www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nhọc nhằn đường về chiến khu xưa

  Nhiều tuyến đường ĐH được đầu tư xây dựng về vùng chiến khu xưa Tiên Phước (Quảng Nam) là sự quan tâm của tỉnh Quảng Nam và nỗ lực của địa phương. Tuy nhiên, qua thời gian, tác động của thời tiết và con người, các tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng, lồi lõm, bong tróc, sụt lún, sình lầy...  ảnh hưởng đến sinh hoạt, đặc biệt là lưu thông trong dịp  Tết năm nay.

 Trên địa bàn H. Tiên Phước có 16 tuyến đường ĐH với tổng chiều dài 185,5km. Trong đó, mặt đường đã được cứng hóa 80,072km (bao gồm kết cấu đường nhựa 61,52km, bê-tông xi-măng 18,85km và cấp phối 7,7km), còn lại đường đất 95,5km, chiếm tỷ lệ 52%. Trong số hơn 80km đường đã cứng hóa đến nay nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các tuyến ĐH 13, ĐH6, ĐH2, ĐH1... Tuyến ĐH13 từ xã Tiên Châu đi Tiên Hà là tuyến huyết mạch nối khu vực trung tâm huyện với vùng chiến khu xưa Sơn - Cẩm - Hà thời kháng chiến chống Mỹ (gồm các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm và Tiên Hà) dài hơn 10km. Tuyến đường này được xây dựng hơn 5 năm trước, từ nguồn vốn Chương trình Phát triển vùng Tiên Phước do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ.

Do nền đường yếu và mưa núi thường xuyên, cộng với phương tiện tải trọng lớn tham gia lưu thông nên tuyến đường này bị xuống cấp nghiêm trọng. Dân sống trong khu vực này đi lại rất khó khăn, mùa nắng thì mù bụi, còn mưa thì bùn lầy, nước đọng vũng lớn trên đường. Bà Lê Thị Bốn ở ngay ngã ba Tiên Sơn cho biết: "Đường sá xuống cấp, hục hang đất đá nên bà con đi lại rất khó khăn. Có nhiều người trong xã đi xe máy bị té ngã rất nguy hiểm. Người dân chúng tôi nuôi con heo, con gà, có buồng chuối... muốn đi xuống huyện bán thì quá vất vả".

 

Tuyến ĐH6 ở Tiên Phước xuống cấp nặng, mặt đường bong tróc, lởm chởm đất đá.

Tuyến đường ĐH6 từ QL40B tại UBND xã Tiên Hiệp đi bến sông Tranh dài 17km qua các xã Tiên Hiệp, Tiên Ngọc và Tiên Lãnh là tuyến giao thông quan trọng ở vùng Tây H. Tiên Phước. Tuyến đường này được xây dựng từ 5 năm trước, với nhiều nguồn vốn khác nhau, một số đoạn thảm nhựa và một số làm bê-tông cũng xuống cấp nặng. Mặt đường bị lồi lõm, bong bật trên diện rộng, sình hóa cục bộ, một số đoạn hư hỏng hoàn toàn. Do nền đường yếu và mưa núi thường xuyên, cộng với phương tiện tải trọng lớn tham gia lưu thông nên tuyến ĐH6 bị xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Võ Hồng Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, H. Tiên Phước đề xuất: "Tuyến ĐH qua địa bàn xã có lưu lượng xe cộ và người lưu thông rất lớn, bởi không chỉ 3 xã Tiên Hiệp, Tiên Ngọc và Tiên Lãnh của H. Tiên Phước mà còn người và xe của xã Phước Gia, H. Hiệp Đức cũng qua lại tuyến đường này. Thời gian qua, bà con nhân dân liên tục phản ánh bức xúc do đường xuống cấp đi lại khó khăn, nông lâm sản làm ra không bán được, con em đi học rất vất vả. Chúng tôi rất mong tuyến đường về vùng chiến khu xưa còn nhiều khó khăn sớm được sửa chữa, nâng cấp, góp phần phát triển KT-XH của địa phương".

 

Nhiều tuyến ĐH ở Tiên Phước lầy lội, ổ gà ổ voi gây ách tắc giao thông trong mùa mưa.

Các tuyến ĐH1 dài 12,3km từ trung tâm huyện đi xã Tiên Phong, ĐH2 dài 19km nối QL40 tại km27 với QL4B tại km46, ĐH14 dài 4,68km từ ngã ba Ông Tuần đến xã Tam Lãnh (Phú Ninh), ĐH13 từ Tiên Châu đi Tiên Hà, ĐH12 từ Tiên Sơn đi Bình Sơn (Hiệp Đức)... cũng xuống cấp trầm trọng, ổ gà ổ voi, lởm chởm đất đá; mùa mưa sình lầy rất khó đi. Cạnh đó, những tuyến đường chưa được cứng hóa thì việc lưu thông của nhân dân và các phương tiện tham gia giao thông thường xảy ra ách tắc do đường đất lầy lội, sụt lún nặng, nhất là khi có mưa lớn.

Quảng Nam hiện có 1.992km ĐH đã được UBND tỉnh công bố phân loại và đặt số hiệu, chiếm hơn 1/4 tổng chiều dài đường bộ qua địa bàn. Trong đó, có 583km (29,6%) chiều dài bề mặt ĐH là cấp phối và đường đất. Các tuyến đã có mặt đường (1.409km) thì đang bị hư hỏng 310km (22%), quy mô đầu tư chưa phù hợp cần phải sửa chữa nâng cấp.
Tại kỳ họp thứ 12 vừa được tổ chức, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua Đề án kiên cố hóa đường ĐH trên địa bàn giai đoạn 2015-2020, với mục tiêu ưu tiên các tuyến đường thiết yếu, nối đến trung tâm xã. Dự kiến giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh sẽ kiên cố hóa chiều dài 320km. Trong năm 2015, thực hiện trước 20km; từ 2016 - 2020, mỗi năm kiên cố hóa 60km.

Theo Chủ tịch UBND H. Tiên Phước Hường Văn Minh, nhiều đoạn, tuyến ĐH trên địa bàn huyện bị xuống cấp nặng là do trước đây kinh phí hạn chế, nhiều tuyến chủ yếu đầu tư từ Chương trình Phát triển vùng do tổ chức Tầm nhìn Thế giới tài trợ nên thâm nhập nhựa hoặc bê-tông mỏng, không chịu được tác động thường xuyên của mưa lũ, và những năm gần đây là việc lưu thông thường xuyên của các ô-tô tải trọng lớn vào chở keo, vận chuyển nông sản. "Các tuyến ĐH trên địa bàn huyện là đường huyết mạch dẫn về các vùng chiến khu xưa, nhiều tuyến nối với các địa bàn đông dân cư. Nay bị xuống cấp nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc lưu thông đi lại, mua bán, trao đổi hàng hóa của bà con. Đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến phát triển KT-XH của các xã trong vùng nói riêng, huyện Tiên Phước nói chung", ông Minh nói.

Trước thực trạng nhiều tuyến ĐH ở địa phương bị xuống cấp nghiêm trọng, UBND H. Tiên Phước đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương khảo sát, thống kê thực tế hiện trạng, trên cơ sở đó đánh giá, đề xuất với tỉnh nâng cấp, sửa chữa. Trước mắt, huyện đề xuất tỉnh quan tâm kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng như tuyến ĐH6, ĐH2, ĐH1 và các tuyến chưa đầu tư mặt đường như ĐH11, ĐH12 trong năm 2015. Ông Hường Văn Minh kiến nghị: "Chúng tôi rất mong HĐND, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh sớm có phương án thiết kế và bố trí kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các tuyến ĐH để tạo điều kiện lưu thông đi lại thuận lợi cho bà con, nhất là trong dịp Tết cổ truyền sắp đến ".

Thạch Hà - Báo CA Đà Nẵng