Ma túy lên… Tiên Cảnh
Nhìn bên ngoài với khung cảnh yên ả, thanh bình và hiền hậu nhưng cái xã thuần nông ấy lại đang bị cơn lốc ma túy hoành hoành. Người dân bức xúc, lo lắng và hoang mang trong khi chính quyền thì loay hoay tìm hướng giải quyết. Tệ nạn xã hội đó đang hiển hiện hàng ngày tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam).
Đảo điên vì ma túy
Đường về thôn 3 xã Tiên Cảnh nằm sâu dưới chân núi Bà Bướm, ẩn mình dưới những tán bạch đàn, ngoằn ngoèo, trơn trượt có đoạn hiểm trở, âm u qua những tán rừng. Anh Đoàn Văn Chính, công an viên của xã đi cùng thỉnh thoảng lại chỉ vào những căn nhà bỏ hoang ven đường hay những bụi cây rậm rì bảo đó là điểm hẹn ma túy của các đối tượng xì ke, chích hút mà công an đã nhiều lần mật phục bắt quả tang.
Trong số gần 200 đối tượng ma túy tại xã Tiên Cảnh thì thôn 3 chiếm số lượng áp đảo các thôn khác với gần 40 đối tượng. Có gia đình cuộc sống quay cuồng, điên đảo vì có năm người con thì đã có 3 người sử dụng ma túy rồi nhiễm HIV và “ra đi” trong tiếng xấu.
Ông Lê Văn Thuấn (64 tuổi) có đến bảy người con (bốn trai, ba gái). Hai người đã chết vì nhiễm HIV/AIDS, một người đang thụ án 7 năm tù giam về tội buôn bán trái phép chất ma túy, người con trai thứ tư mới được về nhà sau 7 năm ngồi trại. Còn lại đứa con út là Lê Văn Lai (28 tuổi) bị bệnh tâm thần bẩm sinh và hai cô con gái đang tất tả mưu sinh ở tận Sài Gòn.
Đường lên xã Tiên Cảnh
Tất tả chân ướt chân ráo lấm lem bùn đất, ống quần xộc xệch thấp cao với khuôn mặt gầy gò và hớt ha hớt hải từ đồng về nhà khi báo có khách lạ. Chúng tôi trấn an ông rằng ghé thăm nhà thôi, ông Thuấn mới thở phào nhẹ nhõm, cái thở phào ấy nhưng người khác nghe vẫn nặng trĩu những u buồn.
Vợ ông Thuấn mất đã lâu, ông một mình bươn chải cảnh gà trống nuôi con. Cuộc sống với 7 đứa con bị bó chặt trong chật vật khó khăn và nghèo túng. Vậy nên, con trai đầu Lê Văn Hồng (42 tuổi) vào bãi vàng huyện Phước Sơn tìm kiếm vận may đổi đời. Mà đổi thật, từ ngày vào ăn nằm với vùng đất được mệnh danh là mỏ vàng của Đông Dương ấy, cuộc đời của Hồng đổi từ “trắng” sang “đen”, từ bình thường chuyển qua nghiện ngập.
Nghiện quá mất sức lao động, Hồng bị chủ hầm vàng “trục xuất” về quê. Nhà ông Thuấn tuềnh toàng nên chẳng có của nả gì có thể đem đi bán. Để có thuốc thỏa mãn cơn nghiện, Hồng kiếm hàng bán cho các con nghiện tại địa phương lấy tiền hút chích và tiêu xài, bị Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang, bị xử và kết án 8 năm tù. Thụ án được hơn một năm thì Hồng qua đời vì HIV/AIDS.
Không những không biết tránh xa vết chân tù tội của anh trai, Lê Văn Hào (40 tuổi), Lê Văn Lợi (31 tuổi) đều là em ruột Hồng và là con trai thứ hai và thứ tư của ông Thuấn cũng sa chân vào con đường nghiện ngập rồi bị bắt về tội buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy vào các năm 2004, 2010.
Tuyên truyền hướng dẫn cách cai nghiện ma túy bằng Methadone
Bi kịch gia đình ông Thuấn vẫn chưa dừng lại khi mà chị Lê Thị Đào (38 tuổi, con gái thứ ba) và con rể là Hồ Đức Liêm (39 tuổi, chồng chị Đào) cũng đã chết vì HIV/AIDS có liên quan đến tiêm chích ma túy vào năm 2007, bỏ lại đứa con gái Hồ Anh Vũ năm nay 16 tuổi. Gia cảnh quá ngặt nghèo, ông Thuấn đành gửi cháu mình vào nhờ cậy trại mồ côi nuôi dưỡng.
Rời nhà ông Thuấn khi trên nền trời mây đen vần vũ. Chỉ vài bước chân là vào nhà ông Hồ Văn Bá khi cơn mưa đổ ào xuống. Ông Bá không giấu giếm: “Nhà chú có năm đứa con trai, một đứa lớn có vợ, có gia đình ở riêng rồi, còn thằng nhỏ đi bộ đội, ba đứa ni có biểu tượng cũng chích, tiêm ma túy”.
Loay hoay quản lý
Tình mẫu tử lâu nay vốn là sợi dây vô hình nhưng vô cùng bền chặt. Bởi đó chính là đứa con do mình mang nặng đẻ đau; là giọt máu hồng với bao hy vọng về tương lai khi con cất tiếng khóc chào đời… Ấy vậy mà, ở cái xã ấy, có những người mẹ ruột đã cắn răng chịu đựng, gạt đi những giọt nước mắt để viết đơn tố cáo con lên UBND xã và nhờ bắt đưa đi cai nghiện. Trưởng Công an xã Tiên Cảnh, ông Trần Văn Điệp, bảo đã tiếp nhận nhiều lá đơn như thế rồi lý giải đó là việc làm đúng, vì họ thương con.
“Ở xã rất đông đối tượng nghiện là do nguồn cung nhiều nên các đối tượng ở nơi khác, ở xã khác, kể cả ở huyện Phú Ninh cũng tập trung về Tiên Cảnh gây nên tình trạng mất an ninh trật tự”, ông Điệp nói thêm. Cũng theo ông Điệp, nếu năm 2004, Tiên Cảnh phát sinh vài trường hợp thì từ năm 2010 trở lại đây, số lượng này tăng vọt bất ngờ. Việc triệt phá các tụ điểm mua bán ma túy, riêng công an xã không thực hiện được, phải nhờ công an huyện và tỉnh, nhưng cũng chỉ bắt được 3 vụ. Điều đáng lo ngại theo ông Điệp là từ nghiện ngập sinh ra trộm cắp, năm nay đã xảy đến 15 vụ…
Hướng dẫn tuyên truyền tận nhà.
Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, Hường Văn Minh bảo rằng xã Tiên Cảnh là xã thuần nông, một hộ nhiều lắm làm 5 đến 6 sào ruộng, hết mùa lên núi trồng rừng kiếm thêm thu nhập nên các đối tượng làm gì có tiền chơi ma túy. Các đối tượng đó hầu như ở các bãi vàng của Phước Sơn hoặc đi làm ăn tại TPHCM thua lỗ, lâm vào ma túy, bị lực lượng chức năng truy bắt nên mới dạt về quê rồi lôi kéo nhau cùng thử, lún sâu vào không lối thoát.
“Trước đây, từ xã tham mưu lên huyện, đủ điều kiện là huyện ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc, tập trung. Bây giờ tòa tuyên án mới cho đi cai nghiện, nhưng do chồng chéo hành chính nên rất khó. Từ đầu năm đến nay, chưa có vụ nào tòa án làm được quyết định dù các cơ quan hành chính vào cuộc rất quyết liệt”, ông Minh chia sẻ.
Không thể cứ ngồi chờ tòa ra quyết định mới đưa người nghiện đi cai nghiện nhất là khi họ cứ nhan nhản ngoài đường. Huyện Tiên Phước đã ra chỉ thị số 18 về việc tăng cường phòng chống các tệ nạn, trong đó có ma túy. Từ đó, huyện thành lập đội liên ngành giải quyết, lấy xã Tiên Cảnh làm điểm vì là xã đông dân, con nghiện tương đối lớn. Qua gần 7 tháng, hiệu quả thấy rõ. Đã phân loại được đối tượng, phối hợp với gia đình giải quyết. Giao huyện đoàn lập đề án giải quyết căn cơ đối tượng nghiện ma túy.
Ông Minh nói thêm: “Đây là chuyện dài kỳ, sống còn vì sắp tới huyện Tiên Phước xác định kinh tế vườn, trang trại và du lịch sinh thái là mũi nhọn. Nếu không giải quyết căn cơ tệ nạn may túy, việc phát triển theo kế hoạch sẽ rất khó khăn, nhất là du lịch. Khách có ý định đến tham quan mà nghe về tình hình đối tượng nghiện như thế, ai dám đến. Trong khi đó, Tiên Cảnh là nơi có sản phẩm du lịch lớn, tiềm năng lớn như làng cổ Lộc Yên với những ngôi nhà cổ đẹp, còn nguyên trạng hàng trăm năm nay, những bờ đá rêu xanh cổ kính… Vì vậy, việc giải quyết tệ nạn này càng bức bách”.
Bước đi sắp tới, theo ông Minh, là huyện chi kinh phí làm xưởng tỉa trầm. Sau đó, đề nghị chủ xưởng tuyển dụng một số đối tượng đã tự cai nghiện vào làm việc, huyện sẽ trả tiền công cho các đối tượng này. Khoảng 5 đến 6 tháng sau, khi các đối tượng này có tay nghề, tỉa được trầm thì chủ xưởng nuôi cơm, huyện ngừng trả tiền công. Sau một năm, những người này làm được việc, khi đó chủ xưởng sẽ vừa nuôi cơm, vừa trả công. Huyện động viên, kiểm tra, động viên chủ xưởng, nếu thiếu gì sẽ hỗ trợ cái đó. Ông Minh nói lặp đi lặp lại: “Chứ nếu không lao động, dứt khoát sẽ tái nghiện”.
Hà Minh - Báo Sài Gòn Giải Phóng