Lên chơi làng cổ Lộc Yên
“Một nhóm bạn già” ngồi cà phê ở TP.Tam Kỳ cho hay, người nào cũng đã đi đó đi đây khắp nơi. Xa là Nga, Mỹ, Canada. Gần là các danh lam thắng cảnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, làng cổ Lộc Yên ở vùng trung du Tiên Phước quê nhà thì mọi người chỉ nghe kể chứ chưa một lần “mục sở thị”! Tôi bảo: “Quả là đèn không sáng ở chân. Nếu các anh đồng ý thì em sẽ tự nguyện làm hướng dẫn viên đưa các anh lên chơi làng cổ Lộc Yên”. Tất cả nhất trí ngay. Hôm ấy tiết trời đã thu, nắng dịu nhẹ. Sẵn có ô tô con của anh Hoàng Xuân Việt, tôi dẫn “nhóm bạn già” lên đường đầy ngẫu hứng.
Từng lên chơi làng cổ Lộc Yên nhiều lần, lại được bạn bè ở quê cập nhật thông tin thường xuyên, vì thế tôi thiết kế tour để chỉ trong một ngày mọi người được tham quan 5 địa điểm không còn xa lạ với du khách trong và ngoài tỉnh: Xóm cây trái miền Nam ở Hố Quờn, thác Lò Thung, cầu treo sông Tiên, làng cổ Lộc Yên và ngõ đá xóm Bàu.
Dừng chân nơi xóm cây trái miền Nam ở Hố Quờn, đi dạo vườn anh Bảy Khoa, thưởng thức sầu riêng, thanh trà, bưởi da xanh… rồi cả nhóm tiếp tục hành trình. Qua cầu Cây Gáo, rẽ trái theo quốc lộ 40B đi một đoạn ngắn lại rẽ trái theo đường bê tông, tôi đưa “nhóm bạn già” tham quan thác Lò Thung, cầu treo sông Tiên. Thực ra, chiếc cầu treo kết nối đôi bờ và thác Lò Thung thuộc sông Trạm bắt nguồn từ vùng rừng núi Bắc Trà My, khi qua khỏi thác Lò Thung mới hợp lưu với sông Tiên. Tôi kể cho các anh Hoàng Xuân Việt, Phạm Công Thắng, Phan Đức Dũng về ông Khổng Lồ và sự tích “thác bố, bãi vàng”, về loài cá nuôn chọn hang đá ở Lò Thung làm nơi cư ngụ, về hòn đá bùa cứ đúng vào dịp Tết Đoan ngọ lại hiện rõ lá bùa hằn in trên đá. Các anh không ngờ có nhiều huyền thoại gắn với thắng cảnh đẹp như tranh vẽ…
Bờ đá đường làng xóm Bàu. Ảnh: Đ.A |
Chạy xe trên đường bê tông một đoạn ngắn là đến làng cổ Lộc Yên. Tôi đưa “nhóm bạn già” đến thăm ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh. Người thừa kế cơ ngơi của cha để lại là vợ chồng anh Nguyễn Đình Hoan. Ngôi nhà cổ nổi tiếng bởi có hơn 200 năm tồn tại, được thợ Văn Hà kỳ công đục đẽo với những hình thù chạm khắc trên gỗ mít đạt đến độ tinh tế, mang tính nghệ thuật cao. Không những thế, ngôi nhà cổ được Ngô Đình Diệm đến quan chiêm khi vào xứ Quảng thăm anh trai là Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi. Lên làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa, ông ta phái Tỉnh trưởng Quảng Nam là Thân Ninh, hai lần đến nhà gạ mua với số vàng nhiều đến mức đựng đầy một thúng năm. Tuy nhiên, cụ Nguyễn Huỳnh Anh vẫn kiên quyết lắc đầu.
Anh Nguyễn Đình Hoan vừa trò chuyện vừa rót nước chè xanh mời mọi người. Hiểu rõ về lai lịch ngôi nhà cổ, anh Hoàng Xuân Việt và anh Phan Đức Dũng cứ ngắm nhìn những vì xuyên trính, cột kèo. Còn anh Phạm Công Thắng là dân Văn Hà “thứ thiệt” lại săm soi từng đường nét chạm khắc trên những bức phù điêu gỗ. Tôi bảo với anh: “Tiền hiền làng cổ Lộc Yên là ông Nguyễn Công Tuyết, người làng Văn Hà. Hơn 300 năm trước, ông đến đây thấy cảnh quê yên bình nên về quê rủ rê mọi người lên lập làng mới ở nơi này”.
Điều dễ nhận thấy khi lên chơi làng cổ Lộc Yên là cảnh quê hiền hòa thơ mộng. Nhà nào cũng trồng hoa cây cảnh quanh sân quanh ngõ. Gần trưa, tôi đưa “nhóm bạn già” đến xóm Bàu. “Ở đó có chi khác lạ?” - anh Hoàng Xuân Việt hỏi. Tôi nói: “Có ngõ đá, bờ vườn đá, qua bàn tay khéo léo của người dân xóm Bàu, nó là những công trình nghệ thuật đẹp như mơ”. Tới nơi, “nhóm bạn già” ngỡ ngàng thích thú khi tham quan nhà vườn anh Lê Trường Thạch, Lê Trường Khương… Ngõ đá chất từng bậc với hai bờ đá hai bên trồng hoa hài hòa với khung cảnh thiên nhiên. Những bờ vườn chất đá thẳng băng, đều tăm tắp. Những cơn mưa thu khiến cho những gốc cỏ đá rêu ẩn mình trong kẽ đá nhú mầm xanh óng ánh đẹp tuyệt. Dù không ham chụp ảnh nhưng các anh Hoàng Xuân Việt, Phan Đức Dũng, Phạm Công Thắng vẫn chịu khó đứng “làm cảnh” để lưu lại những bức ảnh nơi ngõ đá làm kỷ niệm. Anh Hoàng Xuân Việt bảo với tôi: “Đi Hà Nội về, thế nào mình cũng đưa bà xã và nhóm bạn của bà ấy lên đây, bởi khung cảnh làng quê đẹp quá!”.
Điều khác lạ khi lên chơi làng cổ Lộc Yên lần này là người dân đã biết khai thác lợi thế vùng quê sinh thái để làm dịch vụ phục vụ du khách gần xa tới tham quan. Ở Lộc Yên có Lộc Yên quán tọa lạc trên khu đất khá thoáng rộng sát đường bê tông. Ở xóm Bàu có quán Đào Gia Trang. Chủ là anh Đào Minh Chỉnh. Quán nằm trong khuôn viên vườn nhà, mắc võng rải rác dưới bóng cây râm mát cho khách nghỉ ngơi thư giãn. Theo chị Hà - con gái anh Đào Minh Chỉnh, ngoài cà phê, nước giải khát các loại, quán có phục vụ ăn uống theo kiểu “lấy công làm lời”. Gà luộc xé phay bóp gỏi chuối cây, hành lát, rau răm. Gà hầm muối. Gà nướng lửa than hoa. Ốc đá xào sả ớt. Rồi bánh xèo, cháo gà, miến gà… Anh Đào Minh Chỉnh cho biết: “Từ khi khai trương quán đến nay, ngày nào cũng có khách đến thưởng thức những món ăn dân dã ở quê. Đặc biệt, cách đây một tuần có đoàn khách gần sáu chục người đến quán. Bà con trong xóm tới phụ giúp nên việc phục vụ đoàn khách chu đáo, ai cũng ngợi khen. Điều đáng mừng là mọi người rất thích thú với những món ăn ngon, giá cả lại phải chăng”.
Khi người dân tham gia làm du lịch bằng cách mở các dịch vụ ăn uống, giải khát, không những hưởng lợi từ ngành nghề dịch vụ mà còn tạo điều kiện cho du khách có chỗ nghỉ ngơi ăn uống sau khi đi tham quan chụp ảnh làm kỷ niệm. Chính thế mà nhiều người cho tôi hay, năm nay du khách đến làng cổ Lộc Yên nhiều hơn…
N.Đ.An - Báo Quảng Nam