www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Làng cổ Lộc Yên-Không gian văn hóa tiêu biểu ở Quảng Nam

Làng (thôn) Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cách trung tâm huyện lỵ 5 km về hướng Bắc có tổng diện tích tự nhiên là 275 ha. Trong đó, đất nông nghiệp hơn 100 ha. Toàn thôn có 4 tổ đoàn kết, 176 hộ, 856 khẩu. Hệ thống giao thông duy nhất ở Lộc Yên là đường bộ (liên thôn, liên xóm), trong đó có 7 km được bê tông hóa. 100% số hộ có điện thắp sáng và sử dụng nước sạch. Trình độ dân trí ở Lộc Yên tương đối cao, thôn đã hoàn thành phổ cập THCS, tỷ lệ người có trình độ cao đẳng, đại học hơn 5% so với dân số trong thôn, đây là một tỷ lệ khá cao ở vùng nông thôn Tiên Phước hiện nay. 

 Làng Lộc Yên tọa lạc trong một thung lũng đẹp, được bao bọc bởi một phức hệ sông, suối, núi như sông Đá Giăng, suối An Sơn, đồi Đá Ràn Dàn, núi Bà Bướm, núi Bàn Mây, núi Rừng Cấm, núi Hố Chò, Vườn Mồ, Dương Phối... Vùng trủng thấp là ruộng đồng, suối khe.

Con đường duy nhất dẫn vào làng quanh co nằm phơi mình giữa thung lũng, hai bên là ruộng lúa ôm lấy con đường dẫn vào làng. Lối đi này gần như trung tâm của thung lũng chia đôi làng thành hai xóm, bên tay trái là Gò Tròn, bên phải là Hòn Ngang.

 



Ở đó, ta có thể tìm thấy được những hình ảnh rất giản dị, gần gũi, thân thiết rất đặc trưng của làng quê xứ Quảng, đó là những nhà rường cổ trầm mặc giữa lưng chừng đồi núi ẩn mình trong không gian xanh mướt của những vườn cây lưu niên, những hàng cau cao vút, những khu vườn được phân tầng bậc bằng các bờ đá thẳng tắp; những con ngõ dài được xếp bằng đá; những giếng nước trong leo lẻo; những bờ mương róc rách tiếng con nước đổ xuống những cánh đồng bậc thang quyến rũ, thủy sinh 4 mùa sinh sôi… cùng với những phong tục, tập quán, lối sống thuần Việt, phong cách ứng xử ấm áp, thơm thảo và đôn hậu của người dân địa phương đã làm nên một không gian văn hóa làng đặc sắc và thú vị.  
 

 

Có thể nói Lộc Yên là một không gian làng khá tiêu biểu ở Quảng Nam. Nếu như ở làng cổ Đường Lâm, Hà Nội là một tổng thể kiến trúc cổ, các di tích lịch sử các văn bia, minh văn còn lưu giữ… hay tương đồng với Lộc Yên hơn là làng cổ Phước Tích-Huế, thì điểm nhấn nổi bật không nơi nào có được như Lộc Yên đó chính là văn hóa đá đậm nét trong đời sống sinh hoạt của cư dân, kể cả trong bố trí bức tranh tổng thể của làng Lộc Yên.

 

Không chỉ có văn hóa đá mà quần thể những ngôi nhà cổ và cả một không gian: nhà-ngõ-vườn-ruộng-đồi núi-sông-suối gắn bó một cách hết sức hài hòa, thân thiện, tạo nên cho Lộc Yên một vẻ đẹp đặc trưng nhưng cũng thật bình dị, hiền hòa. Từ những bước chân đầu tiên đến làng Lộc Yên ta đã có thể chiêm ngưỡng sự khéo léo trong bố trí không gian của người làng cùng những lợi thế địa văn hóa đã tạo cho bức tranh tổng thể của làng Lộc Yên đầy ấn tượng và màu sắc và riêng biệt.

 

Trong một điều kiện về địa hình như đã đề cập ở trên thì không gian sản xuất ở Lộc Yên quả là khiêm tốn. Ở đây, không gian hẹp lại bị chia cắt, diện tích trồng lúa chủ yếu trên những chân ruộng bậc thang; không gian dành cho sản xuất cây rau màu cũng hết sức hạn chế. Khắc phục những nhược điểm đó, ngay từ những bước chân đầu tiên đi mở đất lập làng, cư dân Lộc Yên đã biết tận dụng những nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà để tạo nên không gian sinh hoạt cho chính gia đình và cộng đồng của mình. Khai hóa đất có lẫn đá để tăng thêm diện tích canh tác, và tận dụng đá để phục vụ, tạo không gian sinh hoạt quả là một ý tưởng độc đáo.
 

 

Người xưa có câu “An cư mới lạc nghiệp” có lẽ vì thế mà những bậc tiền nhân-những người có công khai phá vùng đất này đã chọn cho mình những vị thế “đắc địa” để dựng nhà. Xét về hình thế núi hay phương vị lý khí mới thấy những cư dân đầu tiên ở Lộc Yên quả là thâm hậu. Họ không chọn những chân đồi để làm nhà vì trong thung lũng của Lộc Yên các ngôi nhà sát chân đồi sẽ không tránh được “Thủy cận cát môn-chủ nhân bất an” hay “Thủy mực xung môn-chủ nhân ly tán”. Cũng không làm nhà trên đỉnh đồi sẽ rơi vào thế "cô phong độc vũ" nhà phải hứng gió, sấm sét và các yếu tố khác như Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ đều không có.

 

Vì vậy khi dựng nhà, người Lộc Yên đã bạt những quả đồi hai bên tả và hữu của làng để dựng nhà và vị trí “đắc địa” đó chính là lưng chừng đồi. Đây là vị thế mà nhiều nhà nghiên cứu khi đến với Lộc Yên đã thán phục thâm ý của các bậc tiền nhân. Cùng với địa lý tự nhiên mang nhiều đặc điểm ưu việt đó người dân Lộc Yên đã biết tận dụng và tạo một mặt bằng sinh hoạt khá lý tưởng và độc đáo khó nơi nào có thể sánh được.

Làng Lộc Yên cùng với cảnh quan trên, mặc dù trải qua sự biến thiên thay đổi của tự nhiên cũng như sự hủy diệt của chiến tranh. Nhưng đến nay, qua nhiều thế hệ sinh sống, người dân vẫn còn gìn giữ được những nét đẹp ban khai của vùng đất. Khi đến thăm Lộc Yên, rất nhiều khách thập phương đều đồng ý rằng cảnh quan ở đây đủ mang đặc trưng cho vùng trung du của cả Quảng Nam. Và ngay tên xã, tên làng cũng đủ để cho Tiên Cảnh, Lộc Yên trở thành một minh chứng về cái lý mà người xưa đã đặt tên cho một đơn vị hành chính theo đúng với bản chất của vùng đất như cách nói véo von của nhiều người.


                                                               Kim Thiện - Báo Gia Lai