www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nông dân Tiên Phước vượt khó, làm giàu

Hưởng ứng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, 5 năm qua nông dân huyện Tiên Phước đã cần cù, sáng tạo đầu tư phát triển sản xuất đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số hộ nghèo ngày càng giảm, hộ khá, giàu tăng lên đáng kể.

 

Nhờ máy móc hiện đại HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Châu Phát (xã Tiên Châu) sản xuất dầu thực vật nguyên chất, đảm bảo chất lượng được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: P.H
Nhờ máy móc hiện đại HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Châu Phát (xã Tiên Châu) sản xuất dầu thực vật nguyên chất, đảm bảo chất lượng được khách hàng ưa chuộng. Ảnh: P.H 

Làm giàu trên đất quê

Sau khi lập gia đình, sinh con nhỏ, vợ chồng chị Bùi Thị Huấn (thôn Hội An, xã Tiên Châu) ngoài chăm lo cho người mẹ già yếu, còn phải nuôi hai cháu nhỏ là con của chị ruột, nên cuộc sống rơi vào khó khăn. Khảo sát, hiểu rõ hoàn cảnh, Hội Nông dân huyện Tiên Phước quyết định hỗ trợ vợ chồng chị Huấn vay 30 triệu đồng không lãi từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển chăn nuôi. 

Từ nguồn vốn này, vợ chồng chị Huấn đã quay vòng từ nuôi bò, heo, gà và tích cực sản xuất, trồng lúa, bắp, các loại cây màu tạo nguồn thức ăn tại chỗ phục vụ chăn nuôi. Nhờ đó, các loại vật nuôi phát triển tốt, tăng đàn hàng năm giúp gia đình chị vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Chị Huấn chia sẻ: “Nhờ sự động viên, giúp đỡ kịp thời của Hội Nông dân huyện, xã, vợ chồng tôi mới mạnh dạn vươn ra đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi và thoát nghèo được như hôm nay”.

Phong trào NDSXKDG ở Tiên Phước đã tạo động lực cho hàng nghìn hộ nông dân vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê. Toàn huyện hiện có hơn 13.400 lượt hộ đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp. Trong đó cấp xã gần 10.000 lượt hộ; cấp huyện hơn 3.100 lượt hộ; cấp tỉnh 447 lượt hộ và cấp Trung ương 16 lượt hộ, tăng 17% so với giai đoạn trước. Cùng với đó, trong 5 năm qua nông dân toàn huyện đã vận động, đóng góp hơn 1 tỷ đồng và hàng trăm ngày công giúp hội viên khó khăn về vốn, con, cây giống, xây dựng nhà ở, thăm hỏi, tặng quà lúc khó khăn, hoạn nạn, giúp 248 hộ thoát nghèo bền vững.

Tại thôn 3, xã Tiên An, hưởng ứng phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG), ông Huỳnh Bửu Chương xây dựng mô hình phát triển kinh tế tổng hợp vườn, vườn rừng, chăn nuôi, dịch vụ cưa xẻ gỗ, vận tải hàng hóa, tạo nguồn thu đa dạng, ổn định.

Riêng khu vườn đồi, ông Chương trồng 200 choái tiêu, 200 cây lòn bon, hàng trăm cây cau, dó, hơn 100 cây sầu riêng, măng cụt và 200 cây chuối cấy mô, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi 7 con bò, 5 heo nái tạo con giống tại chỗ phát triển chăn nuôi heo thịt. Mô hình đem lại cho gia đình ông Chương nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng mỗi năm, là điển hình NDSXKDG cấp tỉnh.

Ông Chương chia sẻ: “Đi đâu cũng không bằng quê mình! Mặc dầu thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt nhưng có sự tiếp sức của Nhà nước, mình chịu khó nghiên cứu chọn loại cây trồng, con vật nuôi phù hợp, kết hợp nhiều ngành nghề để tạo nguồn thu đa dạng thì cũng có thể phát triển được”.

Ông Nguyễn Đình Tứ - Chủ tịch Hội nông dân huyện Tiên Phước cho biết: “Chúng tôi chủ động phối hợp với UBND huyện, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền đến nông dân bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp.

Hằng năm, hội giao chỉ tiêu vận động nông dân đăng ký phấn đấu để đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp, tăng cường phổ biến kiến thức, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện giúp đỡ các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững”.

Phát huy kinh tế tập thể

Kinh tế hộ phát triển là cơ sở vững chắc cho các loại hình tổ hợp tác, CLB, HTX ra đời tạo quy mô sản xuất lớn hơn. Tại thôn 5 xã Tiên Sơn, vào tháng 5/2017, có 10 hộ nuôi bò lai đã thành lập CLB chăn nuôi bò thâm canh bằng phương pháp nuôi nhốt. 

Thành viên CLB chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ về nguồn vốn, con giống và tìm đầu ra cho sản phẩm để cùng phát triển. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình, đầu năm 2021 CLB thay đổi tên gọi bằng Chi hội chăn nuôi bò thâm canh. Đến nay thành viên tham gia chi hội đã tăng lên 15 người với tổng số 120 con bò.

Ông Huỳnh Văn Trường - Chủ tịch hội Nông dân xã Tiên Sơn cho biết: “Từ thành công của mô hình trên, đến nay hội đã vận động phát triển thêm 2 chi hội tại thôn 3, thôn 4 và hình thành tổ hội chăn nuôi bò thâm canh tại thôn 1”.

Phong trào NDSXKDG ở Tiên Phước đã tạo động lực cho hàng nghìn hộ nông dân vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê. Toàn huyện hiện có hơn 13.400 lượt hộ đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp. Trong đó cấp xã gần 10.000 lượt hộ; cấp huyện hơn 3.100 lượt hộ; cấp tỉnh 447 lượt hộ và cấp Trung ương 16 lượt hộ, tăng 17% so với giai đoạn trước. Cùng với đó, trong 5 năm qua nông dân toàn huyện đã vận động, đóng góp hơn 1 tỷ đồng và hàng trăm ngày công giúp hội viên khó khăn về vốn, con, cây giống, xây dựng nhà ở, thăm hỏi, tặng quà lúc khó khăn, hoạn nạn, giúp 248 hộ thoát nghèo bền vững.

Thấy được lợi ích của kinh tế tập thể nhằm huy động được nguồn lực tối ưu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2020 một số hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ tại xã Tiên Châu góp vốn thành lập HTX Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Châu Phát với 13 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng. HTX hoạt động đa ngành nghề gồm: sản xuất dầu thực vật, thức ăn chăn nuôi hữu cơ, trồng cây xanh, mộc dân dụng..., bước đầu cho doanh thu hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Giám đốc HTX cho biết: “Nhờ sự đóng góp của xã viên cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi mua sắm được nhiều máy móc hiện đại nên việc sản xuất khá thuận lợi. Thời gian tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và ngành nghề để tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho các thành viên”.

Ông Nguyễn Đình Tứ thông tin: “Trong 5 năm, chúng tôi trực tiếp hướng dẫn, thành lập mới 19 HTX, 10 tổ hợp tác, CLB nông dân sản xuất kinh doanh; xây dựng được 8 chi hội và 9 tổ hội nghề nghiệp với 238 thành viên. 

Các thành viên đã liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kiến thức, vật tư đầu vào, thị trường đầu ra, khắc phục kiểu sản xuất truyền thống manh mún, nhỏ lẻ, đưa sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, giúp tăng thu nhập và ổn định đời sống…”.

Phạm Hoàng - Nguyễn Hưng, Báo Quảng Nam