Những vườn ươm ở Tiên Phước
Đầu mùa mưa, đi dọc những tuyến đường có vườn ươm cây giống tại huyện Tiên Phước, chúng tôi như bị hút mắt vào màu xanh non của những cây con và thú vị với hàng nghìn bầu đất được sắp xếp cạnh nhau nhìn giống như bề mặt của một tổ ong khổng lồ…
Nâng cấp vườn ươm
Những năm gần đây, phong trào trồng rừng ở huyện Tiên Phước và các vùng lân cận phát triển khá mạnh. Để đáp ứng nhu cầu cây giống cho người dân, nhiều vườn ươm đã ra đời, mở rộng và có sự đầu tư hơn so với những năm trước. Từng là người làm công ở một vườn ươm trong vùng, năm 2011 ông Trần Hữu Huấn (xã Tiên Lộc) quyết định thuê đất để lập vườn ươm. Hiện tại, vườn ươm của ông sản xuất quanh năm, với các giống cây chủ lực như keo, dó bầu, xà cừ...
Đưa chúng tôi đi xem khu vườn ươm Đèo Liêu rộng khoảng 1ha của mình ở thôn 2, xã Tiên Hiệp, ông Huấn bộc bạch: “Nhờ trước đây từng làm công tại các vườn ươm nên tôi cũng học hỏi được nhiều kỹ thuật về nghề này. Lần mò tìm hiểu, học hỏi thêm kỹ thuật từ sách báo, tôi mạnh dạn thuê đất của một người bà con ở đây để ươm cây lâm nghiệp. Thấy hiệu quả, năm ngoái tôi quyết định mở rộng vườn ươm từ nửa héc ta lên 1ha. Tính ra mỗi năm vườn ươm có thể cung ứng ra thị trường hơn 1 triệu cây giống”. Không chỉ mở rộng diện tích, ông Huấn còn bỏ ra hơn 10 triệu đồng để đầu tư hệ thống phun sương tự động. Từ khi có hệ thống phun sương, vườn ươm của ông không chỉ tiết kiệm được lượng nước đáng kể mà cây giống còn ra đều và nhanh phát triển nhờ được cung ứng đủ và đều nước.
Các vườn ươm ở Tiên Phước đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. |
Cách vườn ươm của ông Huấn chưa đầy 5km là vườn ươm Dốc Tờn (xã Tiên Hiệp). Hệ thống phun sương tự động chốc lát lại phun nước làm cho vườn ươm rộng gần 8.000m2 này trở nên cuốn hút người đi đường. Chủ của vườn ươm là ông Trần Trọng Chính (quê ở Tam Xuân 2, Núi Thành) đã có thâm niên 10 năm gắn bó với nghề. Từ hai bàn tay trắng lập nghiệp, trải qua nhiều nghề khác nhau, cuối cùng ông cũng gắn bó lâu dài với vườn ươm. Ông cho biết: “Tôi thành lập vườn ươm Tam Xuân 2- Núi Thành đến nay đã được 10 năm, thấy có hiệu quả, nhu cầu thị trường đang lên, vùng Tiên Phước lại là vùng trồng cây nguyên liệu nhiều, nên tôi quyết định lên đây thuê đất để mở vườn ươm thứ hai. Từ địa thế này có thể thu hút khách hàng trong huyện và các huyện lân cận như Nam Trà My, Bắc Trà My”. Theo ông Huấn, tuy nghề này vốn đầu tư không nhiều, ít gặp rủi ro nhưng nếu không nắm bắt được nhu cầu của thị trường thì cũng rất dễ “chết”. Không thể cứ mãi chạy theo thị trường mà quên đầu tư kỹ thuật, nâng cao chất lượng giống.
Ngoài vườn ươm của ông Huấn, ông Chính, hiện nay trên địa bàn Tiên Phước còn có hàng chục vườn ươm lớn, nhỏ của các hộ tư nhân, cung ứng mỗi năm vài chục triệu cây giống lâm nghiệp các loại cho thị trường. Các vườn ươm này không chỉ phục vụ nhu cầu trồng rừng của người dân trong và ngoài huyện mà còn đáp ứng thị trường ngoài tỉnh như Huế, Quảng Ngãi…
Tạo việc làm cho lao động nông thôn
Do nhu cầu cây giống quanh năm, nên các vườn ươm không chỉ giải quyết công việc thời vụ vào mùa ươm hạt chính (tháng 6 đến hết tháng 9) mà còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương. Những ngày này, vì đang mùa ươm hạt chính nên các vườn ươm trong huyện trở nên tất bật với các công đoạn làm đất, đóng bầu, gieo hạt, tỉa cây… Cô Nguyễn Thị Nhị (50 tuổi) làm việc ở vườn ươm Đèo Liêu, cho biết: “Tôi làm công việc này hơn một năm nay. Trước kia, phải ra tận Đà Nẵng để phụ quán, xa nhà, xa con, bây giờ làm nhân công ở vườn ươm này vừa gần nhà, vừa có mức thu nhập ổn định 100 nghìn đồng/ngày. Làm công việc này nhẹ nhàng lại gần nhà nên hiện tại trong thôn tôi có khoảng 10 người làm việc tại các vườn ươm”.
Không chỉ có những người lớn tuổi, phụ nữ mới làm nghề, các vườn ươm còn thu hút cả lao động thanh niên. Anh Võ Văn Thảo (23 tuổi) tâm sự: “Những công việc nhẹ như đóng bầu, nhổ cỏ, tỉa cây… được giao cho phụ nữ làm, còn những việc nặng hơn như làm giàn che, tưới nước, vận chuyển cây… do đàn ông bọn mình lãnh. Mình thích làm công việc này vì không chỉ mỗi ngày mình được trả 120 nghìn đồng tiền công, mà còn vì mình thấy vui mỗi ngày khi nhìn hàng nghìn hạt giống nảy mầm và phát triển”.
Theo ông Huấn, vườn ươm cây giống của ông đang có thị trường tiêu thụ khá ổn định trong và ngoài huyện. Ngoài việc giải quyết việc làm thời vụ cho hơn 20 lao động vào mùa ươm hạt chính, vườn ươm còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức thu nhập bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Huỳnh Đức Thương - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết: “Hiện nay trên địa bàn huyện có 8 vườn ươm quy mô lớn, sản xuất quanh năm. Ngoài ra, còn có hơn 40 vườn ươm nhỏ lẻ, làm theo mùa vụ. Những vườn ươm này tập trung nhiều nhất ở thị trấn Tiên Kỳ và các xã Tiên Cảnh, Tiên Hiệp… cung ứng cho thị trường trong và ngoài huyện mỗi năm vài chục triệu cây giống. Các vườn ươm đã góp phần không nhỏ tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định 100 nghìn đồng/người/ngày”.
Thiên Nga - Báo Quảng Nam