Phan Châu Trinh hay Phan Chu Trinh?
Về tên họ của nhân vật kiệt xuất xứ Quảng này, ông Trần Đình Liễn, nguyên Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khuyến học Đà Nẵng, từng thắc mắc từ khi còn học ở Trường Trung học Phan Châu Trinh. Qua 7 năm (1966 – 1973) ông theo học tại trường, 3 năm đầu, tên trường và con dấu trên học bạ đều là Phan Chu Trinh; 4 năm sau tên trường là Phan Châu Trinh, con dấu vẫn như cũ.
Lạ lùng hơn là trên Bảng danh dự (như Giấy khen bây giờ) ở cùng thời gian đó, con dấu lại là Phan Châu Trinh. Ông lấy làm lạ: Chẳng lẽ cùng lúc trường lại có hai con dấu với hai tên trường khác nhau?
Tác giả Lê Quang Thọ (cựu học sinh Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng), trong bài “Châu hay Chu” đăng trong đặc san 60 năm THPT Phan Châu Trinh (1952 - 2012) trang 60-61, giải thích rằng cách gọi sai biệt này do tập tục kỵ húy của chế độ phong kiến. Tác giả dẫn riêng trường hợp 2 từ Hoàng 黃 và Chu 周 để chứng minh lập luận của mình.
Tượng Phan Châu Trinh (ảnh trái) và bia xi-măng ghi ngày khánh thành tượng nhân “Kỷ niệm Đệ thập nhị chu niên ngày thành lập Trường trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng)
Theo đó, Hoàng (trong chữ Hán) có đến 18 từ nhưng duy nhất có một từ 黃 (họ) do kỵ húy chúa Nguyễn Hoàng 阮 黃 (1524 - 1613) xứ Đàng Trong, được đọc trại thành Huỳnh. Cụ thể, Hoàng Hoa Thám (黃 花 探) quê Tiên Lữ, Hưng Yên (Đàng Ngoài) và Huỳnh Thúc Kháng (黃 叔 抗) quê Tiên Phước, Quảng Nam (Đàng Trong) có cùng họ 黃 nhưng phiên âm lại khác theo vùng địa lý.
Từ Chu có 11 từ nhưng chỉ có từ 周 (họ) phải đọc thành Châu do kỵ húy chúa Nguyễn Phúc Chu 阮 福 周(1675 - 1725). Tương tự như trường hợp chữ 黃(Hoàng/Huỳnh), Châu Thượng Văn (周尚 文, quê quán Minh Hương, Hội An, Quảng Nam) và Chu Mạnh Trinh (周 孟 偵,quê quán Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) có cùng họ 周 nhưng cũng có hai cách đọc khác nhau.
Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh (72 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) trước bàn thờ có khắc chạm 3 chữ Hán 潘 周 楨đọc theo âm Việt là Phan Chu Trinh. Nhưng như đã trình bày ở trên thì từ thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, từ 周 buộc phải phiên âm thành “châu” nên phải đọc thành Phan Châu Trinh. Tác giả bài đã dẫn cho biết, qua trao đổi, bà Lê Thị Kinh cháu ngoại cụ Phan cũng có ý kiến như vậy.
Như vậy có thể nói rằng, chỉ riêng chữ Hán 周 đọc hay viết Châu hay Chu theo từng vùng địa lý như lâu nay vẫn gọi là điều có thể chấp nhận được, và ai cũng hiểu được là Châu hay Chu trong trường hợp này có cùng xuất xứ từ chữ 周mà ra.
Nhưng vấn đề chính ở đây là lúc sinh thời cụ Phan Tây Hồ vẫn ký tên và viết là Phan Châu Trinh dưới tất cả các bài viết (theo lời bà Lê Thị Kinh thừa tự của cụ Phan Châu Trinh). Khi cụ Phan Tây Hồ mất, đa số các điếu văn, văn tế hay các phúng điếu trên báo chí lúc bấy đều ghi tên cụ là Phan Châu Trinh. Năm 1956, khi có chủ trương Việt hóa tên các đường phố tại Đà Nẵng, Rue Marc Pourpe được đổi thành đường Phan Châu Trinh.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc (trên báo Hà Nội Mới Tin chiều ngày 30-3-2006), đúng là đương thời tên cụ Phan được gọi là Châu, do gọi chệch từ Chu để không bị phạm húy như đã nói trên. Sau này tuy có thêm biến đổi được chấp nhận rộng rãi là Chu, nhưng vẫn theo ông Dương Trung Quốc thì gia đình cụ đã có ý kiến nên dùng phương án là Châu. Ông cũng đề nghị và kêu gọi tôn trọng ý kiến của gia đình.
Theo Báo Đà Nẵng Cuối Tuần