Một gia đình yêu nước ở Thạnh Bình
Làng Thạnh Bình xưa, xã Tiên Cảnh hôm nay, nằm bên kia con sông Tiên hiền hòa thơ mộng của vùng quê Tiên Phước. Lâu nay, khi nhắc đến làng quê này, nhiều người nghĩ ngay tới cụ Huỳnh Thúc Kháng, ít ai biết rằng, đấy cũng là quê hương của cụ Lê Vĩnh Khanh - một bậc đại khoa và cũng là một gia đình có đóng góp lớn cho phong trào Cần vương, Đông du và Duy tân…
Trò chuyện với tôi, các bậc cao niên ở xã Tiên Cảnh vẫn không giải thích được vì sao làng Thạnh Bình lại sản sinh ra những nhà khoa bảng, những nhà ái quốc “lưu danh đến muôn đời” như vậy? Phải chăng do làng mang thế núi hình sông có gì đặc biệt? Sau lưng là dãy Sơn Ve thuộc hệ thống Cửa Rừng với Đèo Liêu cao sừng sững cho làng tựa lưng vững chãi. Trước mặt là con sông Tiên bốn mùa biêng biếc nước xanh, từ bao đời nay gắn liền với những câu chuyện cổ tích đẹp và buồn như một bài thơ. Bên tả cơ man là núi. Núi chồng lên núi tạo nên thành lũy. Còn bên hữu là sông Đá Giăng với thắng cảnh Lò Thung vung vãi những cối chày giã gạo tự bao giờ đã hóa đá sẫm nâu cùng với dấu chân ông Khổng Lồ hằn in năm ngón rõ to...
Một góc làng Thạnh Bình nhìn từ Đèo Liêu. |
Người mở đầu việc học hành đỗ đạt và làm quan để lo cho trăm họ là Lê Vĩnh Khanh, tự là Tử Minh, sinh năm Kỷ Mão - 1819, danh sĩ dưới thời vua Thiệu Trị. Năm Quý Mão - 1843, Lê Vĩnh Khanh thi đậu Giải nguyên nên dân làng thường gọi ông là Giải Khanh. Năm Giáp Thìn - 1844, ông thi đậu phó bảng rồi được bổ làm quan Tri huyện Phù Cát - Bình Định. Một đời làm quan, một đời chính trực thanh liêm, hết lòng yêu nước thương dân. Tương truyền rằng, nhân cớ ông chống lệnh triều đình, không tham gia Phái bộ sứ cùng với Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ sang Pháp hòa đàm, viên Tuần vũ Bình Định vốn ghen ghét ông, lén dâng sớ tâu với vua Tự Đức là ông có ý phản nghịch. Vua Tự Đức lập tức triệu ông về Huế hạch tội “để cho trộm cướp nổi lên tại địa hạt quản lý”, “chậm thanh toán các khoản thuế khóa” và “không chịu đi sứ”.
Ông không hồi triều, chỉ trả lời vua Tự Đức bằng một tờ sớ, nêu rõ nguyên nhân làm cho trộm cướp nổi lên, thuế khóa không hoàn thành và lý do ông không đi sứ. Trong mỗi câu trả lời ngắn gọn với lập luận sắc bén, cuối cùng có bốn chữ “Khanh hà tội yên” - nghĩa là Khanh này có tội gì cơ chứ?! Với tờ sớ ấy, vua Tự Đức hiểu ra mọi lẽ, vì thế đã bỏ qua cho ông cái tội tày trời, đó là tội “khi quân”! Năm Giáp Thân - 1884, ông mất tại Phù Cát lúc đang làm Tri huyện. Sau này, con cháu mới có điều kiện di dời hài cốt ông về quê nhà cải táng theo sở nguyện.
Mộ cụ Lê Vĩnh Khanh ở xã Tiên Cảnh hôm nay
Lê Vĩnh Huy, Lê Quý Liên là hai con trai Lê Vĩnh Khanh. Lê Triêm, Lê Duyện, Lê Liễn... là các cháu nội ông. Tất cả đều là những nhân vật kiệt hiệt của phong trào Đông du, phong trào Nghĩa hội và phong trào bạo động cách mạng đầu thế kỷ XX. Trong đó, Lê Vĩnh Huy và Lê Triêm là hai nhân vật xuất sắc nhất. Lê Vĩnh Huy tên thật là Lê Ngọc Cung, tự Vĩnh Huy, tục danh Bang Tuyến. Ông là dũng tướng của phong trào Nghĩa hội do Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu khởi xướng và lãnh đạo. Tên tuổi ông gắn liền với những chiến công trong các trận chống quân Nam triều ở Nà Lầu, Suối Đá, Dốc Miếu, nay thuộc xã Tiên Thọ.
Tháng 2.1886, Lê Vĩnh Huy cùng với dũng tướng Hồ Học kéo một cánh quân lớn xuống Tam Kỳ, phối hợp với cánh quân Nam Hà Đông do Phan Bá Phiến chỉ huy, tiến ra Vĩnh Điện vây đánh thành Quảng Nam. Khi phong trào Nghĩa hội thoái trào, ông lui về quê nhà mai danh ẩn tích. Các bậc cao niên ở Tiên Cảnh cho tôi hay, lúc bấy giờ Lê Vĩnh Huy vẫn âm thầm tích cóp của nả, chờ đợi thời cơ để “mưu việc lớn”. Rồi cụ Phan Châu Trinh khởi xướng phong trào Duy tân, ông ngấm ngầm tán trợ, cổ xúy.
Lê Vĩnh Huy có hai con trai là Lê Triêm và Lê Duyện. Lê Triêm tên thật Lê Ngọc Cẩn, tự Thúc Hàng. Còn Lê Duyện tên thật Lê Ngọc Toản, tự Thúc Duyện. Nghe theo tiếng gọi của phong trào Đông du, hai anh em sang Nhật Bản du học. Cuối năm 1902 Chính phủ Nhật Bản câu kết với thực dân Pháp, trục xuất tất cả du học sinh Việt Nam về nước. Lê Triêm, Lê Duyện hồi hương. Năm 1916, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa do Trần Cao Vân và Thái Phiên chủ xướng, hai anh em Lê Triêm, Lê Duyện đã cùng với Trần Huỳnh (quê xã Tiên Thọ) lãnh đạo nghĩa quân đánh chiếm Trà My, Tiên Phước rồi thừa thắng kéo thẳng xuống Tam Kỳ bao vây Phủ đường, trị tội viên Tri phủ Tạ Thúc Xuyên. Cuộc khởi nghĩa bị thực dân Pháp liên kết với quân Nam triều huy động tổng lực đàn áp đẫm máu.
Vì vậy, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thất bại. Những người tham gia bạo động cách mạng đều bị bắt bớ. Và cả gia đình Lê Vĩnh Huy cũng không tránh khỏi tù đày. Lê Vĩnh Huy bị biệt giam đến chết tại nhà lao Hội An năm 1916. Lê Triêm bị thảm sát ở Sở nhà xâu ngục Lao Bảo năm 1918. Còn Lê Duyện mất tại quê nhà. Gia đình Lê Vĩnh Huy không những đóng góp tài sản cho các phong trào yêu nước mà còn dâng hiến cả máu xương vì nền độc lập tự do cho Tổ quốc.
Đất nước ta vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có những biến động lớn và tại làng Thạnh Bình lại xuất hiện một nhân vật kiệt xuất nữa! Đó là Huỳnh Thúc Kháng. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta đều đã biết. Cụ Huỳnh cùng với cụ Lê Vĩnh Khanh và con cháu của cụ đã đặt nền móng cho sự học và truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm, làm rạng danh quê hương xứ sở. Khi cụ Huỳnh tạ thế, trong bức thư gửi đồng bào cả nước thông báo quốc tang cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ Huỳnh là một người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khó không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Ngày nay, Nhà lưu niệm cụ Huỳnh đã được tôn tạo và công nhận là di tích văn hóa lịch sử quốc gia, còn mộ cụ Lê Vĩnh Khanh cũng đã được chính quyền địa phương và con cháu họ Lê ở Tiên Cảnh xây dựng khang trang tại Rừng Mua.
Nguyễn Tam Mỹ - Báo Quảng Nam