www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nhà cổ truyền ở Tiên Phước: những dấu ấn đặc trưng

Hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa, không gian sống cổ truyền của người Việt ở các làng xã đang dần biến mất. Thế nhưng thật may mắn, tại Tiên Phước – một vùng đất trung du của Quảng Nam, người dân nơi đây vẫn lưu giữ được những ngôi nhà có niên đại từ 70 đến 100 năm.

Không gian nhà cổ ở Tiên Phước thuần Việt, cổ kính với giếng nước, đường làng, ngõ đá, hàng chè tàu… đã trở thành một dấu ấn văn hóa khiến nhiều người bâng khuâng mỗi khi nhớ về.

Một không gian “xanh” với vườn, nhà và ngõ đá

Là một vùng đất có điều kiện thời tiết tương đối khắc nghiệt, người Tiên Phước đã tạo dựng nên một không gian sống kết hợp hài hòa giữa yếu tố thiên nhiên và phù hợp với công năng sử dụng.

Với địa hình của một vùng trung du, hầu hết nhà ở cổ truyền Tiên Phước nằm tựa lưng vào núi nhìn ra một khoảng không gian thoáng rộng, được bao phủ bởi màu xanh của các thửa ruộng bậc thang (điển hình là vùng quê Tiên Cảnh, Tiên Mỹ). Từ trong quá trình vỡ hoang, những viên đá, cục đá, tảng đá được người Tiên Phước tận dụng đắp thành tường rào, ngõ đá để ngăn thú dữ và trở thành giới hạn từng khuôn viên nhà. Trải qua thời gian, những ngõ đá rêu phủ xanh mướt đã góp phần tạo nên dấu ấn rất riêng của Tiên Phước trong tổng thể không gian làng quê thanh bình, yên ả. 

GS.Hoàng Đạo Kính trong một lần đến Lộc Yên đã từng thán phục: văn hóa dân gian, nghệ thuật dân gian trong sự sắp đặt, trong sự tổ chức môi trường sống của người Lộc Yên đã đạt đến độ nhuần nhị và đạt đến giá trị thẩm mỹ [5]. Nếu có thời gian, hãy thư thả bước đi trên những ngõ đá mát lạnh, nghe âm thanh rì rào của vườn lòn bon đang sai trĩu quả, dường như mọi hối hả, bộn bề của cuộc sống đã ở tận một nơi xa xăm lắm. Đến thăm những ngôi nhà cổ hiện nay ở Tiên Phước, không gian vườn rộng lớn với các loại cây trồng đặc trưng như lòn bon, dâu, mít, chè, tiêu… vẫn được bảo tồn nguyên vẹn và cho trái quanh năm, tạo nên cảnh quan sinh thái tự nhiên rất đẹp, bình dị mà khác thường. 

Phần lớn những ngôi nhà ở Tiên Phước thường có hướng Tây Nam hoặc Đông Nam. Người Tiên Phước chọn hướng nhà cũng không nằm ngoài quy luật tránh “góc ao, đao đình”, hay tránh cho nhà chính nhìn vào đầu hồi nhà người khác hoặc bị đường cái đâm thẳng vào nhà. Chẳng thế mà đường làng ở Tiên Phước được định hình khá đa dạng, có lúc theo lối, có lúc lại ngoằn nghèo uốn lượn. Từ đó việc lập vườn, trồng cây, tạo lối đi đều phải dựa theo thế đất, nguồn nước.

Quan sát các khu vườn nhà cụ Nguyễn Thống (Tiên Cảnh), nhà cụ Nguyễn Đình Huỳnh (Tiên Cảnh), nhà cụ Nguyễn Ngọc Anh (Tiên Cảnh)…, chúng tôi nhận thấy tổng thể kiến trúc có ngõ đá, bờ đá dẫn vào nhà, hàng cây chè tàu được trồng song song bờ đá, các cây kiểng, hoa trang trí (mai, hồng) vẫn được chăm chút ở phía trước sân gạch. Các cây ăn quả, lấy gỗ, lấy dầu, những cây đặc sản của Tiên Phước như: chuối, mít, lòn bon, thanh trà, quế, tiêu đều được trồng chen nhau tỏa khắp xung quanh nhà, và chủ nhà cũng có kinh nghiệm trồng các loại cây cao bóng mát ở phía trước để chống nóng, chống gió [6; tr.6].

Không gian của những ngôi nhà cổ truyền ở Tiên Phước đã thể hiện sự sáng tạo của người dân nơi đây trong việc dựa vào tự nhiên để tạo dựng nên một không gian cư trú, một không gian kiến trúc, không gian văn hóa có thể đáp ứng những yêu cầu vật chất và tinh thần của con người nơi vùng đất bán sơn địa vốn dĩ khó khăn này.

 

                         Một ngôi nhà cổ tại huyện Tiên Phước. Ảnh: Tấn Vịnh

 

Sự tích hợp kinh nghiệm dân gian trong cấu trúc nhà cổ truyền ở Tiên Phước

Mặt bằng tổng thể nguyên gốc của những ngôi nhà ở Tiên Phước thường khá lớn, với nhiều công trình như cổng, ngõ, nhà ngang, bếp, nhà chính, sân, vườn, chuồng trại và tường bao, thường được làm theo kiểu chữ Nhất (nhà cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhà cụ Bảy Tài….), chữ Đinh (nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh (Tiên Cảnh) và cụ Võ Nguyên (Tiên Mỹ))…

Các ngôi nhà chính ở Tiên Phước thường có mặt bằng 3 gian 2 chái. “Từ những ngày xa xưa của chế độ phong kiến, nhà ở của người nông dân là những ngôi nhà 3 gian 2 chái. Hai hay ba cái phản hay cái chõng tre làm nơi ăn ngủ. Một bàn thờ tổ tiên thường được đặt ở giữa nhà, mấy thúng thóc để ở ngay cạnh chỗ nằm, vài cái nong nia và ba “ông đầu rau” bằng đất thó giữa đám tro rơm chiếm một góc chái làm bếp” [8; tr.28]. Đến thời Nguyễn, để phân định rõ ràng giữa thường dân và quan lại, điều 156 luật Gia Long quy định: “Nhà ở trong trường hợp nào cũng không được xây trên nền hai cấp hay chồng hai mái, không được sơn và không được trang trí… Nhà khách của những quan đại thần nhất và nhị gồm có 7 gian và 9 vì kèo, đầu nóc mái được trang trí bằng các kiểu hoa hay động vật. Cửa chính được mở rộng theo 3 gian, 5 vì kèo… Nhà ở của người bình dân không được làm quá 3 gian 5 vì kèo và không được trang trí” [8; tr.29].

Tuy nhà ở cổ truyền khi xưa ở Tiên Phước cũng theo quy định đó nhưng do đặc điểm địa hình, lại ở xa triều đình nên cấu trúc nhà ở của các gia đình địa chủ thường khá lớn. Thông thường gian buồng được ngăn cách với các gian ngoài bằng một vách gỗ. Khoảng giữa cột cái và cột quân trước trên bức vách có trổ cửa buồng làm lối đi lại và phía bên ngoài trước cửa buồng có trổ thêm một cửa nữa để đi lại cho thuận tiện khi nhà có khách, còn lại đều trổ một cửa phía trước gian buồng. Chái bên trái nhà thường có một cửa ra vào. Theo như tôi được biết thì ngày trước cha ông làm cửa này vừa để đi lại thuận tiện, vừa là cửa mà những chàng trai sắp làm rể ngôi nhà đó phải qua trước khi đến với buồng của người con gái chứ không được vào nhà bằng cửa chính ngay. 

Vật liệu tạo dựng nên các nhà cổ ở đây hầu như đều được khai thác trong tự nhiên, mang “tính chất bản địa” sâu sắc, phần lớn là tre và gỗ mít. Trong suốt quá trình khảo sát và điền đã thu thập tài liệu, chúng tôi chỉ tìm thấy một ngôi nhà duy nhất còn lại làm bằng vật liệu như tre, nứa là nhà cụ Cừ ở thôn 2 Tiên Châu, tuy nhiên phần mái đã được thay thế bằng ngói, còn hầu hết tất cả đều được thay thế bằng gỗ mít. Vì vậy mà hệ thống bộ khung chịu lực toàn bằng gỗ mít, gồm có mít được trồng và mít khai thác từ rừng.

Những ngôi nhà lớn của địa chủ ở Tiên Phước, gia chủ có khi cần tới hàng chục năm để chuẩn bị vật liệu. Những cây mít lâu năm, sau khi được khai thác về thì ngâm dưới nước thật lâu, hoặc để cho mối ăn hết phần vỏ bên ngoài, còn lại cái lõi bên trong vô cùng bền chắc mới dùng làm nhà. Sau đó mời thợ Văn Hà ở xã Tam Thành, huyện Phú Ninh lên chạm khắc những hoa văn tinh xảo theo ý chủ nhà.

Người Tiên Phước thường dùng đất để làm tường nhà. Họ lấy đất ngay tại vườn nhà, thường là loại đất sét, thêm một ít đất ruộng và một ít vôi trộn lẫn vào nhau cùng với rơm rạ (phần gốc lúa sau khi thu hoạch đem về phơi khô). Các thành phần đó được nhào kỹ lại với nhau và sau đó trát đều lên các lớp cốt tre và cau.

Nếu mái nhà cùng bằng đất thì phần đỡ mái được làm công phu hơn. Người ta sẽ khai thác tre trong làng, chọn những loại tre đẹp nhất, già và chắc nhất chẻ nhỏ đan thành từng tấm rồi ngâm dưới nước bùn (thời gian ngâm từ 1 đến 3 tháng). Sau đó các tấm tre này được lắp vào trần nhà và được đỡ bằng những đà gỗ hoặc tre (giữ nguyên thân) cũng được ngâm dưới bùn, kế tiếp là một lớp đất sét ở ruộng có độ dẻo được nhào trộn với rạ đắp lên các tấm tre này. Lớp đất được nén chặt, dày khoảng 8 – 10 cm. Nhà của cụ Trần Khiêm (Tiên Cảnh) thì phần trần lót cho lớp đất là các tấm ván bằng gỗ dày 2,5cm, được lắp khít các cạnh vào nhau theo chiều rộng của lòng nhà. Các tấm ván này được giữ lại bằng những đà trần cũng có hỗn hợp đất sét, rạ phủ lên trên.

Mái lợp trên sẽ là tranh. Người ta cắt tranh về, phơi khô, chải sạch và bện vào những nan hom. Nan hom cũng được làm bằng tre già chắc. Người ta chẻ ra, lấy phần ruột, mỗi nan tre có hình trụ vuông khoảng 1cm3 và dài từ 2 – 2,5m, người ta gấp đôi chúng lại và phơi khô, để trên gác bếp một thời gian khá lâu, sau đó mới đem xuống bện tranh vào. Nếu đan nong mốt thì dùng hai cái nan hom, đan nong đôi thì dùng 3 cái, người thợ lần lượt cho từng bó tranh nhỏ vừa nắm tay thắt chặt vào nan hom từ đầu tới cuối. Cuối hom người ta sẽ dùng lạt tre buộc chặt lại. Các tấm tranh được lợp theo lối chồng đè lên nhau theo thứ tự từ dưới lên trên, lớp tranh trên đè lên lớp tranh dưới và dùng lạt hoặc sợi mây buộc chắc chắn các tấm tranh này vào mè. Tranh càng nhiều thì mái lợp càng dày và thời hạn sử dụng càng bền lâu.

Những ngôi nhà cổ truyền ở Tiên Phước thường hiền hòa, và luôn chan hòa với thiên nhiên nhưng không kém phần công phu, dù là nhà tranh đơn thuần hay nhà mái lá. “Con người Việt Nam nói chung, người Tiên Phước nói riêng là vậy, rất giản dị và khiêm tốn. Họ đã ý niệm và thấm đẫm các giá trị này để chuyển tải nó vào trong kiến trúc nhà ở truyền thống, vào trong nếp nhà của dân tộc bằng những nét thể hiện cũng rất giản dị và khiêm tốn

Mặc dù trải qua những thăng trầm của thời gian, những ngôi nhà cổ truyền ở Tiên Phước không còn nguyên vẹn nhiều song những giá trị văn hóa còn lại trên từng bức vách, từng chi tiết trên rường cột, từng bức hoành phi, câu đối, từng viên ngói nhuộm màu thời gian… đã góp phần tạo nên một không gian văn hóa đặc trưng của vùng quê thanh bình này.

                     Nguyễn Thị Vĩnh Linh - Tạp Chí Văn Hóa Quảng Nam                                                               

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Lâm Biền (Cb, 2008, Diễn biến kiến trúc truyền thống Việt, Viện bảo tồn di tích, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  2. Phạm Văn Đốc (2007), Thực trạng và giải pháp bảo tồn phát huy giá trị không gian văn hóa nhà cổ làng Lộc Yên, Quảng Nam.
  3. Nguyễn Thượng Hỷ, Các kiểu nhà truyền thống ở Quảng Nam,
  4. Nguyễn Thượng Hỷ (2004), Nhà ở dân gian cổ truyền Quảng Nam, Kiến trúc Việt Nam (Số 9), tr.57-60.
  5. Thân Vĩnh Lộc, Góc nhìn mới về làng cổ Lộc Yên, Tiên Phước
  6. Nguyễn Hữu Thông (Cb, 2005), Văn hóa làng miền núi Trung Bộ Việt Nam – Giá trị truyền thống và những bước chuyển lịch sử, NXB Thuận Hóa, Huế.
  7. Trung tâm bảo tồn di sản di tích Quảng Nam (2008), Nhà ở cổ truyền người Việt tại Quảng Nam, kỷ yếu Hội thảo khoa học.
  8. Nguyễn Khắc Tụng (1994), Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam (tập 1), Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội.
  9. Tư liệu điền dã.

1. Cốt vách có thể được làm bằng tre, đan thành tấm hoặc kết hợp giữa tre vào cau, thanh đứng gọi là cây mầm (cau), thanh ngang gọi là cây trĩ (tre). Ngoài ra còn có vách xây bằng đá, vữa bằng đất sét

2. Lời của cố KTS Nguyễn Cao Luyện – Theo lời kể của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ