Mô hình nuôi cá lồng trên đập thủy lợi
Mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng tại đập Hố Quốc (thôn 1, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) đã mang lại năng suất hiệu quả kinh tế cao.
Bà Mai Thị Huyền Sanh, Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện Tiên Phước, Quảng Nam cho hay, nhằm đa dạng hóa các đối tượng vật nuôi, phát huy hiệu quả diện tích sông, hồ chứa sẵn có tại địa phương, tăng nguồn thu nhập cho hộ gia đình, năm 2015, Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện Tiên Phước (Quảng Nam) phối hợp với UBND xã Tiên Lộc tổ chức xây dựng mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng tại đập Hố Quốc (thôn 1, xã Tiên Lộc).
Quy mô của mô hình 4.500 con, thể tích lồng nuôi 75 m3 do hộ ông Lê Sim sống tại thôn 1, xã Tiên Lộc thực hiện.
Với kinh nghiệm và kiến thức có được qua lớp tập huấn, chủ hộ Lê Sim đã tự tay thiết kế lồng nuôi cá từ các vật liệu sẵn có là tre, gỗ. Nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết, sáng tạo của chủ hộ nên mô hình đã thành công và mang lại kết quả hơn mong đợi.
Mô hình nuôi cá lồng thủy điện cho năng suất chất lượng cao
Qua thời gian 4 tháng nuôi, trọng lượng cá ước tính đến thời điểm xuất bán là: 0,5 kg/con; cá đạt tỷ lệ sống rất cao, tỷ lệ sống 95%; tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng là 1,2 kg.
Sản lượng ước tính 2.000 kg, với giá bán trên thị trường hiện nay là 40.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản đầu tư trực tiếp như con giống, thức ăn, lồng nuôi và công chăm sóc, điện, hộ gia đình thu lãi gần 35 triệu đồng. Nếu tính thu nhập bình quân cho một tháng nuôi cá thì người nông dân thu được gần 9 triệu đồng/ tháng. Đây là hiệu quả lớn so với việc nuôi cá thả tự do ngoài đập như trước đây.
Theo bà Mai Thị Huyền Sanh, thành công của mô hình có ý nghĩa rất lớn trong việc phát huy hiệu quả kinh tế từ nguồn tài nguyên là các đập thủy lợi sẵn có tại các huyện miền núi, góp phần tạo việc làm và tăng thêm thu nhập đáng kể cho người dân.
Theo Tổng Cục TCĐLCL Online