 HTX xây dựng, 3 HTX thương mại với tổng số 679 thành viên.
Qua theo dõi của Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, hiện nay có 19 HTX hoạt động tốt (chiếm 29%), 20 HTX hoạt động trung bình khá (30,7%) và 26 HTX hoạt động không hiệu quả, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải thể (40%).
Ông Hùng Anh chia sẻ: “Đối với Chương trình OCOP, cùng với việc phát triển sản phẩm, huyện chủ trương đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ. Thời gian qua, UBND huyện phối hợp hội LHPN, đoàn thanh niên tổ chức thành công ngày hội thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp, qua đó lồng nghép trưng bày và chấm chọn các sản phẩm tiền OCOP.
Tổ chức trưng bày sản phẩm OCOP và sản phẩm tiền OCOP tại Hội làng Lộc Yên với hơn 90 sản phẩm của 15 xã, thị trấn tham gia. Hằng năm UBND huyện phối hợp các đơn vị liên quan và chủ thể OCOP thực hiện trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP tại nhiều ngày hội, sàn thương mại trong và ngoài tỉnh, hỗ trợ chủ thể kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP”.
Gắn liền sự phát triển của HTX với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, Tiên Phước đã có 36 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Kinh phí từ các chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2022 hơn 6,9 tỷ đồng. Đa số nội dung hỗ trợ theo hình thức sau đầu tư và chủ thể phải đối ứng một phần kinh phí.
Cần hỗ trợ liên kết
Tại hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện phát triển kinh tế hợp tác, nhiều HTX và chủ thể OCOP đã có những kiến nghị thiết thực đến lãnh đạo huyện Tiên Phước và tỉnh, nhằm góp phần hỗ trợ các HTX phát triển tốt và bền vững hơn.
Bà Phạm Thị Mỵ Nương - Giám đốc HTX QNA FARM thông tin, trong quá trình phát triển từ tổ hợp tác thành HTX, họ đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, cùng với nỗ lực nhân rộng vùng nguyên liệu tại chỗ bằng cách cấp giống, cấp phân và hỗ trợ kỹ thuật trồng đến nông dân và cam kết bao tiêu đầu ra để nông dân mạnh dạn sản xuất.
Hiện nay trên địa bàn xã Tiên Ngọc có hơn 20ha nghệ trắng với 34 xã viên tham gia trồng xen canh, tạo nguồn thu nhập thứ 2, lấy ngắn nuôi dài. HTX có 12 sản phẩm từ nghệ trắng, chuối và các nông đặc sản của Tiên Phước, và các phẩm trên đã có mặt trên hệ thống 24 đại lý và các nhà thuốc, cửa hàng thực phẩm sạch ở 14 tỉnh thành.
Bà Nương kiến nghị: “Dù đã có vùng nguyên liệu nhưng HTX vẫn chưa thể đáp ứng đơn hàng lớn do thiếu vốn để đầu tư máy móc tiên tiến. Vùng nguyên liệu cũng chưa đủ mạnh. Như năm 2022, có đối tác đặt đơn hàng 100 tấn tinh bột nghệ trắng xuất đi Ấn Độ nhưng HTX không thể nhận.
Bởi HTX không thu mua đủ nguồn nguyên liệu 200 tấn củ nghệ trắng để sản xuất đáp ứng đơn đặt hàng. Vì thế tôi kiến nghị huyện cần vào cuộc, hỗ trợ bà con nông dân liên kết cùng HTX trồng vùng nguyên liệu rộng hơn thì mới hướng tới sản xuất công nghiệp và xuất khẩu được”.
Ông Dương Thái Xuân Tuấn - Giám đốc HTX Nông nghiệp & kinh doanh dịch vụ Tiền Phong cho rằng, việc chế biến sâu của các HTX không thể thực hiện để đáp ứng các yêu cầu khắt khe, tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường nên sản phẩm mang tính cạnh tranh thấp. Vì thế ông Tuấn cho rằng huyện, tỉnh cần vào cuộc để hỗ trợ HTX hoặc liên kết với đơn vị có thể chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện cho sản phẩm sau OCOP tiến sâu vào thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu.
Nhiều HTX khác cũng đã kiến nghị UBND huyện Tiên Phước về hỗ trợ liên kết các kênh truyền thông, quảng bá về sản phẩm OCOP, liên kết mạng lưới HTX cùng nhau phát triển mạnh hơn, thực hiện các hợp phần hỗ trợ về kỹ thuật, đất đai, vốn vay... để HTX vươn xa hơn trong thời gian tới. Các kiến nghị này đã được UBND huyện Tiên Phước lắng nghe, và sẽ vào cuộc trong thời gian tới.
Diễm Lệ - Báo Quảng Nam