www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Mất mùa lòn bon Tiên Phước

Lòn bon Tiên Phước đang chính vụ, song lại mất mùa nghiêm trọng. Điệp khúc “được giá mất mùa” tiếp diễn khiến nông dân rầu lòng.

Khảo sát nhiều nhà vườn ở Tiên Cảnh, Tiên Mỹ..., đặc biệt là Tiên Châu - nơi lòn bon được đánh giá ngon nhất, đây là năm thứ 2 liên tiếp lòn bon gần như mất trắng. Nhiều khu vườn từ vài sào tới cả mẫu hiện trơ trọi cành lá, chỉ lác đác trái, không có sản phẩm để cung ứng thị trường.

Nhiều vườn lòn bon Tiên Châu rộng lớn thất thu vụ trái chính vụ. ảnh: TR.NHAN
Mặc dù chính vụ nhưng nhiều vườn lòn bon ở xã Tiên Châu không ra trái. Ảnh: TR.NHAN 
Tháng 8 âm lịch - thời điểm các năm trước là mùa thu hoạch lòn bon, trái chín rộ các góc vườn, đông đúc người bán mua. Dọc tuyến đường từ Tiên Phước về Tam Kỳ, nhiều chợ ven đường bày bán lòn bon. Nhưng mùa này, tất cả đều vắng do không có sản phẩm.

Một tiểu thương bán trái cây tại chợ quê Tiên Phước cho hay: “Năm nay chẳng có lòn bon để bán, tôi đặt mãi chủ vườn mới gom được 20kg. Giá cũng quá cao, tại vườn đã 40 - 50 nghìn đồng/kg, dù gấp đôi mọi năm nhưng vẫn không có để mua. Với giá này không phải ai cũng chấp nhận nên rất khó bán lại”.

Ông Nguyễn Kỳ (thôn Thanh Khê, xã Tiên Châu) cho biết, 2 mảnh vườn của ông trồng cả trăm cây lòn bon, tuổi đời 80 đến trăm năm do cha ông để lại. Nếu các năm trước ông thu về hàng tấn trái thì năm nay không cây nào có trái.

“Đây là năm hạn khắc nghiệt thứ 2 liên tiếp. Hầu hết vườn ở đây không thể xoay xở được nguồn tưới bởi giếng, ao hồ, khe suối cạn, trong khi đó khó đóng giếng, chi phí quá cao” - ông Kỳ giải thích. 

Tại thôn Thanh Khê, vườn lòn bon của ông Hòa Văn Tòa (100 cây) hay bà Nguyễn Thị Chiến (50 cây) cũng rơi vào cảnh mất mùa tương tự. Thôn có cả trăm vườn lớn nhỏ nhưng chỉ có 2 vườn cho trái, còn lại mất trắng. Hai vườn này có sự đầu tư thâm canh, bỏ tiền dẫn nước từ suối về nên cứu vãn được vườn cây. 

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước, toàn huyện có hơn 300ha lòn bon, phân bố tại nhiều xã như Tiên Châu, Tiên Cảnh, Tiên Ngọc, Tiên Mỹ… Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết thì chính sự hạn chế trong thâm canh, đầu tư hệ thống tưới tiêu hợp lý đã khiến nhiều diện tích bị mất trắng, không có nguồn thu.

Theo ông Tống Phước Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phước Tuyên, năm trước HTX chỉ thu mua được 1 tấn để làm rượu vang, may nhờ có lòn bon trái vụ nên nhập được 10 tấn; còn năm nay chưa có trái để mua. Trong khi nhu cầu sản xuất rượu vang mỗi năm của HTX là 5 - 10 tấn.

“Hiện, HTX chủ động liên kết sản xuất với 50 hộ trồng lòn bon Tiên Phước, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đồng thời tập huấn kỹ thuật, vận động người dân đầu tư hệ thống tưới ứng phó nắng hạn” - ông Tuấn nói.

 

 Triêu Nhan - Báo Quảng Nam