Người em hiếu đễ
Nhiều năm qua, người xã Tiên Sơn (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) ai cũng khen Lý Văn Lựu là đứa con hiếu thảo khi thấy anh côi cút làm thuê nuôi người mẹ đau yếu cùng em gái đang tuổi ăn học. Năm ngoái, khi mẹ mất vừa tròn năm, người anh ruột đang sống nhờ nơi quê vợ bất ngờ lâm bệnh nặng rồi thành người tàn phế. Sau khi dốc hết những gì có được để chạy chữa cho anh trai, anh đón cả gia đình người anh về nhà mình.
Nhân lúc anh trai ngồi tựa vào mình để đỡ mỏi vì mãi nằm một chỗ, Lựu chải tóc cho anh.
|
Một người nuôi bốn người
Phải đến gần 12 giờ, Lựu mới từ rẫy trở về nhà. “May được người trong xóm kêu cho trồng sắn xen trong rẫy của họ nên em tranh thủ làm cho kịp”, Lựu vừa nói vừa rửa tay để vào làm vệ sinh cho anh. Được Lựu đỡ dậy, người anh Lý Văn Cúc, 35 tuổi, tươi hẳn lên. Lựu giải thích nhân em gái út (Lý Thị Bảy, học lớp 11) đang nghỉ hè ở nhà trông nom anh nên vợ anh Cúc đưa con nhỏ về thăm ngoại vài hôm. Vừa ăn cơm xong là Lựu đổ hai bao than ra sàng để em gái mang bán.
“Đời thằng Lựu cực từ nhỏ...”, nói về chàng trai 27 tuổi này, người trong làng thường mở đầu như thế. Khó nghèo, Lựu và anh trai xong lớp 2 là phải ở nhà cùng cha mẹ bươn chải kiếm sống. “Năm 1993, cha thằng Lựu chết vì đau dạ dày, lúc ấy mẹ nó còn mang con Bảy trong bụng. Nhìn cảnh mẹ con côi cút sống trong hóc núi sâu, ai cũng thương nhưng chẳng biết làm sao...”, ông Nguyễn Đức Hà, phó chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Tiên Sơn, hàng xóm của Lựu, kể. Năm 2005, gánh nặng gia đình dồn hẳn lên vai Lựu khi anh Cúc trên đường làm thuê phương xa lấy vợ rồi náu nương ở quê vợ. Thương mẹ đã bệnh hoạn lại thương tật vì té ngã, năm 2008, được vay tiền từ ngân hàng chính sách, Lựu dời nhà ra đồng ruộng để mẹ dễ đi lại. Nhưng ở nhà mới chỉ hơn một năm, mẹ Lựu đột tử vì bệnh tim.
Khó khăn vẫn chưa dừng lại với Lựu. Cuối năm 2010, Cúc bị bệnh viêm tuỷ, gục ngay tại chỗ làm thuê ở miền núi Phước Sơn, chuyển đến bệnh viện thì đã liệt nửa người bên dưới. “Chuyện tiền nong chỉ có thằng Lựu lo liệu. Hết tiền bán con bò được sáu triệu rưỡi nó lại đi vay mượn, vào Gia Lai làm thuê để kiếm tiền lo cho anh. Sau gần sáu tháng nằm viện, khi được bệnh viện cho biết bệnh viêm tuỷ của anh khó chữa khỏi, thằng Lựu đành đưa anh về nhà nuôi dưỡng vì vợ chồng thằng Cúc đã trắng tay. Vậy là chừ một mình thằng Lựu nuôi đến bốn người...”, vẫn lời ông Hà.
“Địa phương đang làm cho anh Cúc chế độ trợ cấp 180.000 đồng/tháng. Anh Lựu đúng là thương anh hiếm có, lại còn nuôi đứa em gái ăn học suốt từ nhỏ đến giờ. Quê nghèo, bà con trong làng có giúp chăng cũng chỉ gọi là, không đáng kể...”, ông Châu Cúc, thôn trưởng thôn 1, xã Tiên Sơn. |
Chỉ mong anh sống lâu
Cũng như những ngày nuôi mẹ, Lựu nói anh không thấy cực nhọc vì “mình cực từ nhỏ nên quen rồi”. Lựu chỉ mong có được việc làm mỗi ngày, anh trai bớt bị cái đau hành hạ, người chị dâu chăm sóc anh mình được chu đáo. Từ ngày đưa gia đình anh Cúc về chung sống, Lựu phải cật lực làm lụng để lo cho cả nhà. Ban đêm Lựu đi soi ếch nhái, cá cua trên đồng, trên sông để kiếm thêm tiền. Người chị dâu muốn đi làm góp thêm nhưng thấy anh mình không làm chủ được chuyện vệ sinh cá nhân, Lựu bảo chị ở nhà chăm sóc chồng và con nhỏ.
Thương anh, Lựu lúc nào tỏ ra điềm tĩnh, lạc quan. “Anh đừng buồn. Em sẽ lo cho anh đến cùng mà...”, anh Cúc nhắc lại lời Lựu nói với anh khi rời bệnh viện. Nhưng bà con trong làng đều rõ gánh nặng trên vai anh Lựu không hề nhỏ. “Lo nhất là khoản nợ ngân hàng chính sách 23 triệu đồng đã đến hạn. Rồi khoản nợ 15 triệu nó mượn của bà con để lo chạy chữa cho anh Cúc. Rồi còn chuyện ăn học của con Bảy nữa. Nó học trường xa phải ở trọ, tiện tặn đến mấy mỗi tháng cũng mất ba bốn trăm ngàn...”, chị Nguyễn Thị Lan, tổ trưởng tổ vay vốn, nhà ở kề nhà Lựu, nói. Thương Lựu, người trong làng còn lo cho chuyện tương lai của Lựu. Còn Lựu thì chỉ nói nhẹ: “Em chỉ mong anh Cúc sống được lâu, cả nhà đừng gặp thêm tai ách nữa. Còn người là còn của, em sẽ cố làm lụng để lần hồi vượt qua khó khổ...”
Huỳnh Văn Mỹ - Báo SGTT