www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ngõ nguồn sông Tiên

Tiên Phước là miền quê có vị thế chiến lược quan trọng ở mạn tây nam đất Quảng. Phía đông là đồng bằng duyên hải. Phía tây là vùng rừng núi Trà My. Nằm ở khu vực đệm, Tiên Phước trở thành cửa ngõ để lên rừng hay xuống biển, vì thế, sau Hiệp định Paris - 1973, địch tăng cường các sắc lính đến đồn trú tại địa bàn xung yếu này.

 Đồn trú tại địa bàn Tiên Phước lúc bấy giờ, ngoài Tiểu đoàn quân chủ lực đóng ở Chi khu Quân sự quận và Đồi cao Phước Mỹ, còn có Tiểu đoàn Biệt động quân 77. Dẫu vậy, địch vẫn không yên tâm. Mùa hè năm 1974, Liên đoàn Địa phương quân 916 được tăng cường lên Tiên Phước. Bọn chúng chọn đồi Mù U ở ngay phía trước nhà tôi để xây dựng trận địa pháo. Hồi đó, tôi là cậu bé vừa qua tuổi 15. Theo đám bạn cùng trang lứa, tôi lên Mù U xem bọn chúng cày ủi đỉnh đồi, căng poncho hạ lều trại rải rác khắp nơi.

Anh Ba tôi đi lính nghĩa quân, thường khuyến khích tôi lên đồi Mù U lượm thuốc bồi đem về đốt chơi, tiện thể bí mật đếm xem có bao nhiêu khẩu pháo và bố trí thế nào. Sau một tuần đào xới bằng xe ủi, xe xúc, trận địa pháo được xây dựng xong to rộng như sân đá bóng. Xe nhà binh trên vài chục chiếc. Đạn pháo đựng trong các hòm gỗ chất thành ụ cao lút đầu người. Có tất cả 10 khẩu pháo. Hai khẩu 155 ly quay nòng về ngõ Phước Thạnh. Còn lại 8 khẩu 105 ly chĩa ra ba hướng: Phước Lộc, Phước Tân và Phước Hòa.

Một góc thị trấn Tiên Kỳ - Tiên Phước.Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Một góc thị trấn Tiên Kỳ - Tiên Phước.

 

Cùng với Tây Nguyên, Tiên Phước được chọn làm nơi nổ phát súng lệnh mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 vào lúc 1 giờ sáng ngày 10.3.1975. Khuya hôm đó, cả xóm Chùa đang chìm trong giấc ngủ bỗng choàng tỉnh dậy bởi những loạt đạn pháo 130 ly bắn cấp tập vào trung tâm quận lỵ Tiên Phước. Nhìn về phía tây, tôi thấy những chớp lửa sáng lòe bùng lên kèm theo những tiếng nổ ùng oàng. Tôi biết “cộng sản” đang nã đạn vào Chi khu Quân sự quận, Đồi cao Phước Mỹ và Trung tâm Tiểu đoàn Biệt động quân 77.

Khi tiếng pháo ngớt cũng là lúc các đồn bót ở quanh nhà tôi như Gò Mè, Hố Tre, Mù U, Dương Hợi, Dương Ươi, Gò Cao… tiếng thủ pháo và tiếng súng tiểu liên nổ ran. Chín giờ sáng, anh Ba tôi từ đâu chạy về bảo với mẹ tôi và những người hàng xóm là ông Điệp, ông Lam, bà Thận, bà Phước… cứ ở nhà đừng chạy xuống Tam Kỳ làm chi. “Lần này, giải phóng thật rồi, không như hồi 72 (năm 1972). Chừ con phải đi, mai mốt sẽ về”. Anh Ba tôi nói rồi ra sau vườn, mất hút. Xế chiều, tôi xuống ngõ rút rơm cho trâu ăn. Ngó qua đồi Mù U, tôi thấy quân ngụy lặng lẽ rút. Băng qua Hố Quờn, trèo lên vườn ông Xã để ra ngõ Đồng Nga, bọn chúng mang ba lô, súng đạn rồng rắn di chuyển…

Sông Tiên chảy qua thị trấn Tiên Kỳ. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Sông Tiên chảy qua thị trấn Tiên Kỳ. 

 

Đến trưa hôm sau 11.3.1975, anh Hai tôi, “nhảy núi lên xanh” hồi năm 1972, mặc sắc phục Giải phóng quân, khoác súng AK về thăm nhà. Cả gia đình tôi mừng vui khôn xiết. Chiều, anh Hai tôi lại khoác súng đi về phía tiếng súng nổ. Anh nói với mẹ: “Con phải theo đơn vị. Thằng Chi (tên anh Ba tôi) ít bữa nữa sẽ về, mẹ đừng lo”. Các chú, các bác ở Đội công tác Phước Kỳ đến thăm mẹ tôi cũng bảo thế. Quả nhiên, mấy hôm sau anh Ba tôi trở về. Cả nhà sửng sốt vì anh về với tư cách của một Xã đội phó du kích Phước Kỳ chứ không phải với tư cách của một tên lính ngụy. Quận lỵ Tiên Phước và quận lỵ Hậu Đức được giải phóng.

Tuy nhiên, tiếng súng vẫn nổ dữ dội ở Suối Đá và trên trời thi thoảng máy bay trinh sát L19 vẫn lượn lờ dòm ngó. Cửa ngõ miền tây đã mở toang. Trung tâm tỉnh lỵ Quảng Tín bị uy hiếp. Để cứu vãn tình thế, địch tăng quân cầm cự tại Suối Đá. Khi tỉnh lỵ Quảng Tín được giải phóng vào trưa 24.3.1975, ở Tiên Phước đã hình thành chính quyền cách mạng. Đến thăm nhà tôi, ông Trần Ninh - cán bộ xã bảo với mẹ tôi: “Thằng Chi khá lắm! Giao cho hắn việc chi hắn cũng hoàn thành tốt”.

Một trong những những nhiệm vụ trọng tâm của những ngày đầu giải phóng là phá gỡ bom mìn ở các đồn bót, rồi trồng sắn khoai, tấn công đồng cỏ để trồng lúa chống đói. Ông Lưu Văn Chính - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước lúc bấy giờ nhớ lại: “Cả huyện có 25 nghìn dân, phần lớn thoát khỏi các khu dồn với hai bàn tay trắng. Huyện đã phải xuất hơn 32 tấn lúa giải quyết cái ăn trước mắt cho dân. Còn về lâu dài phải tăng gia sản xuất…”. Cũng như các xã khác trong huyện, xã Tiên Kỳ (tên gọi mới của xã Phước Kỳ) huy động sức người làm nhiệm vụ trọng tâm. Anh Ba tôi được giao chỉ huy hàng binh tại địa phương phá gỡ bom mìn ở các đồn bót Gò Mè, Hố Tre, Mù U, Dương Ươi, Dương Hợi, Gò Cao, Động Sinh…

Khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cuộc sống dưới chế độ mới ở quê tôi đã cơ bản đi vào nền nếp. Các hội, đoàn thể được củng cố, thường xuyên tổ chức sinh hoạt văn nghệ thu hút đông đảo người xem. Mấy năm sau, cùng với cả tỉnh, khu vực ngõ nguồn sông Tiên rầm rộ thực hiện phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Hơn mười năm làm ăn tập thể “sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn”, do những hạn chế về công tác quản lý, điều hành, các hợp tác xã dần tan rã. Dù rằng, trong khoảng thời gian đó cấp trên đã có chủ trương “khoán 100” rồi “khoán 10”.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI - 1986 với chủ trương đổi mới hội nhập đã mở ra một thời kỳ mới cho đất nước. Và chủ trương đó như luồng gió mới tỏa lan khắp vùng quê Tiên Phước. Được Nhà nước khuyến khích làm ăn buôn bán, người dân ở miền quê hoa trảu trắng khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, đó là làm vườn, phát triển kinh tế vườn. Tiêu, quế, lòn bon… là những loại cây có giá trị kinh tế cao được trồng với diện tích lớn. Tôi vẫn còn nhớ, ở Tiên Phước lúc bấy giờ xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất giỏi. Tiên Cảnh có anh Lê Trường Thi. Tiên Thọ có ông Nguyễn Phút. Tiên Châu có ông Nguyễn Nhàn. Vân vân…

Nhờ thế, cuộc sống của người dân ở các xóm thôn khấm khá hẳn lên. Tuy nhiên, Tiên Phước vẫn còn là một huyện nghèo khó. Giao thông cách trở ảnh hưởng không nhỏ đến việc trao đổi hàng hóa với các nơi khác. Mạng lưới y tế chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Mạng lưới giáo dục cũng hạn chế về nhiều mặt, nhất là cơ sở vật chất, nhiều nơi phải tổ chức dạy và học ca ba. Anh Hai tôi là một trong rất nhiều cán bộ huyện thời ấy, nay đã nghỉ hưu, nói: “Hồi đó mới thoát khỏi tình trạng bao cấp, kinh phí đầu tư cho các công trình phục vụ dân sinh chẳng đáng là bao. Vậy nên, Tiên Phước chưa tạo được nền móng để phát triển kinh tế - xã hội…”.

Người dân ở vùng quê có con sông Tiên hiền hòa thơ mộng với dòng chảy ngược từ đông sang tây nhớ mãi sự kiện trọng đại sau 20 năm giải phóng: Vào mùa thu 1995, cầu Sông Tiên hợp long, chấm dứt cảnh “một huyện chia đôi” trong mùa mưa lũ. Cây cầu bê tông cốt thép hiện đại không những giúp Tiên Phước có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mà còn nối liền miền ngược với miền xuôi. Và rồi vận hội mới lại mở ra cho vùng quê bán sơn địa khi tỉnh Quảng Nam được tái lập vào tháng 1.1997. Tiên Phước được các cấp các ngành quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Bây giờ, sau 40 năm giải phóng và sau 18 năm tái lập tỉnh, diện mạo vùng ngõ nguồn đã khác hẳn xưa. Hầu hết đường giao thông liên thôn đã được bê tông hóa; đường giao thông liên xã đã được cấp phối, thảm nhựa. Điện lưới quốc gia đã tỏa sáng ở các thôn xóm xa xôi khuất nẻo.

Mạng lưới y tế, giáo dục với cơ sở vật chất khang trang. Nhiều học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Ông Hồ Ngọc Biên ở xã Tiên Lộc bảo với tôi: “So với trước đây, bây giờ quê mình “ngon lành” rồi. Hệ thống điện - đường - trường - trạm đã được xây dựng cơ bản”. Cuộc sống người dân ngày được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn khoảng 16% theo tiêu chí mới.

Thị trấn Tiên Kỳ - trung tâm huyện lỵ Tiên Phước từ chỗ chỉ là “phố chợ nghèo mái lá đơn sơ, đường chật hẹp chưa đi đã hết” giờ đây đã mang dáng dấp phố phường với những con đường ngang dọc theo ô bàn cờ, với những ngôi nhà tầng kiểu dáng hiện đại. Trò chuyện với tôi, nhiều người xa quê khi trở về không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của nơi cắt rốn chôn nhau.

Tết Dương lịch 2015, tôi về quê ngồi cà phê với ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện, vui chuyện, ông cho hay huyện đã quy hoạch vùng trồng tập trung các loại cây lâu năm ở khu vực Sơn-Cẩm-Hà, Lãnh-Ngọc- Hiệp; quy hoạch mở rộng thị trấn qua bên kia cầu Bình An… Tôi lại nhớ những lần gặp gỡ chuyện trò với ông Vũ Xuân Sơn - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, ông cũng trao đổi về hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai. Và tôi tin những dự định ấy sẽ trở thành hiện thực, bởi vùng ngõ nguồn sông Tiên bây giờ đã có nền móng vững chắc để phát triển…

                                                   Nguyễn Tam Mỹ - Báo Quảng Nam