Nghiên cứu trồng cây măng cụt ở vùng phù hợp
Tại cuộc họp bàn về nhiệm vụ khoa học - công nghệ của tỉnh mới đây, ông Hồ Quang Bửu cho hay, thời gian tới tỉnh ưu tiên phát triển và khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng cây măng cụt đặc sản ở vùng quê Tiên Phước và một số địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với giống cây này.
“Qua khảo sát, tôi nhận thấy cây măng cụt ở Tiên Phước có giá trị cao hơn, chất lượng, thơm ngon hơn một số nơi. Nếu người dân biết chuyển đổi mô hình từ các loại cây kém hiệu quả khác sang cây măng cụt thì không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trong tương lai” - ông Bửu khẳng định.
Ông Bửu yêu cầu các sở, ban ngành tiếp tục nghiên cứu, xem xét, xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây măng cụt trên địa bàn Tiên Phước và các huyện trung du, miền núi của tỉnh; Sở Khoa học - công nghệ và các ngành liên quan có những nghiên cứu sâu về đặc thù thổ nhưỡng, địa hình, giống cây trồng, các yếu tố liên quan đến loại cây đặc sản này...
Ông Hồ Huy Cường - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cho biết, qua kết quả nghiên cứu cho thấy, vùng trồng cây măng cụt phù hợp trên địa bàn Quảng Nam thuộc các địa phương Tiên Phước (trừ vùng phía tây nam) và Hiệp Đức, tây Đại Lộc, tây Quế Sơn, đông Nam Giang.
Năm 2020, trên địa bàn huyện Tiên Phước có 150ha cây măng cụt, sản lượng đạt 200 tấn, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên vào cuối năm 2020, do ảnh hưởng của thiên tai, cây măng cụt ở địa phương bị ngã đổ diện tích lớn. Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc mới đây đã tài trợ Tiên Phước hơn 9.250 cây măng cụt, bưởi da xanh, cam trị giá hơn 1,1 tỷ đồng để khôi phục vườn cây.
Bích Liên - Báo Quảng Nam