www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Ngày xuân thưởng thức món bánh xèo độc lạ của làng cổ Lộc Yên

 Bánh xèo thì nhiều nơi có và cách chế biến cũng có đôi nét khác nhau nhưng kiểu bài trí bánh xèo thành một mâm bánh “siêu to khổng lồ” vàng ruộm nổi bật trên nền lá lốt xanh mướt mỡ màng thì có lẽ chỉ có ở làng cổ Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. 

Ai đó từng có dịp đến làng cổ Lộc Yên ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, sẽ được tận mắt trải nghiệm cuộc sống của một ngôi làng độc đáo với những gian nhà cổ làm bằng gỗ có tuổi đời cả thế kỷ, nằm giữa những khu vườn cây ăn trái tốt tươi, xum xuê đậm chất miền trung du bán sơn địa.

Tiên Phước được gọi là vùng đất “thập ngũ tiên sa”. Cái tên này gắn liền với huyền tích về 15 vị công chúa nhà trời đã giáng trần nơi đây. 15 nàng tiên ấy mỗi nàng một vẻ, tất thảy đều nết na, khéo tay hay làm, đẹp người đẹp nết. Mỗi nàng ở một chỗ, giờ là 14 xã thuộc huyện Tiên Phước: Tiên An, Tiên Cẩm, Tiên Cảnh, Tiên Châu, Tiên Hà, Tiên Hiệp, Tiên Lãnh, Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Mỹ, Tiên Ngọc, Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Thọ và thị trấn Tiên Kỳ. Mỗi nàng tiên ngự một vùng nên mang đến cho mỗi vùng một vẻ đẹp riêng, đặc trưng riêng, góp phần tạo nên vùng đất nổi danh mang hàm ý được tiên ban phước, đó là: Tiên Phước.

 

ngay xuan thuong thuc mon banh xeo doc la cua lang co loc yen hinh 1Khéo léo bày biện mâm bánh xèo để đãi khách. Ảnh: Nam Phong.

 

 

Làng cổ Lộc Yên thuộc về “nàng Tiên Cảnh”, tức xã Tiên Cảnh bây giờ. Làng tọa lạc trong một thung lũng hình tròn khá đẹp, được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi Rừng Cấm, Đá Bàn, Hố Chò, Rừng Gấm… Dưới các chân núi có nhiều sông, suối và các con mương “dẫn thủy nhập điền” bao bọc lấy ngôi làng.

 

Lại nói về khí hậu, do có sự chi phối của địa hình, nên khí hậu của Tiên Phước mang đặc trưng của vùng khí hậu nhiệt đới - gió mùa, lại có đặc điểm chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng nên mùa mưa thường đến sớm hơn vùng đồng bằng, các tháng 7, 8, 9 thường có những trận mưa dông, mưa núi. Ngược lại, kết thúc khí hậu ẩm lạnh chậm hơn so với vùng đồng bằng, thường vào khoảng tháng Giêng, tháng 2 năm sau. Nhiệt độ bình quân  năm 25oC, cao nhất 40oC và thấp nhất 18oC. Tháng có nhiệt độ cao nhất vào tháng 5, tháng 6.  

Với địa hình khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, đất đai trù phú, huyện Tiên Phước nói chung và xã Tiên Cảnh nói riêng có lợi thế lớn trong việc phát triển mô hình nhà vườn, trang trại với nhiều loại cây ăn quả nhiệt đới nổi tiếng như cam, quýt, mít, bưởi, bòn bon, sầu riêng, măng cụt… khiến cho phong cảnh làng quê vốn đã nên thơ lại càng thêm hữu tình.

Có lẽ chính nhờ đất đai trù phú, khí hậu ôn hòa nên làng cổ Lộc Yên có nhiều thứ sản vật tốt để làm nên nhiều món ăn ngon, trong đó có món bánh xèo tuy dân dã, bình dị nhưng thơm ngon quyến rũ lòng người.

Bánh xèo là món ăn chơi, có ở nhiều địa phương của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi nơi tùy vào điều kiện, sở thích, thói quen và văn hóa mà có cách chế biến khác nhau đôi chút nhưng tựu trung đó là thứ bánh làm bằng bột gạo tráng giòn trên chảo nóng. Bánh có vỏ bên ngoài mỏng, màu vàng, giòn giòn, bên trong là nhân tôm, thịt gà, thịt lợn, giá đỗ, hành... được gập lại thành hình bán nguyệt trước khi ăn.

ngay xuan thuong thuc mon banh xeo doc la cua lang co loc yen hinh 2

 

 

Rất đông du khách đến khám phá tìm hiểu về ngày hội bánh xèo của làng Lộc Yên. Ảnh: Nam Phong

Người tráng bánh phải thật nhanh tay và ước lượng thời gian chính xác thì bánh mới mỏng và giòn đều. Người đổ bánh phải đợi chảo thật nóng, cho dầu ăn vào, chờ dầu sôi mới đổ bánh. Bánh xèo đổ đúng điệu phải có tiếng kêu xèo xèo vui tai khi vừa cho bột vào chảo. Khi bánh chín thì gập đôi lại, đặt ra đĩa rồi ăn kèm với các thứ rau cùng nước chấm.

Bánh xèo cũng là món ăn truyền thống của người dân xứ Quảng, nhất là ở làng Lộc Yên. Hằng năm, cứ vào dịp hội làng, thường khoảng vào cuối tháng 3 Dương lịch, phụ nữ trong làng và các làng lân cận lại tổ chức hội thi đổ bánh xèo.

Cách làm bánh xèo của phụ nữ làng Lộc Yên cơ bản cũng như ở các vùng khác. Đó là đều trải qua các công đoạn cơ bản như: ủ gạo, xay bột gạo, chọn rau, làm nước chấm, đổ bánh, trình bày… rồi thưởng thức. Tuy nhiên, bánh xèo làng cổ Lộc Yên cũng có đôi chút khác nên tạo ra hương vị cũng khác biệt.

Chẳng hạn, bột bánh được làm bằng thứ gạo quê thơm dẻo trồng ở chính ruộng làng. Tôm làm nhân bánh là thứ tôm đất mình nhỏ, vỏ giòn, thịt ngọt thơm và chắc có nhiều ở các sông, suối trong vùng cùng với thịt lợn ba chỉ ngon, giá tươi. Rau ăn kèm có đủ thứ như rau thơm, mùi, hành, rau má, diếp cá, xà lách, hoa chuối, cải xanh… chủ yếu hái từ vườn nhà. Nước chấm ngoài loại nước mắm chua ngọt như thường thấy còn có thêm loại nước chấm chế biến riêng bằng nước mắm cá cơm, gừng và đậu phộng xay nhuyễn nên có màu vàng và sền sệt như tương bần ăn ngon, vị ngọt, mặn và béo ngậy khá lạ miệng.

Ngoài ra, cách trình bày bánh cũng có nét khác lạ và thú vị không đâu có, đó là bánh tráng xong được bài trí trên một cái mẹt tre tạo thành một mâm bánh “siêu to khổng lồ”, phía dưới bánh lót bằng lá lốt tươi, thành ra cả mâm bánh trông như một bức họa được phối khéo léo bằng các gam màu vàng ruộm của bánh, đỏ tươi của tôm, trắng ngần của giá và xanh mơn mởn của lá lốt tươi trông vừa đẹp vừa vui mắt.

Chính cái sự khác biệt về nguyên liệu, cách chế biến và trình bày ấy đã góp phần tạo nên hương vị thú vị riêng cho chiếc bánh xèo của người làng cổ Lộc Yên. Bánh vừa đổ xong thơm, giòn, nóng hổi được cuốn cùng bánh tráng mỏng và nhiều loại rau sống, đặc biệt là lá rau cải xanh. Vị nhẫn đắng của lá cải vừa chống ngấy, vừa đưa đẩy khiến cho hương vị của bánh thêm dậy mùi, đượm vị. Khi ăn người ta lấy một miếng bánh cuốn cùng rau sống và bánh tráng rồi chấm với thứ nước chấm riêng của làng thì phải nói rằng ngon khó tả.

Một điều thú vị nữa đó là khung cảnh thưởng thức bánh xèo ở Lộc Yên thường diễn ra trong không gian của những vườn cây ăn trái tốt tươi mênh mang gió mát. Ngày xuân du khách có dịp đến thăm làng cổ Lộc Yên, thăm những khu nhà vườn xanh tươi viên mãn, khám phá những gian nhà cổ tuyệt đẹp, xem bói Kiều và đặc biệt là được thưởng thức một bữa tiệc bánh xèo do chính các bà các chị làm đãi khách để hít hà cái mùi thơm nức của bánh lan tỏa khắp trong những khu vườn đương trẩy lộc đón xuân cũng như hương vị dân dã nhưng thơm ngon đến khó quên của thứ quà quê bình dị mà thấm đượm nghĩa tình của người dân làng cổ Lộc Yên mến khách.

Nam Phong - Báo Công Luận