Nhân cách Huỳnh Thúc Kháng
Nhớ cụ Huỳnh, tự dưng ta liên tưởng đến vị quế cay trong vườn rừng quê cụ cũng như trong rừng thơ văn của cụ với những câu “thoát khỏi lưu đày, quế lão cay” hoặc “Tánh rừng quế càng già càng mãnh liệt. Trải đường dài mới biết ngựa hay. Thân còn tâm huyết còn đây”. Qua công cuộc vận động Duy Tân, cụ Huỳnh đã từng cùng bạn đồng chí ra sức cổ vũ dân quyền, mở mang dân trí, chấn hưng thực nghiệp, chăm lo trồng quế, trồng người: “Học trò nhà chứa ngàn gian. Muôn hoa quế nở sau làn mưa xuân”. Trong những năm bị đày Côn Đảo, cụ vẫn luôn hướng về quê hương, đất nước, đặt kỳ vọng vào lớp trẻ được đào tạo trong phong trào: “Bao nhiêu vườn quế mới trồng. Sương thu ngạo nghễ lẽ không cây nào?”.
Vị quế cay quý báu ấy phải chăng là tích tụ lâu năm của một phẩm chất cơ bản - nhân cách: “Ước gì nhân cách cao hơn tuổi. Công tiếc làm chi việc đã qua”.
Đã quá rõ ràng, cụ Huỳnh là một trong những nhân cách lớn của quê hương đất nước ta. Và nhân cách Huỳnh Thúc Kháng là vị “cao sơn ngọc quế”, một trong thứ thần dược cần thiết cho tất thảy thế hệ con em của quê hương đất nước.
Nhân cách Huỳnh Thúc Kháng, trước hết, là sản phẩm lịch sử. Đẹp đẽ thay sự kế thừa và phát huy nhân cách ở lớp chí sĩ đất Quảng, qua các giai thoại xiết bao cảm động về sự lựa chọn đầy tự nguyện giữa “khó và dễ” (thật ra là giữa sống và chết, giữa chết sau và chết trước vì nghĩa lớn) từ đôi bạn chí cốt Nguyễn Duy Hiệu - Phan Bá Phiến đến Thơ Đồng - Châu Thượng Văn và các đồng chí, trong đó cụ Huỳnh là người tình cờ được lắng nghe lời trối trăn của bạn. Nguyễn Duy Hiệu sẵn sàng dành lấy phần khó bằng cách tự để cho giặc bắt, nhận hết tội trạng về mình, nhằm bảo toàn lực lượng cho những vận hội mới sau này, rồi ung dung viết hai bài thơ tuyệt mệnh trước lúc thọ hình. Đến lượt mình khi bị địch bắt lây, nhân vụ dân biểu tình chống thuế năm 1908 cùng với bao nhiêu nhà yêu nước khác, Châu Thượng Văn đã noi gương Nguyễn Duy Hiệu đứng ra nhận hết tội trạng về mình nhằm bảo toàn anh em đồng hội đồng thuyền, rồi anh dũng tuyệt thực cho đến chết, sau khi nói lại với cụ Huỳnh lần cuối cùng: “Tôi làm cái dễ, còn anh em gắng lấy cái khó!”. Cụ Huỳnh rất khâm phục và đánh giá cao sự hy sinh của Thâu Thượng Văn, có phần cao hơn sự tuyệt thực của thánh Gandhi sau đó.
Là người thọ nhất trong số ba nhà chí sĩ kết nghĩa gây nên phong trào Duy Tân, cụ Huỳnh từng ngâm ngợi thơ ca hào hùng của Trần Quý Cáp “...người nghĩa sĩ phải gánh can trường vũ trụ”..., từng nghe vang ngân lời lẽ đanh thép của cụ Trần trước mặt bọn quan lại tham nhũng Nguyễn Mai - Phạm Ngọc Quát: “Tưởng quý ông nên xét lại việc chính có đồi bại hay không, rồi sửa sang lại cho thích đáng thì tự nhiên dân yên nghiệp làm ăn. Không ai xúi dân làm điều gì được nếu chỉ là vì ý riêng. Bằng vì dân mà làm, vì dân mà lo, không bảo hộ cũng vâng, không ra oai họ cũng khép nép kính phục vậy”. Rồi bỗng cụ Huỳnh sửng sốt nhận được lời thơ di mệnh của bạn: “...Thà chết, chết trong hơn sống đục. Ai mà sợ chết, chết như chơi!”
Cụ Huỳnh đến Côn Đảo, được gặp lại Phan Châu Trinh, người vừa ra đảo trước tiên, mở đầu sổ tù chính trị tại đây với bài thơ ứng khẩu đầy phí khách: “... làm trai nào sợ cái Côn Lôn”, sau khi đã hùng hồn biện bác tại hội đồng vấn xử: “Các ngài ngồi trên đầu dân ăn lộc nước... bổng ấy không phải là máu mủ của dân sao? Thế mà cứ ngồi ăn lịt, không lo vì dân mở đường sinh kế, toan công việc lợi, để cho nó cùng vô sở xuất, không biết lấy chi nộp thuế mà rủ nhau đi làm hạ sách, đi yêu cầu như thế, ấy là cứu các ngài, các ngài không biết tộ thì chớ, lại đổ cho người khác sao?”. Mười tám năm sau, cụ Huỳnh nói lời vĩnh quyết cụ Phan sắp mất: “Hai ta được thấy nhau trên trần gian này một khoảng ngắn ngủi cũng đủ rồi; can trường bình sinh đã soi dọi nhau, không cần bàn nhiều”.
Cùng chung chí hướng, cùng chung quyết tâm, nhưng vẫn mỗi người một vẻ có khác nhau. Nếu Phan Châu Trinh được coi là người khởi xướng, mãi bôn ba mở đường, nếu Trần Quý Cáp thành vị chủ trì hăng hái, mạnh về tổ chức thực tiễn, thì Huỳnh Thúc Kháng lại là người tham mưu tỉnh táo, ham tích lũy kiến thức học thuật, sau đó trở thành nhà nghị luận, nhà báo và nhà sử học kiên trì tư tưởng Duy Tân. Cái tạo nên nhân cách Huỳnh Thúc Kháng trước sau vẫn là bản lĩnh của chính cụ, cả trong việc tiếp thu ảnh hưởng tốt đẹp của tân thư, của đồng chí và bầu bạn cũng như trong việc truyền bá tư tưởng, hành động mới cho các thế hệ nối tiếp.
Trong bài “Phải chăng là cái số trước phúc đầu họa” đăng trên báo Tiếng Dân vào năm 63 tuổi, cụ Huỳnh vốn không tin có số mạng, vẫn ngạc nhiên thấy mình “thường hay bị chấm đầu sổ về những việc mà tự cụ không ngờ trước”. Trong học hành, thi cử cụ đã gặp nhiều cái không ngờ, từ “tứ khóa liên ưu”, “tứ niên liên ưu” đến đỗ đầu liên hai khoa, giật cả Hương nguyên lẫn Hội nguyên. Đến cái “Tù nguyên” lại càng không ngờ hơn nữa, bởi cụ vẫn tự coi mình là “tên lính phụ thuộc thôi”, vậy mà rốt cuộc cụ lại “đứng đầu sổ tù chung thân Côn Lôn”. Tới khi ra tù, ứng cử dân biểu, cụ lại thắng cử với số phiếu cao và được bầu làm nghị trưởng, “cái nghị trưởng không ngờ” vì cụ vốn “không biết vận động cái gì”. Đến hồi cùng anh em tính chuyện ra báo “Tiếng Dân”, cụ lại được cử phụ trách, “cái chủ nhiệm và chủ bút tờ báo cũng không ngờ nốt”.
Như chúng ta đều biết, sau này còn có những điều không ngờ khác nữa đến với cụ Huỳnh, khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra đảm đương chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt, nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), đặc biệt trong thời gian Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán, cụ được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thật ra thì qua bao nhiêu sự kiện đầy ngẫu nhiên như vậy, chúng ta vẫn nhận ra được điều cốt yếu có tính quy luật và xuyên suốt là nhân cách cao đẹp của cụ, bao gồm cả bản lĩnh, đức độ và tài năng cống hiến cho dân, cho nước, hết mình và trọn đời.
Trong thư báo tin tổ chức lễ quốc tang cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật phẩm cách cao đẹp của “vị chí sĩ tiền bối”: “...Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao...Cụ Huỳnh là một người “giàu sang không làm siêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan”. Điểm nổi bật trong nhân cách Huỳnh Thúc Kháng phải chăng là cái “can trường” lớn lao, dám cùng hai bạn Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp nhận rõ thực trạng nguy khốn của nhà nước, dám tìm tòi đổi mới, kiên trì vận động Duy Tân tự cường trên cơ sở đấu tranh xác lập dân quyền, mở mang dân trí, phát triển thực nghiệp theo gương các nước văn minh nhằm làm cho dân giàu nước mạnh, tạo điều kiện và thời cơ giành lại độc lập, chủ quyền. Cái chí khí “lấp biển dời non” ấy đã được biểu hiện ra bằng hành động cụ thể, trước hết bằng việc dứt khoát từ bỏ con đường quan quyền, dù cụ đã đỗ Tiến sĩ, và mở ra con đường đấu tranh cho quyền dân.
Qua Huỳnh Thúc Kháng tự truyện (viết dở dang, chỉ đến năm 1942), chúng ta biết cụ Huỳnh từ chối làm quan ngay từ đầu và đã có 7 lần khước từ như vậy. Lần thứ nhất, ngay sau khi đỗ Tiến sĩ, cụ “liền cáo bệnh về nhà làm điếu ông”. Lần thứ hai, sau khi có chỉ bổ dụng làm giáo thọ Điện Bàn, cụ lại viết giấy cáo từ. Lần thứ ba, sau khi mãn hạn tù Côn Đảo về. Vào năm cụ khai phục hàm Tiến sĩ, lúc Khâm sứ Pasquier “lấy quan chức ra nhử”, cụ Huỳnh “nghiêm sắc mặt” nói: “Tôi là một quốc dân Việt Nam, đã thăm dò rõ việc dân, nên phải nói rõ, còn việc làm quan chẳng là điều sở nguyện”, rồi “cười một cái, cáo biệt”. Lần thứ tư, khi có trát bố đi làm ở Cổ học viện, lương tháng 60 đồng, cụ lại viết đơn từ chức, trong đó có câu: “Ngày trước từ chức giáo thọ Điện Bàn, đã sinh ra lụy tới thân gia, nay nhận chức thuộc viên tại Cổ học, còn mặt mũi nào?”. Lần thứ năm là lần cụ Huỳnh từ chức Nghị trưởng và nghị viện dân biểu khi “đã thấy rõ chân tướng của nó” và sau khi đọc diễn văn chỉ trích gắt gao chính sách của Chính phủ Pháp tại Trung Kỳ, lúc Khâm sứ Jabouille đọc đáp từ ra mặt bác bỏ, từ khước mọi kiến nghị nêu lên. Lần thứ sáu, trong “bức thư gửi Kỳ ngoại hầu Cường Để” năm 1944, cụ Huỳnh đã “trả lời khéo” do Nhật ủy thác Cường Để nhờ cụ làm công việc “sào mũi”, “liên lạc”. Lần thứ bảy trong “Bức thư trả lời chung...” viết năm 1945, ngoài việc lên án chủ nghĩa thực dân với mọi chính sách dã man tàn bạo của nó, cụ Huỳnh còn nêu rõ lý do khiến cụ không thể cộng tác với người Nhật và chính sách Đại Đông Á của họ, sau đó nhiều lần Nhật sai Bảo Đại mời cụ Huỳnh đứng ra thành lập nội các, bị cụ Huỳnh thẳng thừng từ chối.
Khi làm thơ khóc cụ Trần Quý Cáp: “...Quyết đem học mới thay nô kiếp - Ai biết quyền dân nảy họa nguyên”, cũng là lúc bị bắt đày Côn Đảo, cụ Huỳnh viết bài “Lưu biệt” nêu rõ ý chí kiên định đầy lạc quan của mình: “Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết. Người ở đời đâu khỏi tiết gian nan... Nọ núi Ấn này sông Đà. Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt... Dẫu đến lúc núi sập biển lồi trời nghiêng đất ngả. Tấm lòng vàng tạc đá cũng không mò. Trăng kia khuyết đó lại tròn”.
Qua Thi tù tùng thoại của cụ Huỳnh, chúng ta hình dung được ít nhiều nạn khổ sai cùng cực của những người tù chính trị đầu tiên ở Côn Đảo, sự rèn luyện qua lao động hành dịch của các cụ trong các trại cây, xưởng mộc, xưởng làm đồi mồi, hiệu buôn... Ngoài việc kiên trì tự học tiếng Pháp ngay từ sau khi đến đảo, chủ yếu bằng cuốn từ điển Việt - Pháp của Trương Vĩnh Ký, cụ vẫn cùng bạn đồng chí dùng thơ văn xướng họa để nuôi dưỡng ý chí: “Ở tù mà dùng thi văn xướng họa để di dưỡng tinh thần không phỏng hại gì mà sự bổ ích rất rõ ràng. Trong trường học thiên nhiên (1908 - 1921) cả bạn đồng thời với tôi, cả thân sĩ cho đến người dân, kẻ chết không nói, người còn mà được tha về, vẫn giữ được một tấm lòng không thay đổi”.
Đọc thơ ca trong tù của cụ, chúng ta cũng càng thấm thía nỗi niềm son sắt của cụ: “Nước non hẹn vẫn lòng ôm chặt...”, “...ngoài đã tinh thuần, cứng ở trong”. “... trong người rèn đúc lòng như sắt...”. Có những câu đầy tâm huyết: “vẫn cầm cái chết như không. Chưa nên một việc tấm lòng chưa cam” và cũng đầy lạc quan: “buổi mai đã hỏng hẳn trông buổi chiều”. Tinh thần lạc quan đó, mãi về sau vẫn còn nồng đượm trong cụ: “Gắng gắng thẳng dằm ta bước tới. Góc trời đã ló bóng dương quang”. Và phải chăng với bài thơ bốn câu “Cường quyền nào kể lý bao nhiêu. Ngòi bút mềm thua sắt cứng nhiều. Lò tạo nếu dung tay thợ khéo. Thử đem mày đúc lưỡi gươm đeo” ngay từ những năm bị lưu đày, nhà chí sĩ của chúng ta đã nghĩ đến việc lấy ngòi bút làm vũ khí đấu tranh và do đó, sau khi mãn hạn tù về, cụ sẽ đứng ra lập báo Tiếng Dân?
Cụ Huỳnh thường gọi mình là “nhà cách mạng công khai”, phải chăng không chỉ do không hoạt động bí mật mà cụ tự chọn phương thức đấu tranh trực diện vì quyền lợi nhân dân? Trong số nhiều giai thoại về những cuộc đấu tranh “nảy lửa” của cụ, nổi bật lên các vụ Huỳnh Thúc Kháng - D'Elloy và Huỳnh Thúc Kháng - Jabouille. Ngay trong kỳ hội đầu tiên của Viện Dân biểu Trung Kỳ, cụ Huỳnh đã đọc diễn văn trình bày ra giữa trị trường mọi thảm trạng trong cuộc sống cùng cực của nhân dân. Ngay trong kỳ hội này, tòa Khâm sứ tự tiện sửa chữa biên bản các cuộc họp, bị cụ Huỳnh phản đối kịch liệt. Để trả miếng, nhân việc một số dân biểu đòi tiền lộ phí, quyền Khâm sứ D'Elloy liền gửi thư mạt sát toàn Viện, ý nói dân biểu chưa làm được việc gì mà chỉ chăm chú chuyện tiền nong. Trong tờ phản kháng gửi Khâm sứ Trung Kỳ và Toàn Quyền Đông Dương, dưới ký tên Huỳnh Thúc Kháng cùng 40 dân biểu, có câu: “đã làm cơ quan chính trị thì khoản lộ phí nhật cấp, dân biểu có quyền được hưởng. Kìa những con một trong kho nhà nước, con đỉa hút máu dân, sao không nói mà chỉ trách dân biểu đòi tiền lộ phí”. Cuối cùng chính viên Toàn quyền Pasquier phải gửi thư trực tiếp xin lỗi. Đến kỳ hội năm 1928, cụ Huỳnh lại đọc diễn văn chỉ trích chính sách của nhà nước bảo hộ ở Trung Kỳ, gây nên ba tệ nạn chủ yếu là “học giới bó buộc”, “tài nguyên kiệt quệ”, “hình luật phiền lụy” và lên tiếng đòi ban bố hiến pháp. Trong bái đáp từ, Khâm sứ Jabouille chẳng những trắng trợn bác bỏ, khước từ những kiến nghị trên mà còn ngang nhiên chà đạp những quy tắc dân chủ sơ đẳng ở chốn nghị trường, dùng lời lẽ thô bỉ hăm dọa cụ Huỳnh, xem cụ như kẻ phiến loạn cần trấn áp. Nhận rõ thêm bộ mặt thật của nhà cầm quyền, cụ Huỳnh công khai từ chức nghị trưởng, cả chức nghị viện dân biểu và sau đó công khai nêu rõ lý do qua một bức thư trả lời chung mang tên “Mấy lời tâm sự” đăng trên báo Tiếng Dân.
Trong thời gian 16 năm làm báo Tiếng Dân cũng đã xảy ra không ít vụ đụng độ qua đó cụ Huỳnh vẫn tiếp tục nêu cao khí phách bất khuất, đáng kể nhất là những vụ bênh vực quyền dân, chống quan lại tham nhũng và những vụ kiên cường bác bỏ áp lực nhà cầm quyền đương thời đối với báo chí. Có lần báo Tiếng Dân lên tiếng tố cáo một viên tri phủ ở Bình Thuận ăn hối lộ, viên này đâm đơn kiện lên Bộ Hình, Bộ này giao lại hồ sơ cho tòa án Nam triều Thừa Thiên xét xử. Mấy lần nhận được giấy gọi của tòa án, cụ Huỳnh vẫn một mực từ chối ra trước tòa, viện lẽ Nam triều chưa có luật báo chí, vả chăng báo Tiếng Dân xuất bản do Nghị định của toàn quyền Đông Dương. Vào những năm 1929-1930, tổng đốc Quảng Nam nổi tiếng nhũng lạm Ngô Đình Khôi và thuộc hạ vô cớ bắt giam hai ông Nguyễn Hòe và Phạm Cự Hải, nhằm trả thù vặt và khảo của, sau nhiều lần báo Tiếng Dân lên tiếng can thiệp không kết quả, cụ Huỳnh đã cho điều tra sự việc kỹ càng rồi gửi hồ sơ sang Hội Nhân quyền ở Pari nhờ can thiệp với Chính phủ Pháp; và sau khi Paul Reynaud, tổng trưởng thuộc địa Pháp sang thăm Đông Dương ghé Huế, cụ Huỳnh liền gặp trực tiếp và nên rõ: “Tôi không có ý bênh vực cá nhân hai người ấy, song quan lớn sang khảo sát tình hình Đông Dương, tôi xin nêu tất cả chứng cớ một vụ oan khiên trong hàng trăm nghìn vụ khác để quan lớn biết thêm tình trạng nhân dân Việt Nam dưới quyền bảo hộ của nước Pháp”.
Về áp lực của nhà cầm quyền đối với báo Tiếng Dân có hai vụ đáng kể nhất. Báo Tiếng Dân có lần không chịu đăng nguyên văn một bản tin do tòa Khâm sứ Trung Kỳ nhờ đăng. Khâm sứ Jabouille gọi dây nói sang dọa đóng cửa tờ báo. Cụ Huỳnh dõng dạc trả lời: “Tôi nghĩ việc cho đăng hay không đăng một bài gì lên mặt báo là quyền của chủ nhiệm báo; cũng như cho xuất bản hay đóng cửa một tờ báo là quyền của chính phủ. Nay quan lớn cất cái quyền ấy của tôi đi thì chẳng khác nào quan lớn đã đóng cửa tờ báo Tiếng Dân rồi vậy. Mà tôi cũng không trông mong gì hơn, vì dưới quyền ngôn luận quá chật hẹp, tôi thấy nhiệm vụ của tôi đối với nhân dân qua nặng nề”. Lần cuối cùng dẫn đến việc đình chỉ xuất bản báo Tiếng Dân năm 1943 bằng một nghị định của Toàn quyền Decoux. Thực ra đây là sự đụng độ trực tiếp giữa cụ Huỳnh và Sogny - Chánh mật thám Trung Kỳ kiêm trưởng ty Kiểm duyệt, nhân một tờ báo Tiếng Dân bàn về Truyện Kiều, đoạn trên ca ngợi giá trị tác phẩm nhưng đoạn dưới lại lên án chủ trương coi truyện Kiều là quốc hồn quốc túy, một vấn đề từng gây tranh luận sôi nổi trước đây nay bột phát trở lại do việc Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes cho phát hành sách của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh có những bài viết về vấn đề trên. Sogny tự tay dùng bút chì xanh gạt bỏ phần sau bài báo rồi gửi thư sang yêu cấu tòa soạn “đăng nguyên văn phần mà kiểm duyệt không bỏ” và hăm dọa nếu không tuân, chính quyền sẽ có biện pháp xử lý. Cụ Huỳnh liền bảo nhà in gác lại hẳn, không đăng bài báo với phần mà bút chì xanh kiểm duyệt còn chừa lại và thản nhiên chờ biện pháp xử lý của nhà cầm quyền thực dân.
Suốt đời vì dân vì nước là điều cốt lõi trong nhân cách Huỳnh Thúc Kháng. Ngay từ buổi đầu vận động Duy Tân, qua các bài thơ “Khuyên con đi học”, cụ Huỳnh đã nêu điều này thành yêu cầu đầu tiên: “Muốn cho đứng vững giữa trời. Phải thương nòi giống một lời đinh ninh”. Trong bài thơ viết nhân có cuộc tranh luận dân quyền trong anh em tù Côn Đảo, cụ Huỳnh nêu rõ quan điểm của mình, quan điểm tạo phúc cho dân, cả vật chất lẫn tinh thần: “Mối họa sử nô cần phải đốt. Dân khôn, quyền nước sẽ không vừa. Hãy chăm tạo phúc nhân quần đấy. Tượng Phạm Ly nào kém kẻ xưa”. Phát triển tư tưởng này thành quan điểm chăm lo cho dân an cư lạc nghiệp, trong bài “Sao gọi là tri ân” đăng trên báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh viết: “...Chim yên trong rừng, rừng càng động thì chim phải bay cuống; cá yên dưới nước, nước càng khuấy thì cá phải chạy toang. Nay không trách người động rừng khuất nước mà quy tội cho chim cá hay xao xuyến, không phải là trái tự nhiên sao?”.
Cụ Huỳnh đã từng phê phán Nho giáo “toàn những thuyết của Khổng Tử nói chính trị chỉ chú trọng vua quan mà ít nói đến dân, dân chỉ ngồi không mà chờ trên sắp đặt lo liệu cho mình. Không những cho dân không cần phải lo việc mình mà lại cho dân là hư hèn, không được tự do nữa”. Cụ còn chỉ trích lối học đua đòi quan chức học hàm học vị và đề xướng cái “học làm người”: “Mới cắp sách đến trường mà trong não đã mơ đến chức nọ hàm kia, thấy người ta lên xe xuống ngựa mà cũng ao ước cho được cửa cao nhà rộng, thì cái bả hư vinh, cái mồi phú quý ấy chắc không sao nhắc nổi ta lên địa vị “làm người chân chính” ở đời được. Vậy ta muốn tránh khỏi hai tiếng hư vinh thì cần phải “học làm người”. Không phải nhất định có cắp sách đến trường và thi đỗ bằng này bằng nọ, nhưng chính là cái gương kim cổ mà học theo, làm cho hết nghĩa vụ đối với nhân quần xã hội”.
Cụ Huỳnh đã từng tiên đoán rằng “trên địa cầu này, dân chính là vị chủ nhân ông, không ai giành được mà không ai cãi được” và “cái nghĩa chân chánh chữ dân từ đây về sau như mặt trời mới mọc, rồi ra không mây mù gì che đậy cả”. Trong thơ, cụ viết “Dưới đất trên trời, giữa có dân”. Cụ suốt đời gắn bó với nhân dân, cả trong lý trí lẫn trong tình cảm, điều đó chan chứa và thắm đượm trong hành động cũng như trong thơ văn của cụ. Chính từ đây đã nảy sinh nhiều bản văn đanh thép, nhiều bài thơ ý vị của cụ, dùng ngay lời lẽ dân gian quen thuộc để phê phán nhân tình thế thái và cho thấy tâm hồn vô cùng nhân hậu của cụ đối với nhân dân, nhất là nhân dân lao động, từ người làm nông, làm thợ, buôn gánh bán bưng đến người miền núi, dân nghèo thành thị trước thiên tai dịch họa chồng chất. Đây là cả một hệ thống quan điểm tiến bộ, không chỉ trong buổi đầu thế kỷ mà cả trong quá trình tiến triển của lịch sử dân tộc.
Hồ Hoàng Thanh