Nằm trong vùng đất thuộc dòng chảy văn hóa được hình thành từ lâu đời ở khu vực núi Ngọc Linh - sông Thu Bồn, Tiên Phước vừa mang đặc trưng văn hóa xứ Quảng, vừa mang sắc thái riêng của dấu ấn văn hóa miền trung du. Đây cũng là nơi hiện còn hai ngôi làng đẹp như cổ tích: làng cổ Lộc Yên (Tiên Cảnh) và làng cổ Hội An (Tiên Châu).
Về Lộc Yên nghe thời gian trăm năm thì thầm
Làng cổ Lộc Yên là một trong 4 làng cổ của cả nước được Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 2019. Theo cụ Nguyễn Đình Liên, một bậc cao niên ở đây, ngôi làng Lộc Yên được hình thành sau công cuộc khai hoang vào khoảng thế kỷ 15 - 16. Tên gọi Lộc Yên (ban đầu là Lộc An) có từ thời Tây Sơn (1778 - 1802), do ông Nguyễn Công Tuyết, người làng Tân Phước (Tam Kỳ) lên lập làng, đặt tên
Đa số các ngôi nhà cổ đều tựa lưng vào núi, ngõ đá trồng chè tàu được chất theo tầng bậc, uốn lượn và hướng ra đồng. Bờ ngõ đá trồng chè tàu mở rộng ra hai bên, thành cả bờ vườn nên thơ. Có thể kể đến các ngôi nhà cổ điển hình của ông Nguyễn Đình Mẫn, ông Đồng Viết Mão, ông Trần Công Khiêm. Đặc biệt nhất là nhà của ông Nguyễn Đình Hoan, có niên đại khoảng 150 năm, được xem là một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất xứ Quảng. Ngôi nhà này nằm lưng chừng đồi, tựa vào dãy núi Bằng Mây, phía trước xa xa là dãy Hòn Ngang án ngữ, ngõ rẽ hướng nam được chất và lát bằng đá núi với nhiều hoa văn đẹp mắt. Bờ ngõ là hai hàng chè tàu bốn mùa chỉ một màu xanh ngăn ngắt và được cắt tỉa phẳng phiu. Bao bọc ngôi nhà nên thơ này là đồng Họ và đồng Rộc, mỗi năm hai vụ lúa.
Nhiều du khách cho rằng, đến với các ngôi nhà cổ ở Lộc Yên, nên đi bằng chân trần, và đi chậm, thật chậm, nghe mát lạnh cơ thể, rồi hít thở bầu không khí trong veo ngát hương cây trái, mới là khoảnh khắc tận hưởng, sống sâu và hiểu đúng ý nghĩa của từ bình an.
Ông Nguyễn Đình Hoan, chủ ngôi nhà cổ độc đáo, kể lại: "Tôi là đời thứ tư ở nhà này. Hồi thế kỷ trước, ông Ngô Đình Diệm đã hai lần tới đây, thuyết phục cha tôi bán ngôi nhà cho ổng. Nhưng cha tôi nhất quyết không bán, vì đó là phước đức ông bà để lại, con cháu bằng mọi giá phải gìn giữ". Ông Hoan cùng vợ là bà Nguyễn Thị Kim Sương giờ đây vẫn ngày ngày chất thêm bờ đá, trồng hoa, soạn sửa chăm chút khu vườn hữu tình và bảo vệ ngôi nhà cổ có chiếc bàn xoay kỳ bí như một bảo vật vô giá.
Làng cổ Hội An trầm mặc, nên thơ
Cách trung tâm H.Tiên Phước 3 km về phía tây là thôn Hội An, thuộc xã Tiên Châu. Thêm một lần nữa, du khách ngạc nhiên trước địa danh Hội An mà chỉ là ngôi làng chứ không phải đô thị cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới. Lai lịch và nguồn gốc tên gọi Hội An vẫn đang mời gọi các nhà nghiên cứu tìm hiểu.
Thôn Hội An hiện còn khoảng 12/33 ngôi nhà cổ của 5 thôn trên toàn xã Tiên Châu. Kiến trúc cũng khá giống với nhà gỗ mít ba gian hai chái và chạm trổ kèo, đầu hồi, xuyên trính... như các nhà cổ trên làng Lộc Yên, An Sơn xã Tiên Cảnh, nhưng quy mô các ngôi nhà nhỏ hơn.
Tiêu biểu là nhà cổ của ông Nguyễn Đình Đồng. Theo bà Nguyễn Thị Lan, 75 tuổi, vợ ông Đồng, ngôi nhà này niên đại cũng gần 150 năm, bà là dâu đời thứ tư. Ông cố nhà này làm chánh tổng. Nhà còn lưu giữ được chiếc bàn xoay và chiếc kiệu. Thời gian làm cho mái ngói âm dương bị xập xệ nên gia đình tự lợp lại bằng loại ngói đất nung. Những ngôi nhà trầm mặc in bóng tháng năm ẩn mình trong những khu vườn xanh tươi cây trái, kề bên đồng ruộng bậc thang uốn lượn theo chân đồi mỗi mùa mỗi vẻ; những con đường làng quanh co, duyên dáng với hàng cau, bờ chè tàu... là vẻ đẹp đã được lưu giữ qua mấy trăm năm.
Có thể khẳng định rằng, điểm nhấn của du lịch xứ Tiên chính là hai ngôi làng cổ Lộc Yên và Hội An. Để bảo tồn, phát huy những giá trị vốn có và khai thác du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, địa phương cần có chiến lược phù hợp, như lời phát biểu của ông Dương Đức Lin, Phó chủ tịch UBND H.Tiên Phước: "Trong tương lai, địa phương sẽ đầu tư khai thác du lịch theo hướng thân thiện với môi trường; đồng thời tạo cơ hội quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của huyện nhà". (còn tiếp)
Quang Viên - Hiền Diệu, Báo Thanh Niên