www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nhớ mùa xuân Quý Sửu 1973

 Mùa xuân Quý Tỵ - 2013 đang đến gần khiến anh Hai tôi càng nhớ về mùa xuân Quý Sửu - 1973. Bởi cách đây vừa tròn 40 năm, là thời điểm Hiệp định Paris có hiệu lực thi hành ở miền Nam. Chiến trường im tiếng súng. Người của hai bên chiến tuyến nhìn nhau thân thiện vì xét cho cùng, tất cả đều là con dân nước Việt...

                 Mùa thu 1972. Anh Hai tôi - Thái Nguyên Văn, thoát ly đi kháng chiến. Lúc bấy giờ gia đình tôi sống trong vùng bị tạm chiếm của Mỹ-ngụy tại thôn Hữu Lâm, xã Phước Kỳ, quận Tiên Phước (nay là thôn Phái Đông, thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước). Dẫu vậy, gia đình tôi vẫn thường xuyên liên lạc thư từ với anh Hai tôi qua cô Ba Lùng - cơ sở cách mạng nằm vùng của Đội công tác Phước Kỳ. Đội Công tác Phước Kỳ không giữ chân anh Hai tôi “tham gia cách mạng tại địa phương” mà tạo điều kiện để được đi “bộ đội tỉnh”, phiên chế về Đại đội Vận tải của Tỉnh đội Quảng Nam với mật danh CT45. Anh Hai tôi nhớ lại: “Hồi đó, đơn vị CT45 đóng quân ở khu vực bến đò Tam Cấp thuộc địa phận Thăng Phước, huyện Quế Tiên (nay là xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức).

          Lúc này, cục diện chiến trường khu 5 nói chung, Quảng Nam nói riêng, đã có sự thay đổi với nhiều thuận lợi cho ta. Là đại đội vận tải nên đơn vị CT45 đảm trách hai nhiệm vụ quan trọng: tải hàng hóa, vũ khí và tải thương từ tiền tuyến về hậu phương. Hàng hóa gồm lương thực thực phẩm, thuốc men nhận từ “cửa khẩu Phú Thọ” (Quế Sơn) cõng về tập kết tại Phước Hà (Tiên Phước). Vũ khí, đạn dược được cấp trên chi viện cho Tỉnh đội Quảng Nam để ở làng Hồi (Nam Giang). Đơn vị CT45 băng rừng vượt suối lên đấy vận chuyển về cất giấu ở “tổng kho” tại Thăng Phước. Các Tiểu đoàn D70, D72, D74 và D10 đến hai địa điểm trên “nhận hàng”. Lúc bấy giờ quân Mỹ và quân chư hầu đã rút khỏi chiến trường khu 5, nhưng quân ngụy lại được tăng cường đông hơn. Sau khi căn cứ Cấm Dơi (Quế Sơn) bị tiêu diệt, bọn chúng dồn sức củng cố xây dựng khu căn cứ quân sự với quy mô lớn tại Thượng Đức (Đại Lộc). Đây là “cánh cửa thép” bảo vệ TP.Đà Nẵng ở mạn tây bắc. Tại quận lỵ Tiên Phước, ngoài Tiểu đoàn Biệt động quân 77, bọn chúng còn tăng cường Liên đoàn Địa phương quân 916 nhằm án ngữ mặt trận miền tây đất Quảng. Hằng ngày, bọn chúng cho các loại máy bay trinh sát L19, OV10... quần lượn, do thám, nắm tình hình, thấy nơi nào tình nghi có cộng quân trú ẩn là gọi pháo bắn như giã gạo chày ba. Và đơn vị CT45 của anh Hai tôi không ít lần bị bọn L19, OV10 “chỉ điểm” khiến phải “ăn đạn pháo” từ các chi khu quân sự Tiên Phước, Quế Sơn, Thăng Bình nã tới.

        Cuối năm 1972. Hà Nội làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Đế quốc Mỹ bị thua đau, phải xuống nước, ngồi vào bàn đàm phán Hội nghị Paris.

         Trước khi Hội nghị Paris - 1973 được ký kết, việc lấn đất, giành dân, cắm cờ “xác định lãnh thổ quốc gia” được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hô hào thực hiện ở khắp các vùng miền giáp ranh giữa ta và địch. Tại Quảng Nam, khu vực Tam Phước (Phú Ninh) là nơi tiếp giáp với vùng giải phóng Sơn - Cẩm - Hà. Quân ngụy đóng chốt ở Rừng Nhưng, Núi Vũ mưu toan mở rộng địa bàn “lãnh thổ quốc gia” ra vùng giải phóng của ta. Không thể để cho quân ngụy làm càn, Tiểu đoàn 70 được Tỉnh đội Quảng Nam giao nhiệm vụ xóa sổ hai điểm chốt Rừng Nhưng, Núi Vũ trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực thi hành. Trận đánh cuối cùng này, đơn vị CT45 của anh Hai tôi cũng được lệnh tham gia với nhiệm vụ tải đạn vào và tải thương ra. Anh Hai tôi bảo: “Chiều tối ngày 26.1.1973, Tiểu đoàn 70 đã vào vị trí tập kết, Đại đội vận tải CT45 cũng đã ém quân tại xóm nhỏ bên sườn núi, nơi có Nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh. Hình như bọn địch cũng lờ mờ nhận ra ý đồ của ta nên huy động các loại pháo từ sân bay Kỳ Nghĩa, căn cứ Tuần Dưỡng... bắn cấp tập quanh khu vực Rừng Nhưng, Núi Vũ và cả khu vực giáp ranh giữa Tam Phước với Sơn - Cẩm - Hà. Bọn chúng bắn không tiếc đạn. Pháo nổ ùng oàng từ khi trời chập choạng tối cho tới 10 giờ đêm. Sau đó, bọn chúng chuyển qua bắn cầm canh.

           Trận đánh xóa sổ hai điểm chốt Rừng Nhưng, Núi Vũ vẫn được thực hiện. Khoảng 3 giờ sáng tiếng pháo bắn cầm canh không còn. Và đó cũng là lúc Tiểu đoàn 70 bất ngờ nổ súng tiêu diệt 2 đồn bót ở khu vực giáp ranh. Hai bên đấu súng dữ dội. Đạn lửa bay đỏ trời. Sau gần nửa giờ giao tranh quyết liệt, quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Quân ngụy chống cự không nổi vội tháo chạy về hướng Tam An, Tam Đàn. Tiểu đoàn 70 có 7 chiến sĩ bị thương, 1 chiến sĩ hy sinh. Đơn vị CT45 của anh Hai tôi nhanh chóng tải thương về Bệnh viện CK42 đóng tại Phước Hà. Và sau đó quay lại trận địa thu dọn chiến lợi phẩm chuyển về hậu cứ. Lúc đó khoảng 6 giờ sáng ngày 27.1.1973. Lệnh ngừng bắn theo Hiệp định Paris đã có hiệu lực thực thi. Quân ngụy cho xe tăng M113 gầm rú chạy thẳng lên hai điểm chốt Rừng Nhưng, Núi Vũ. Do không được lệnh kháng cự, bộ đội ta buộc phải rời khỏi trận địa. Quân ngụy nhìn thấy bộ đội ta rút quân chỉ đứng nhìn theo không bắn. Viên chỉ huy trèo lên tháp pháo xe tăng bắt loa tay nói lớn: “Đêm qua là trận đánh cuối cùng. Sáng nay là ngày hòa bình đầu tiên đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh dài dặc. Đất của bên nào bên ấy giữ. Chúng ta không xâm phạm của nhau”. 

          Sau khi từ Phước Hà quay lại khu vực giáp ranh giữa Tam Phước với Sơn - Cẩm - Hà, đứng trên đỉnh đèo Eo Gió, anh Hai tôi ngó xuống vùng Kỳ Bình thấy cả một rừng cờ giải phóng phấp phới bay trên những ngọn sưa cổ thụ trong ánh nắng ban mai, làm khuất lấp hai lá cờ ba que cắm chơ vơ lạc lõng ở hai điểm chốt Rừng Nhưng, Núi Vũ.

              Lịch sử đã sang trang.

         Quãng thời gian cả hai bên nghiêm chỉnh thực thi Hiệp định Paris - 1973 là những tháng ngày anh Hai tôi nhớ mãi không quên. Công binh mở các nhánh rẽ đường Trường Sơn xuống tận khu vực ở bên kia sông Tranh thuộc địa phận Hiệp Đức. Xe ô tô Gat 63 và Zin 130 nối nhau thành một đoàn dài chở thuốc men, đạn dược, vũ khí, quân trang quân dụng và lương thực thực phẩm từ miền Bắc vào tập kết lộ thiên ở bên bờ sông Tranh. Hàng hóa, súng đạn chất cao như núi. Đại đội vận tải CT45 của anh Hai tôi đi cõng hàng giữa thanh thiên bạch nhật từ bến phà Tân An về Phước Hà, Thăng Phước mà không sợ phi pháo địch bất ngờ dập xuống đội hình như trước nữa. Máy bay trinh sát L19 của quân ngụy quần lượn trên trời nhìn thấy bộ đội ta đi lại, hoạt động công khai dưới mặt đất nhưng không hề có động thái gì. Cuối xuân 1973, cơ quan Khu ủy khu 5 từ căn cứ Nước Oa (Bắc Trà My) cũng gấp rút di chuyển xuống Hiệp Đức để đặt đại bản doanh tại khu căn cứ Phước Trà. Anh Hai tôi nhớ lại: “Khi Hiệp định Paris được thực thi, bộ đội ta tập trung quân về vùng rừng núi thuộc địa phận Hiệp Đức rất đông. Đơn vị CT45, ngoài nhiệm vụ cõng hàng cung cấp cho các tiểu đoàn D70, D72, D74 và D10, còn phải lo chặt cây gỗ, đốn tre, cắt tranh dựng hội trường, làm nhà ở phục vụ cho “phái đoàn bốn bên” lưu trú trong quá trình đi thị sát kiểm tra tình hình thực hiện Hiệp định Paris của cả hai bên”.

          Hòa bình đang đến gần. Bộ đội ta và quân ngụy ở khu vực giáp ranh thường hay qua lại thăm nhau, thi đấu bóng chuyền giao hữu rất vui.

           Anh Hai tôi vẫn còn nhớ mãi chuyến đi cõng hàng cùng đơn vị ở Sơn Long (Quế Sơn). Đơn vị CT45 gồm cả trăm người, súng AK quàng vai, lưng cõng gùi hàng cao lút đầu, cứ lặng lẽ nối bước nhau dưới chân đồi giữa trời trưa nắng gắt. Quân ngụy ôm súng đứng ngồi lố nhố trên đồi dõi theo. Khoảng cách giữa hai bên chừng vài ba chục mét. Hết xuống đèo lại leo lên dốc. Mệt bở hơi tai. Bộ đội ta tựa lưng vào bìa rừng đứng nghỉ. Và thế là hai bên có dịp chuyện trò với nhau. “Ôm súng ngồi một chỗ, buồn không?”. Bộ đội ta hỏi. “Tất nhiên rồi! Cõng hàng nặng đường xa, có mệt không?”. Quân ngụy trên đồi hỏi. “Đương nhiên là mệt!”. “Mai mốt hết chiến tranh, chúng ta sẽ là anh em một nhà. Và chúng ta kể lại chuyện hôm nay chắc vui nổ trời!”. Hồi đó, quân ngụy ở các điểm chốt nơi vùng giáp ranh thường xuyên thay đổi đơn vị đóng chốt. Bọn chỉ huy lo sợ những cuộc trò chuyện ấy sẽ làm lung lay tư tưởng cũng như tinh thần “anh em binh sĩ” nên liên tục thay quân đổi tướng. Và nhờ vậy, bộ đội ta có dịp làm quen với nhiều đơn vị quân ngụy. Anh Hai tôi bảo: “Quãng thời gian ngay sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực thi hành, ta và địch ở vùng giáp ranh “chung sống hòa bình”. Không bên nào có thái độ gây hấn hay hăm he dùng vũ lực đe dọa lẫn nhau”.

          Sau Hiệp định Paris - 1973 là thời cơ ngàn năm có một đối với cách mạng miền Nam. Chiến trường tạm ngưng tiếng súng. Ở vùng rừng núi miền tây đất Quảng, bộ đội công binh ngày đêm mở đường tỏa đi khắp các ngả dưới những tán rừng đại ngàn. Từ Phước Sơn những con đường bí mật mở qua ngõ Trà Đốc (Bắc Trà My), rẽ xuống vùng Sơn - Cẩm - Hà (Tiên Phước) rồi vòng ra Tân An (Hiệp Đức) để ráp nối với những con đường sẵn có dẫn về đồng bằng duyên hải Quảng Nam. Các đoàn xe vận tải Gat 63, Zin 130 từ miền Bắc theo đường Trường Sơn lầm bụi đỏ chạy vào miền tây đất Quảng chở vũ khí đạn dược, pháo tầm xa 130 ly, pháo cao xạ 37 ly, 55 ly, cùng lương thực thực phẩm, quân trang quân dụng… cung cấp cho chiến trường khu 5. Khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đơn phương phá vỡ Hiệp định Paris - 1973, công khai xua quân càn quét, lấn chiếm ra vùng giải phóng, cũng là lúc ta đã chuẩn bị khá đầy đủ nhân lực vật lực để giành thế chủ động tiến công trên các chiến trường. Năm 1974, lần đầu tiên Quân giải phóng khu 5 tiến công cứ điểm Thượng Đức với binh chủng hợp thành, bao vây đánh lấn cả ngày lẫn đêm. Cuộc đọ sức giữa ta và địch ở Thượng Đức sau một thời gian dài ở thế giằng co, cuối cùng ta cũng đã san bằng cứ điểm này. “Cánh cửa thép” bảo vệ thành phố Đà Nẵng ở mạn tây bắc của quân ngụy đã bị đập tan.

         Thế liên hoàn của vùng giải phóng ở miền tây đất Quảng được tạo ra và rộng mở về hướng đồng bằng. Bước sang năm 1975, cùng với Buôn Ma Thuột, Tiên Phước được chọn làm nơi nổ súng lệnh mở đầu cuộc tổng tiến công và giải phóng miền Nam vào ngày 10.3.1975 lịch sử. Chỉ trong một buổi sáng, ta đã làm chủ được quận lỵ Hậu Đức và quận lỵ Tiên Phước. Và hai tuần sau, vào trưa ngày 24.3.1975, Quân giải phóng khu 5 đã tiến về thị xã Tam Kỳ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam, viết nên trang sử mới của thời đại Hồ Chí Minh. Có mặt trong đoàn quân giải phóng vào thời điểm ấy, với anh Hai tôi, đấy là những phút giây hạnh phúc nhất của người chiến sĩ đội mũ tai bèo.

                                                                              Nguyễn Tam Mỹ - Báo Quảng Nam