www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Nữ "thần y" chữa rắn cắn trên núi Gò Rùa

 Kế thừa "báu vật" từ thời chiến của cha mình để lại, một phụ nữ sống ẩn dật trên núi Gò Rùa đã cứu sống hàng trăm người dân khắp mọi nơi khi bị rắn cắn và chó dại cắn.

Đến huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam hỏi người phụ nữ có biệt tài chữa rắn độc cắn và chó dại cắn thì ai cũng biết đó là bà Trần Thị Tuất ở thôn 2, xã Tiên Thọ của huyện Tiên Phước.

     Ngôi nhà nhỏ nép mình vào lưng núi Gò Rùa, là nơi sinh sống của bốn người gồm bà Tuất và mẹ ruột là cụ Võ Thị Đào (76 tuổi) cùng hai con trai của bà Tuất. Người con trai đầu đang đi bộ đội, còn con trai út đang học lớp 10.



Ngôi nhà của bà Tuất chữa chó dại cắn và rắn cắn trên núi Gò Rùa

       Lúc này, trong nhà bà Tuất có nhiều người dân từ khắp nơi đang đưa con nhỏ, người thân bị chó cắn đến nhờ bà chữa trị giúp. Khi biết chúng tôi là phóng viên đến tìm hiểu về báu vật gia truyền dùng để cứu người bị rắn cắn và chó cắn, bà Tuất nói ngay: “Có chi đâu mà viết báo, ai cũng biết tôi cứu người bị chó cắn và rắn cắn rồi mà. Tôi không muốn phô trương nhiều đâu!”. Nhưng, sau khi được giải thích, bà Tuất đồng ý cho chúng tôi tìm hiểu về báu vật gia truyền của gia đình.

 

                                         Đường vào nhà bà Tuất trên núi Gò Rùa rất thơ mộng.n Zing News

 

        Bà Tuất chỉ vào cục sừng nhỏ màu đen lánh có kích cỡ cao khoảng 2cm, rộng khoảng 1,5cm, đang dính chặt trên chân phải của cháu Lê Văn Vỹ (11 tuổi), học sinh lớp 5 của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản ở xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước được mẹ chở đến nhà bà Tức nhờ cứu chữa giúp vì em Vỹ bị chó cắn và nói: “Cục sừng này đến nay tôi cũng không biết chính xác sừng của con vật gì nữa. Vì, trước đây cha tôi là cụ Trần Hạ đi lính và được mấy người bạn nước Campuchia tặng cho cục sừng này. Lúc họ tặng cho cha tôi, họ còn viết cách dùng cục sừng bằng chữ Campuchia lên tờ giấy và đưa kèm theo cho cha tôi. Nhưng, sau khi rời quân ngũ cha tôi về lại quê nhà cất kỹ không dùng đến khi lúc đó nhà tôi sống ở khu vực lòng hồ Phú Ninh, sau đó gia đình dọn về khu vực núi Gò Rùa làm nhà ở từ đó cho đến nay”.


Hút chất độc xong, bà Tuất lấy cục sừng bỏ vào chén nước dấm để cho chất độc thoát ra ngoài.

        Bà Tuất kể tiếp: “Khi về đây làm nhà ở, một hôm ông Trọng là hàng xóm bị rắn lục cắn sưng phù khắp người, nhớ lại cục sừng của người bạn Campuchia cho nói là chữa được rắn cắn và chó cắn. Cha tôi đem ra và đem cả tờ giấy ghi cách dùng ra đọc và đưa cục sừng vào ngay vết rắn cắn trên người ông Trọng để cho cục sừng hít nhiều lần và từ đó ông Trọng khỏe ngay”.

        Đang xem con gái dùng cục sừng cứu chữa cho cháu Vỹ bị chó cắn, cụ Võ Thị Đào (76 tuổi), mẹ bà Tuất kể: “Từ lúc dùng cục sừng chữa rắn lục cắn cho ông Trọng khỏi bệnh. Sau đó, trong xóm làng ai bị rắn cắn hay chó cắn đều được người nhà bồng, cõng đến nhà là được chồng tôi dùng cục sừng cứu chữa hút hết độc ra ngoài cơ thể và khỏe ngay. Từ lúc ông nhà dùng cục sừng cứu chữa cho người dân bị rắn cắn và chó cắn cho đến năm 2004 ông nhà mất là hàng ngàn người dân được cứu sống đến từ khắp nơi”.


Bà Tuất dùng đũa gắp cục sừng đặt lên vết chó dại cắn để hút chất độc ra ngoài.

       Bà Tuất kể: “Có lần một người dân ở huyện Tiên Phước đi làm rừng bị rắn cắn, nọc độc phát tán khắp người đưa vào Bệnh viện huyện Tiên Phước cấp cứu nhiều ngày nhưng không khỏi mà càng thêm nguy kịch. Người nhà chỉ còn cách đưa về lo hậu sự. Nhưng may mắn lúc đó có người nói là ở xã Tiên Thọ có ông Hạ chữa rắn cắn hay lắm. Nghe được tin này người nhà bị rắn cắn mừng rỡ đã tức tốc chạy xe máy xuống tìm đến nhà và cầu cứu cha tôi. Không chút đắn đo, cha tôi giục người nhà này chở ông cụ đêm theo cục sừng lên ngay Bệnh viện huyện Tiên Phước. Đến đó cha tôi dùng cục sừng đưa vào vết rắn cắn cho cục sừng hít chặt hút hết chất độc trong cơ thể. Khoảng vài ngày, người thanh niên bị rắn cắn khỏe lại và xuất viện về nhà. Ba năm sau, người thanh niên này cưới vợ có xuống nhà “hậu tạ” cho ông cụ một bịch mì chính và thứ gì đó nữa tôi không nhớ rõ”.

        Cụ Đào cho biết, có nhiều người dân bị rắn cắn sưng phù, bầm tím cả người đi không được, được người nhà cõng, bỏ lên võng khiêng đến nhà nhưng chỉ qua vài ngày được cục sừng này hít hết chất độc ra khỏi người là khỏe ngay.


Cục sừng kỳ lạ là báu vật gia truyền do cha bà Tuất để lại.

      Bà Tuất cho biết: “Vào năm 2004, khi cha tôi chết, tôi biết là có người sẽ lợi dụng cơ hội gia đình đang tang gia bối rối sẽ tìm kiếm cục sừng mà lấy đi. Tôi biết vậy đã đem cục sừng qua nhà dì cất giùm. Đúng là có người lợi dụng lúc gia đình có tang mà lẻn vào nhà lục soát nhiều chỗ trong gia đình tìm cục sừng mà không được”.

      Kể từ đó, bà Tuất là người duy nhất trong gia đình được cha mình truyền lại cục sừng và cách dùng cục sừng quý giá để cứu người khi gặp rắn cắn và chó cắn.

       Theo bà Tuất, nếu người dân bị rắn hổ phì, rắn hổ chúa cắn là rất nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không cứu chữa kịp thời chất độc sẽ phát tán khắp cơ thể và chết ngay. Những trường hợp bị các loại rắn này cắn nếu kịp thời đưa xuống nhà bà thì bà sẽ dùng cục sừng này hít khoảng 3 đến 4 ngày là khỏi ngay. Có thể đi lại bình thường. Còn đi xuống chậm thì thời gian dùng cục sừng hít khoảng 10 ngày là khỏi.


Dụng cụ kèm theo cục sừng để hút chất độc rắn cắn và chó dại cắn.

      Mỗi năm có khoảng 20 đến 30 người từ khắp nơi bị rắn cắn, chó cắn tìm đến nhà bà để cứu chữa giúp. Về trường hợp của cháu Vỹ bị chó cắn một tuần này, bà Tuất cho biết: “Cháu Vỹ bị chó cắn một tuần, trên chân phải có hai vết răng của con chó. Chỉ cần dùng cục sừng này đặt lên vết cắn cho nó hít chặt khoảng 30 đến 40 phút là hút hết chất độc ra khỏi cơ thể ngay”.

      Những thứ kèm theo khi dùng cục sừng này chữa rắn cắn và chó cắn là dấm nuôi do tự tay bà làm, bình oxy già và mấy miếng bông y tế. Một chén nước lạnh sạch và một chén nước dấm để bên cạnh. Bà Tuất cho biết, trước hết dùng nước oxy già rửa sạch vết rắn cắn và chó cắn trên cơ thể. Tiếp đến, bà dùng cây gai bẻ ngoài vườn khêu vết cắn ra rồi dùng đôi đũa tre kẹp cục sừng này đặt lên ngay vết rắn cắn và chó cắn rồi tự động cục sừng sẽ hít dính chặt vào vết thương đến khi nào hút hết chất độc ra khỏi cơ thể mới tự động rớt cục sừng ra. Khi cục sừng này rớt ra thì dùng đôi đũa tre gắp cục sừng bỏ vào chén nước dấm nếu vết rắn cắn và chó cắn có độc trong cơ thể người thì cục sừng làm nước dấm trong chén sôi lên. Đến khi nào nước dấm trong chén hết sôi thì đem cục sừng bỏ vào chén nước lạnh sạch để rửa và tiếp tục đặt lên vết rắn cắn và chó cắn hít tiếp.

        Theo bà Tuất, khi chất độc trong cơ thể được cục sừng hút hết ra ngoài thì đặt cục sừng lên vị trí vết rắn cắn và chó cắn sẽ không dính vào da nữa. Vậy là chất độc đã được cục sừng hút hết ra ngoài. Và người bị rắn cắn và chó cắn sẽ không còn nguy hiểm đến tính mạng và đi lại bình thường.

       Theo quan sát, cháu Vỹ được bà Tuất dùng cục sừng đặt lên vết chó cắn thì cục sừng hít dính chặt dùng tay lấy ra cũng không được. Cháu Vỹ nghiêng chân qua lại cục sừng vẫn không rớt xuống đất. Khi cục sừng hút hết chất độc đến lần thứ tư thì bà Tuất đặt cục sừng lên chó cắn của chân phải Vỹ thì cục sừng không dính nữa. Lúc đó Vỹ đi lại bình thường, không còn cảm giác đau chân nữa.

       Bà Tuất cho biết, khi người bị rắn cắn và chó cắn mà đặt cục sừng này lên vết cắn thì người bị chó cắn, rắn cắn có cảm giác tê tê. Khi hút hết chất độc ra ngoài thì cảm giác tê không còn nữa.

Chị Ngô Thị Trí (ở xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) cho biết: “Tôi bị chó cắn 3 ngày nay vết cắn xưng lên và đau chân lắm. Lâu nay ai cũng biết cô Tuất chữa được rắn cắn và chó cắn nên chồng tôi chở tôi xuống nhờ cô Tuất cứu giúp. Tôi thấy nhiều người bị chó cắn và rắn cắn nguy hiểm lắm khi đến nhờ cô Tuất dùng cục sừng này hít vài lần là hết ngay”.

         Bà Tuất cho biết, đến nay vẫn không biết cục sừng mà cha mình để lại là cục sừng của con thú gì nữa. Nhưng, người con trai đầu của bà lên mạng Internet tìm kiếm thông tin về những chiếc sừng của các loài thú thì biết rằng cục sừng mà gia đình mình đang có nếu đi rừng mà mang theo người sẽ trừ được các con thú rừng không đến gần mình.

Bà Tuất kể khi cha mình còn sống có lần một bác sĩ ở Bệnh viện huyện Tiên Phước xuống nhà hỏi mua lại để ở bệnh viện cứu người bị rắn cắn và chó cắn nhưng gia đình bà không bán. Việc dùng cục sừng chữa rắn cắn và chó cắn cho người dân, bà Tuất không bao giờ ra giá cả gì hết. Có người nghèo khó bà cứu giúp không. Ai khá giả thì bà lấy vài chục ngàn đồng mua trầu cho mẹ ăn.

Bà Tuất tâm sự: “Từ khi cha tôi còn sống dùng cục sừng để cứu giúp người dân rắn cắn và chó cắn. Mình làm phước cho người ta, thấy người ta khỏe đi lại bình thường là vui lắm. Gia đình không bao giờ đặt nặng tiền bạc lên trên việc cứu chữa người đâu. Bây giờ ai có mua cục sừng tỷ đồng gia đình vẫn không bán. Đây là báu vật của cha tôi để lại để cứu giúp người”.

                                                           Phú Đông - Báo Petrotimes

Mục sở thị " báu vật" chữa rắn và chó dại cắn