Phát triển chuỗi giá trị trầm hương Tiên Phước
Nỗ lực phát triển và nâng tầm thương hiệu trầm hương Tiên Phước là mục tiêu mà huyện Tiên Phước đang hướng tới.
Nâng tầm thương hiệu
Tiên Phước là xứ sở của cây dó bầu hương, loại cây được cho là tạo trầm tốt nhất. Trong 20 năm qua, nghề trồng dó bầu, khoan cấy ghép trầm đã từng bước phát triển ở Tiên Phước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Sản phẩm trầm hương của vùng sông Tiên không chỉ là nguồn nguyên liệu dồi dào cung ứng cho làng trầm cảnh mỹ nghệ Trung Phước (Nông Sơn) mà còn được chế tác thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng có giá trị cao, đã được xuất sang các nước Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…
Nhờ vậy, diện tích trồng dó bầu tại Tiên Phước không ngừng phát triển, ước tính hiện lên tới 420ha với hàng trăm hộ ươm và trồng dó thành công. Tiên Phước hiện có 200 công ty, cơ sở sản xuất kinh doanh và chế tác trầm hoạt động và phần lớn đều ăn nên làm ra.
Chế tác trầm cảnh tại cơ sở trầm hương mỹ nghệ Lương Hậu (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước). |
Nhận thấy ưu thế và giá trị thương hiệu trầm hương đem lại, thời gian qua huyện Tiên Phước đã triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm. Từ nguồn khuyến công, địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở, doanh nghiệp trầm hương tham gia gian hàng trưng bày tại các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Năm 2013, Hội thủ công mỹ nghệ (TCMN) trầm hương Tiên Phước được thành lập, đã tập hợp, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp - nhà nước - người dân trong khâu quản lý thương hiệu, bao tiêu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, chủ trương thành lập làng TCMN trầm hương Tiên Phước là sự kỳ vọng của huyện trong đầu tư phát triển thương hiệu trầm.
Theo quy hoạch, làng nghề sẽ nằm trên diện tích 15.600m2 tại thị trấn Tiên Kỳ. Bên cạnh mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế, làng nghề sẽ là một trong 4 điểm tham quan chính của huyện, kết nối với tuyến du lịch phía tây nam Quảng Nam. Song, khó khăn hiện nay đối với làng nghề là sự thiếu vắng đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao, nên dù Tiên Phước sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng sản phẩm trầm mỹ nghệ qua chế tác vẫn chưa đem lại giá trị lớn so với vùng Trung Phước.
Về vấn đề này, ông Phạm Việt Học, Phó Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện chia sẻ: “Địa phương sẵn sàng có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để người trẻ học tập kỹ thuật, chế tác từ các làng nghề nổi tiếng. Nhiều lượt lao động trẻ cũng đã sang làng trầm cảnh Nông Sơn để học tập kỹ nghệ chế tác”. Cũng theo ông Học, bên cạnh hỗ trợ, đào tạo nâng cao tay nghề cho nghệ nhân, huyện cũng hướng tới hỗ trợ xây dựng website, showroom trưng bày sản phẩm trầm hương, trầm cảnh bên cạnh một số đặc sản khác của Tiên Phước, đăng ký nhãn hiệu tập thể nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Đầu tư công nghệ
Phát triển thương hiệu trầm hương Tiên Phước không thể không gắn với chiến lược phát triển vùng nguyên liệu. Dù là xứ trầm hương nhưng việc trồng dó bầu, tạo trầm, đến cả việc phát triển nghề trầm cảnh tại Tiên Phước chưa tương xứng với tiềm năng. Đến nay, kỹ thuật cấy tạo trầm nhân tạo đã phổ biến trong dân với ưu thế là cây dó bầu chỉ 6 - 7 năm là có thể tạo trầm và 2 - 3 năm, kể từ khi cấy hóa chất vào cây là có thể khai thác trầm. Tuy nhiên, đáng lo ngại là việc chạy theo lợi nhuận, khoan ép tạo trầm khi cây chưa đủ tuổi hoặc tình trạng sử dụng hóa chất kích thích không rõ nguồn gốc để thúc giục tạo trầm nhanh sẽ khiến sản phẩm trầm nhân tạo ngày càng kém chất lượng, tồn dư hóa chất độc hại.
Theo ông Học, ở những vườn dó 7 - 8 năm tuổi, giai đoạn chuẩn bị khoan tạo trầm, huyện tăng cường khuyến cáo người dân và Hội TCMN trầm hương là cần đặt chất lượng, thương hiệu lên hàng đầu. Để tạo sản phẩm trầm với chất lượng tốt nhất, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện đang tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu về tạo trầm trên cây dó bầu, mời chuyên gia nghiên cứu cách tạo trầm tự nhiên. Dự án thành công sẽ mở ra hướng nâng cao chất lượng trầm và người dân sẽ được chuyển giao công nghệ…
Trong chiến lược phát triển chuỗi giá trị trầm hương, việc ứng dụng công nghệ vào khâu sản xuất, chế tác sản phẩm là rất quan trọng nhằm cải tiến sản xuất. Hiện, hơn 70% cơ sở sản xuất trầm cảnh ở Tiên Phước vẫn hoạt động theo quy mô nhỏ lẻ, manh mún, trình độ công nghệ còn hạn chế. Do không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng sản xuất, sản phẩm của các cơ sở trên chỉ dừng lại ở thủ công, còn đơn điệu, độ tinh xảo, tính đa dạng và sức cạnh tranh còn yếu. Hiện, rải rác một vài cơ sở trầm hương trên địa bàn huyện chỉ mới đầu tư được máy nghiền bột trầm, máy kết hương để cho ra sản phẩm hương trầm hình nón, hình lá.
Rất ít cơ sở chủ động ứng dụng công nghệ, thiết bị chiết xuất tinh dầu trầm, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Ông Phạm Việt Học nhìn nhận, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và hiện đại hóa thiết bị sản xuất và chiết xuất tinh dầu là hướng trọng tâm mà đề án chuỗi giá trị trầm hương Tiên Phước hướng tới. Hy vọng đề án được thực hiện sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy cải tiến sản xuất, nâng tầm giá trị sản phẩm làng nghề.
Phát triển nghề trầm hương ở Tiên Phước
Doanh nghiệp Tiên Phước tạo trầm cho cây dó bầu tại Lào
Tìm thương hiệu cho trầm cảnh Tiên Phước