www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Làng Cor ngày mới

Mặc dù đã 87 tuổi rồi, già làng Lê Xuân Ngọc vẫn cứng cáp như cây đại thụ và minh mẫn như con nai, con hổ giữa đại ngàn.

     Già kể rằng tổ tiên của dân bản ngày trước ở vùng Suối Đá (Tam Dân) lúc đó còn hoang sơ, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta mọi người chạy giặc lên vùng rừng già và định cư tại bản Suối Dưa ngày nay. Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ - ngụy, có lúc Suối Dưa thuộc huyện Trà My. Ngày nay bản Suối Dưa thuộc thôn 1 xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước.

Trong thời chống Mỹ, đồn Gò Gai và núi Bàn Cồng thuộc xã Tiên Lập là nơi Mỹ - ngụy tập kết đổ bộ quân lính, phương tiện chiến tranh để càn quét, khống chế một vùng rộng lớn từ Kỳ Quế, Kỳ Sơn (Tam Lãnh) lên Tiên An, Tiên Hiệp. Bản Suối Dưa chính là căn cứ địa cách mạng để cán bộ gây dựng cơ sở, phong trào, là địa bản hoạt động của các ông Việt Văn, ông Bùi Tư Nhiên, ông Năm, ông Bảy, chị Tư Liễn, ... 


Già làng Lê Xuân Ngọc đã bám trụ và nuôi dấu nhiều cán bộ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ
 

 Cuộc sống thiếu cơm lạt muối, ăn chỉ toàn khoai sắn, rau ranh, ốc đá  nhưng dân bản vẫn một lòng một dạ theo Đảng bám đất giữ làng. Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) tháng 1/1959 "Về dường lối cách mạng miền Nam" đã mở đường cho phong trào Đồng Khởi lan rộng, cách mạng miền Nam đứng lên diệt ác phá đồn. Ngày 17/10/1964 xã Phước Hiệp (Tiên Lập hiện nay) được giải phóng, mở rộng hành lang phía đông của huyện Tiên Phước, tạo điều kiện thông thương từ vùng tây của tỉnh Quảng Nam tiếp cận cơ sở cách mạng ở Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Tín. Hơn 10 năm sau, bản Suối Dưa - thôn 1, Tiên Lập lại là địa bàn tập kết của bộ đội, xe tăng ta từ Trường Sơn xuống qua Trà My, để giải phóng Tam Kỳ trong đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1975, cùng với khó khăn chung của cả nước khi vừa bước ra khỏi 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào Cor bản Suối Dưa lại bắt tay vào sản xuất, xây dựng bản làng. Cái ăn chủ yếu lúc này là bắp sắn, lúa rẫy, thêm được khoảng 1 mẫu ruộng nước ở hai đồng Hốc Lách và Hố Trầu cho dân bản với 13 hộ và khoảng 50 khẩu; song năng suất rất bấp bênh, mỗi vụ chỉ thu được khoảng 50 - 60kg thóc/sào; đời sống dân bản  vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu đói quanh năm.

Chuyện cái ăn cái uống là như thế thì còn nói chi đến việc học cái chữ. Ngày ấy dân bản chỉ có mỗi mình già Lãnh biết đọc chữ, được nhân dân bầu làm Trưởng ban tự quản (Ban Nhân dân thôn) thôn 1. Cả xã chỉ có ngôi trường vách đất lợp tranh ở thôn 2 trung tâm xã, cách bản hơn 6 km đường rừng. Lúc ấy, đồng bào người Kinh còn không lo nổi cho con cái đi học huống chi là dân làng Cor. Thế rồi, cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước; sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, một ngôi trường tại bản Suối Dưa đã được xây dựng cho con em làng Cor. Tuy chưa khang trang bề thế song cũng được mái ngói tường xây, một lớp ghép 3 trình độ ( lớp 1, lớp 2, lớp 3) đã mở tại đây. Hằng năm các thầy cô được phân công dạy tại bản đã hết sức dốc lòng đem cái chữ của Bác Hồ, của Đảng đến với con em làng Cor. 


Nhà Rông trên bản Suối Dưa được xây dựng năm 2014. 
 

 Cùng với sự quan tâm xây dựng cơ sở vật chất của Nhà nước, sự đóng góp của các thầy cô giáo ở trường Tiểu học; của các ban ngành đoàn thể Phụ nữ, Nông dân, ...ở xã, và đặc biệt của UBND huyện những năm gần đây nên con em làng Cor đã có đầy đủ sách vở, áo quần, giày dép phục vụ cho việc đến trường. Một việc khác tuy nhỏ nhưng ý nghĩa và tác dụng rất lớn, đó là bữa ăn giữa buổi cho các em. Ngày trước, dù giáo viên có nhiệt tình bao nhiêu cũng không giữ được học sinh sau nửa buổi học. "Cái bụng em đói quá thầy ơi! Sáng ra nhà em không có cái chi ăn!... Em về thôi" ..., và thầy cũng chỉ biết nhìn trò, lắc đầu rồi đành cho các em ra về! Được sự ủng hộ của các thầy cô giáo trường Tiểu học góp 5000 đồng/người/tháng, từ năm 1995, các em cũng đã có được chén mì tôm giữa buổi học. Hai ba em/một gói mì tôm nhưng chí ít cũng có được cái cảm giác no, cũng đánh lừa được cái dạy dày rỗng tuếch lúc sáng để học cho hết buổi. Từ khi có sự vào cuộc của các đoàn thể Phụ nữ, Nông dân ở xã, và của UBND huyện Tiên Phước, Phòng Giáo dục, học sinh làng Cor đã có được mỗi em một gói mì tôm hoặc một ổ bánh mì cho giữa buổi học. Ấm cái bụng, các em yên tâm, chăm hơn, ngoan hơn và kết quả học tập ngày một khá hơn, không còn trường hợp "bốn năm lớp Một".       

Chính sự quan tâm, động viên thích đáng nầy mà đến nay công tác văn hóa nói chung, giáo dục nói riêng đã có được những thành tích đáng khích lệ. Toàn bản hiện nay có 32 hộ với 132 khẩu, tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường gồm 7 em Mẫu giáo, 11 em Tiểu học, 7 em THCS và 2 em THPT (trong đó có 1 em đang học tại trường PTDT nội trú tỉnh ở Hội An). Năm 2013, toàn bản có 31/32 hộ đạt chuẩn " Gia đình văn hóa"; nhiều gia đình đã quan tâm hơn đến việc học tập của con em, như gia đình anh Lượng, anh Hải, anh Lộc, anh Hùng, ... Anh Lượng có 2 con đều là học sinh giỏi nhiều năm liền của trường Tiểu học, anh tâm sự : "Muốn có cái ăn cái mặc đầy đủ, phải có cái chữ, cái chữ làm cái đầu mình sáng ra mới làm tốt mọi việc".

Bên cạnh việc chăm lo cái chữ cho con em, dân bản cũng dần từng bước hòa nhập cùng cộng đồng dân cư người Kinh trong các hoạt động văn nghệ, thể thao. Đội bóng chuyền nữ của bản đã đoạt giải Nhất của giải bóng chuyền nữ dịp 8/3/2014 do xã tổ chức. Các em học sinh dân tộc Cor lớp 2+3 E cũng tham gia đầy đủ hội thi "Chúng em kể chuyện đạo đức Bác Hồ" và hội diễn văn nghệ của trường Tiểu học.

Cùng với sự phát triên về văn hóa, giáo dục, cơ sở hạ tầng cũng được các cấp quan tâm đầu tư xây dựng. Từ cuối năm 2013, chiếc cầu cửa ngõ vào bản đã cơ bản được xây xong, bà con đã có cầu để đi, không còn lo sợ "chết xấu" do nước lũ cuốn như A Tiên con già Ngọc năm xưa nữa. Rồi con đường bê-tông cũng đang được thi công giúp bà con đi lại dễ dàng hơn. Ngôi nhà Rông được xây dựng là nơi để dân bản hàng năm, khi đã thu hoạch lúa mùa xong (vào độ tháng 10 và 11), là lúc rảnh rỗi để người Cor tổ chức nhiều lễ hội truyền thống tưng bừng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Xa-pa-nưu), Lễ ăn mừng nhà mới (Xa-như-ra-vát), Lễ ăn trâu huê (Xa-ô-piêu), Tết mùa (Xa-aní)... để cúng và cầu cho Thần linh, ông bà, tổ tiên... luôn phù hộ dân làng. 

          Đã 40 năm đất nước thống nhất, quê hường đổi thay, cuộc sống người Cor Suối Dưa đã định cư, dân bản đã có cơm ăn áo mặc; công cuộc xóa đói giảm nghèo, ánh sáng văn hóa đã từng bước về với bản làng. Tuy vậy cuộc sống vẫn chưa ổn định, vẫn còn nhiều điều lo toan trăn trở. Ruộng đất thì ít mà dân bản ngày một đông thêm, kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ khoa học - kỹ thuật dân bản chưa biết nhiều... Một điều khác nữa là bản sắc văn hóa của người Cor dần bị mai một. Các điệu hát như Clu, Xadru, A giới, A ly; múa Kađắc, đàn Vơró, sáo Talía, kèn môi, Amáp, Ra ngoái; trống đất... cũng không được lưu truyền. Để khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa người Cor bản Suối Dưa cần sự chung tay góp sức của dân bản nói riêng và của bà con xã Tiên Lập nói chung. Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp. Khi cái đói, cái nghèo được đẩy lùi, đời sống văn hóa ngày càng phát triển, bản làng Suối Dưa sẽ ngày càng tươi đẹp hơn..
 
                                                Trần Phúc Loan - Trường TH Tiên Lập