Ông lão nửa thế kỷ hớt tóc dạo
Dù nắng hay mưa, trên những ngả đường quê liên xã Tiên Lập - Tiên An - Tiên Hiệp, huyện núi Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) ông vẫn cuốc bộ, dáng đi liêu xiêu, chiếc mũ phớt kiểu cũ đội nghiêm chỉnh trên mái đầu lốm đốm tóc bạc, hộp đồ nghề nhỏ đeo bên hông.
Đó là hình ảnh của "ông Tâm hớt tóc dạo" đã thân quen với bà con xứ núi này từ 55 năm qua.
Trót mang lấy nghiệp...
Tên cúng cơm của ông lão là Ca Trà. Cái họ cái tên nghe đã lạ, dù ông là người dân tộc Kinh, sinh sống ở nơi hầu hết bà con là đồng bào dân tộc Cor - thôn 3, xã Tiên An. Tuy nhiên, ông vẫn thường được bà con gọi bằng cái tên gần gũi là "ông Tâm hớt tóc dạo" - ghép từ tên đứa con đầu lòng và tên cái nghề khiến ông "thành danh".
Ông vẫn thường bảo rằng, nghề chính kiếm cơm nuôi sống ông và cả gia đình vốn chẳng phải nghề cầm dao cắt kéo ấy đâu, mà vẫn là nghề nông đấy chứ. Vậy mà, cùng với sự bộn bề cơm áo cuộc đời đưa đẩy, nghề hớt tóc dạo cứ như là do ông trót mang lấy nghiệp vào thân, không theo không được, nên phải mang nó đến tận bây giờ đã hơn nửa thế kỷ.
"Chẳng thầy, chẳng thợ nào dạy tui cầm kéo, ủi tôngđơ. Mười mấy tuổi, tui theo cha đi ra ruộng làm, gặp mấy ông thợ hớt tóc dạo cho người nhà quê. Trẻ con hiếu kỳ, tui chạy theo xem. Nhìn riết rồi thấy thích, nghĩ cũng dễ dễ, chẳng khó khăn gì, bèn về nhà, kéo đầu tóc mấy đứa em ra cắt tuốt. Lúc đầu cắt tóc cũng nham nham nhở nhở. Sau rồi quen tay, lại đi nhìn lén mấy ông hớt tóc dạo học thêm các chiêu, dần dần cắt cái đầu tóc lũ em nhìn cũng ổn" - Vừa "xoẹt xoẹt" trên đầu ông Bảy (thôn 6, xã Tiên An), ông Tâm vừa kể chuyện thuở hàn vi, khởi nghiệp.
Cũng vì tự học nên mất 3-4 năm sau ông mới thuần thục nghề, mới tự tin sắm đủ bộ đồ nghề rong ruổi lên đường cắt tóc dạo "làm đẹp cho người" và kiếm "chút cơm của thiên hạ".
Ông lão tự hào hồi tưởng: "Ngày trước, người ta cắt tóc chủ yếu theo hai kiểu là húi cua và hớt carê. Khó nhất là cắt tóc kiểu carê vậy mà tui vẫn được nhiều người tín nhiệm lắm đó".
Những năm chiến tranh, sống trong vùng bị địch tạm chiếm, ở khu dồn, ruộng vườn không có nên ai cũng bó tay với nghề làm nông, thì chính nghề cắt tóc đã giúp ông kiếm tiền nuôi sống cả gia đình.
Năm 1972, vợ mất, con cái còn nhỏ dại, nghề cắt tóc lại cùng ông "gà trống nuôi đàn con". "Về sau này tui cũng chẳng túng thiếu gì. Ngoài đứa con trai, tui còn có ba cô con gái nữa, tất cả đều thành gia thất và sống hạnh phúc đàng hoàng. Vợ chồng người con trai ở cùng nhà thừa sức nuôi được tui. Nhưng còn đi được thì tui còn hớt tóc dạo kiếm thêm đồng ra đồng vào hút thuốc lá, mua quà cho sắp cháu nhỏ. Với lại ở nhà, không đi rông hớt tóc, cái chân tù túng, cái tay rảnh rang, chịu không được".
Suốt đời ông đến giờ chỉ rặt đi bộ, rong ruổi dặm trường bất kể hẻm núi, lối mòn hay đường nhựa thênh thang, để thuận tiện hễ mỗi khi có nghe ai ới "ông Tâm hớt tóc" là lập tức tạt vào, bưng cái ghế ra hè nhà, bày đồ nghề, hành sự. Ông bảo, đấy là do "đặc thù nghề nghiệp" nó đòi hỏi phải thế, riết rồi thành quen, cũng chẳng muốn trèo lên xe đạp nữa, mà đi bộ mãi cũng thấy người thêm khoẻ ra. Chỉ tính riêng cái khoản cuốc bộ của ông mỗi ngày, hằng tháng, qua ngần ấy năm, đã thấy không khỏi bái phục.
Làm đẹp cho đời
Ông lão khoe hộp đồ nghề "bất ly thân" gồm lỉnh kỉnh những tôngđơ, dao, kéo, lược là đã mòn hơi tay người qua 55 năm "hành đạo trên giang hồ". Rất ít đồ nghề "hiện đại", bởi gần trọn bộ đồ nghề hớt tóc của ông đều có tuổi từ thời Pháp thuộc, hiện vẫn còn dùng tốt, và có lẽ xứng đáng được xếp hạng... đồ cổ khá quý hiếm.
Năm nay ông lão bước sang tuổi 79, cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng đôi chân vẫn đều đặn dạo khắp các hang cùng ngõ hẻm vùng "thị trường truyền thống" gồm ba xã Tiên Lập, Tiên An, Tiên Hiệp hớt tóc dạo. Những năm gần đây, khá nhiều tiệm hớt tóc dựng lên bề thế với đủ ngón nghề nhưng tay kéo của ông lão vẫn không vì bị "cạnh tranh" mà phải "về hưu". Đơn giản, vì ông chỉ với thùng đồ nghề gọn nhẹ có thể di động khắp thôn sâu xóm vắng, những nơi còn có người dân nghèo quanh năm cắm cúi vùi đầu làm ăn, chẳng đào đâu ra thời gian lẫn bạc tiền để về thị tứ vào các tiệm hớt tóc gội đầu.
Dù "phục vụ tận nhà, mọi lúc, mọi nơi", nhưng "giá cả" ông lão đưa ra lại rất "mềm" so với các tiệm hớt tóc bình dân khác, chỉ có 5.000 đồng cho... một cái đầu. Ông đến tận nhà người để hớt tóc, lại hớt rất cẩn thận, nên ai cũng "khoái".
Ông Bảy ở thôn 6, Tiên An cả nhà già trẻ lớn bé đều là "khách hàng truyền thống" của ông lão hớt tóc dạo, bảo: "Đừng xem thường ông ấy nhé, ông không chỉ hớt tóc không thôi đâu, mà tất cả các khâu cạo mặt, lấy ráy tai... cũng làm ngon ơ, lại mát tay, nên chẳng ai phàn nàn vào đâu được. Ngó ổng già lão vậy chớ con mắt của ổng vẫn còn tinh anh hơn khối người, nhìn rõ những bụi vẩy làm ngứa ngáy che lấp cái tai con người ta".
Đi nhiều, gặp nhiều, trò chuyện nhiều trong lúc "hành nghề", nên ông lão hớt tóc dạo cũng "thu thập" rất nhiều chuyện, vui có, buồn có, chướng tai gai mắt cũng có ở vùng nông thôn vẫn còn khuất nẻo này, và mỗi khi gặp cơ hội là ông nói, phản ánh lại những chuyện bất cập với cán bộ thôn, xã. "Biết cũng khó lòng giải quyết được việc gì, nhưng đó cũng là cách đóng góp tiếng nói xây dựng quê hương của một người vốn xem nghề hớt tóc dạo là một nghiệp dĩ như tui" - ông lão tâm sự.
Còn một lý do nữa khiến ông vẫn theo đuổi với cái nghề dao kéo tóc tai này: Từ suốt 55 năm nay, cả cái thôn 3, xã Tiên An nơi ông sinh sống, bà con hầu hết là đồng bào dân tộc Cor, từ ông già đến bọn trẻ cứ tóc dài là tìm đến ông, nếu không thì ông cũng... tự tìm đến họ. Với đồng bào, hớt cái tóc cho gọn là chính còn chuyện đẹp xấu không mấy quan trọng. Còn với ông, tiền bạc "không thành vấn đề", chủ yếu là sửa sang cái tai cái tóc giúp bà con, âu đó cũng là góp phần nhỏ làm đẹp cho bà con, và làm đẹp cho đời...