Một người Quảng, văn Quảng gai góc
Nghề báo giúp anh hiểu biết sâu sắc hơn về đời sống xã hội, cung cấp cho anh nhiều chất liệu, nhiều cảm xúc để sáng tạo nên những tác phẩm văn học. Khâm phục nhà văn Vũ Trọng Phụng và sức sáng tạo của ông, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ cũng quan niệm viết văn như thần tượng của mình là “viết thật, viết đúng sự thật”. Sau nhiều năm cầm bút, khi nhìn lại để nói về mình, anh tự họa: “...
Ngoảnh nhìn lại nửa cuộc đời cóc gặm/ Bằng phẳng nhiều, lao đao cũng lắm/ Cộng lại/ Chia ra/ Cũng xứng mặt Thằng Người”.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ tên thật là Thái Nguyên Tài, sinh năm 1962, quê ở làng Đông An, xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành), nhưng sinh ra và lớn lên ở làng Lâm Bình, thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước, Quảng Nam). Hiện công tác tại Báo Quảng Nam; là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyên gốc anh là họ Nguyễn, ở làng Đông An.
Do gia đình bên ông nội anh đông con, nhưng đều mất sớm nên đã đưa cha anh vào chùa gửi. Sau đó cha anh được ông Thái Khải Vinh nhận làm con nuôi và đổi từ họ Nguyễn sang họ Thái, về sinh sống tại làng Lâm Bình. Nhà văn kể: “Anh em ông Vinh là một người hay chữ lại giàu có nhất trong vùng. Làm con nuôi của ông, ba tôi được dạy dỗ chu đáo nên thông thạo chữ quốc ngữ, chữ Hán, am hiểu về nghề thuốc và rất rành về lý số. Đặc biệt là ba tôi rất mê Truyện Kiều. Tôi viết truyện ngắn “Người mang hai họ” in trong tập “Ma và người” là kể về lai lịch của hai dòng họ Nguyễn - Thái của gia đình tôi”.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ ( Thái Nguyên Tài)
Cha anh là một người yêu văn chương, mê truyện Kiều nên đã hun đúc lòng yêu văn học trong anh. Thời chiến tranh, gia đình anh sống trong ấp chiến lược, gần nhà anh có bà cụ Triết. Bà không biết chữ nhưng thuộc làu Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phạm Công - Cúc Hoa... và vô vàn chuyện cổ tích. Anh rất thích bà kể chuyện nên thường đến nhà bà chơi. Anh mê văn chương từ đó...Đến với văn chương thoạt đầu bằng thơ, nhưng rồi nhà văn Thanh Quế lúc đó làm Tổng biên tập Tạp chí Đất Quảng, khuyên anh nên viết văn vì tạng anh viết văn hợp hơn. Năm 1989 anh viết tác phẩm đầu tay là bút ký “Hoàng hôn quê ngoại” được báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đăng ngay. Phấn khởi, anh viết tiếp bút ký “Tiếng chim không báo điềm lành” đăng trên tạp chí Đất Quảng.
Hai bút ký này đã gây bao tai họa không chỉ cho anh mà còn liên lụy đến nhiều người khác. Anh kể: “Lúc bấy giờ, tiếng vang trong dư luận của hai bút ký “Hoàng hôn quê ngoại” và “Tiếng chim không báo điềm lành” khiến lãnh đạo địa phương “nổi trận lôi đình”, đến mức tôi phải trốn chạy khỏi quê ra Đà Nẵng. Cũng may, lãnh đạo tỉnh can thiệp với huyện, nhờ thế tôi mới được yên thân. Tuy nhiên, nhà văn Thanh Quế bị kiểm điểm tơi bời, suýt chút nữa mất chức. Còn anh trai tôi đang làm Phó ban Tổ chức huyện bị thuyên chuyển lên Ban Tổ chức tỉnh ủy làm nhân viên. Được cái nhà văn Thanh Quế không sợ, khuyến khích tôi viết. Còn anh trai tôi cứ cười: “Quan nhất thời, dân vạn đại. Chú thấy đúng, cứ viết”.
Tác phẩm " Sấp ngửa bàn tay"
Tuổi thơ sống trong chiến tranh cộng với quãng thời gian làm người lính bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và trên đất bạn Campuchia đã cho anh nhiều trải nghiệm, cảm xúc để viết, phản ánh về chiến tranh trong những tác phẩm của mình. Rời quân ngũ, chuyển sang làm báo, anh có nhiều điều kiện tìm hiểu về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ở Quảng Nam với những chuyện còn ẩn khuất vì nhiều lý do. Từ những thực tế đó đã thôi thúc anh viết văn với tất cả nỗi băn khoăn trăn trở của một người cầm bút. Với sự hiểu biết sâu sắc, sự lao động miệt mài, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ đã cho ra đời một số tiểu thuyết viết về chiến tranh gây tiếng vang trong làng văn và công chúng, như tiểu thuyết “Máu và Tội ác”.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ còn có những tiểu thuyết “gai góc” phơi bày bộ mặt của những cán bộ tha hóa tha hóa biến chất, những con người cơ hội luôn tìm mọi cách nhằm vụ lợi cho cá nhân, như tiểu thuyết “Sấp ngửa bàn tay”. Anh bày tỏ: “Có vị “cán bộ to” cho rằng tôi cố tình vẽ nên một bức tranh xã hội u ám. Nhưng mấy năm sau chính vị “cán bộ to” đó lại bảo rằng tác phẩm của tôi đã phản ánh đúng hiện thực đời sống xã hội trong thời buổi kinh tế thị trường”.
Gần 30 năm cầm bút viết văn, dù lắm lúc “lên bờ xuống ruộng”, nhưng điều an ủi với anh là bạn đọc luôn quý trọng, yêu mến anh, dõi theo bước đường sáng tác của anh. Những “nhân vật” ngoài đời được anh cho hóa thân bước vào trang sách, theo thời gian, khi hết quan hoàn dân lại đến nhà thăm chơi và động viên anh tiếp tục viết.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ đoạt giải 3 cuộc thi truyện ký do Báo Văn Nghệ, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức 1989 (Bút ký Hoàng hôn quê ngoại); Giải Khuyến khích cuộc thi viết về đề tài phòng chống ma túy do Bộ VH-TT tổ chức 2002; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ I (2009) |
Đức Khôi - Báo Lao Động & Xã Hội