Làm vườn tiết giêng hai
Với nhà nông ở vùng quê Tiên Phước, tháng Giêng không phải là “tháng ăn chơi” mà là thời điểm làm vườn. Bởi đây là lúc quyết định sự thành bại của một năm thu nhập từ kinh tế vườn.
Sau tết, làm vườn
“Cuối tháng 11, đầu tháng Chạp, trời vẫn còn mưa lất phất, vườn tược ẩm ướt, không thuận lợi cho việc dọn vườn, chăm sóc các loại cây trồng. Khi trời hanh khô cũng là thời điểm cận tết, nhà nào ở quê cũng lo chuẩn bị cho tết cổ truyền. Vì vậy, sau Tết Nguyên đán, mùa làm vườn mới chính thức bắt đầu” - ông Sáu Tý ở làng Tích Phước, xã Tiên Lộc, cho tôi hay.
Bây giờ vườn tạp ở Tiên Lộc nói riêng, Tiên Phước nói chung, không còn nhiều. Chỉ những người không có điều kiện cải tạo vườn tạp mới giữ vườn với các loại cây trồng ít có giá trị kinh tế như chè, thơm, mít… Qua tiết giêng hai, trước khi đi lột vỏ keo thuê cho các chủ rừng, họ tranh thủ thời gian phát thực bì, dọn cỏ vườn nhà. “Ba loại cây trồng ấy, ngó vậy cũng đem lại nguồn thu nhập lai rai đủ để trang trải chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày” - mẹ tôi cho hay. Bởi chè ra lộc để già cắt bán tại nhà với giá 15 - 20 nghìn đồng/chục (12 nắm). Thơm đến mùa thu hoạch (vào tháng 5 âm lịch) bán 70 - 80 nghìn đồng/chục (12 trái). Còn mít ra trái quanh năm, hái mít non bán cũng có tiền…
Anh Ngọc chăm sóc tiêu giống Tiên Phước trồng được hơn một năm. Ảnh: N.Đ.A |
Nghề “canh viên” ở Tiên Phước được bà con nông dân coi trọng khoảng 15 năm nay, nhất là sau khi huyện triển khai thực hiện Đề án 548 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái. Huyện có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ rõ ràng, vì thế người dân phấn khởi, đầu tư vốn liếng cải tạo vườn tạp, trồng tiêu và các loại cây ăn quả như lòn bon, thanh trà, bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt… Đến nay, Tiên Phước đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả đem lại nguồn thu nhập lớn cho bà con nông dân. Tiên Hiệp chuyên canh thanh trà. Tiên Châu chuyên canh lòn bon. Tiên Mỹ chuyên canh măng cụt. Thị trấn Tiên Kỳ và các xã Tiên Sơn, Tiên Cảnh, nhiều hộ nông dân có đất vườn rộng, trồng toàn thanh trà, sầu riêng, măng cụt…
Điển hình là “xóm cây trái miền Nam” Hố Quờn ở thôn Hữu Lâm, thị trấn Tiên Kỳ. Anh Bảy Khoa ở xóm này, bảo với tôi: “Việc dọn cỏ, tỉa cành nhánh cho vườn cây ăn trái không tốn nhiều thời gian, công sức, bởi tán lá đan che nên cỏ dại, dây leo không nhiều. Tưới nước đã có hệ thống phun sương tự động, chỉ thực hiện thao tác bật mở là xong. Điều quan trọng là chọn thời điểm bón phân, trộn phân chuồng hoai mục với Kali, NPK phải tuân theo tỷ lệ tương thích, nếu không, cây sẽ tốt lá, không ra hoa đậu quả”.
Nét quê vẫn giữ
Làm vườn, trồng cây là công việc quanh năm của nhà nông Tiên Phước. Lao động nặng nhọc, vì thế, ngoài bữa trưa, người làm vườn còn có hai bữa ăn phụ, đó là bữa nửa buổi sáng và nửa xế chiều. Anh Hùng, người chuyên chất bờ đá vườn ở thôn Hữu Lâm cho tôi biết: “Thông thường, bữa nửa buổi và bữa nửa xế chỉ là gói mì tôm lót dạ mà thôi. Tuy nhiên, làm vườn tiết giêng hai, người làm vườn thuê được chủ nhà thết đãi món bánh tét chiên không những ngon mà còn chắc bụng, làm hoài không thấy mệt”.
Trò chuyện với anh Hữu, anh Thịnh ở thôn Hữu Lâm, tôi được biết làm vườn cũng có lắm phần việc. Phát dọn thực bì, cuốc cỏ, vô phân cho các loại cây trồng, không đòi hỏi nhiều sức lực. Nhưng chất đá bờ vườn hay trồng trụ xi măng giăng lưới thép B40 rào giậu, đòi hỏi phải có sức khỏe mới có thể kham nổi. “Công việc nặng nhọc, nửa buổi ăn lót dạ gói mì tôm chẳng thấm tháp vào đâu” - anh Thịnh cười. “Làm vườn tiết giêng hai, chủ nhà cho ăn nửa buổi là bánh tét chiên kèm với dưa món vừa khoái khẩu lại vừa chắc dạ, làm việc năng suất lắm” - anh Hữu thật thà nói.
Với người dân quê Tiên Phước, mỗi khi tết đến xuân về, họ sắm bánh trái khá nhiều, đặc biệt là bánh tét, nhà nào cũng gói vài ba chục đòn trở lên. Mẹ tôi bảo: “Ngày tết ngày xuân, bánh tét ăn chẳng hết bao nhiêu, người ta gói nhiều để dành ra giêng làm vườn ăn nửa buổi, nửa xế”. Bánh tét gói nhưn đậu xanh hoặc đậu phung, chuối nai già xắt thành những cọng nhỏ, gói chặt, bịt hai đầu thật kỹ, nấu chín, có thể để cả tháng vẫn không bị hư hỏng. Sang tiết giêng hai, khi làm vườn, chủ nhà chỉ cần tét bánh thành từng lát đem chiên dầu phụng vàng rộm cả hai mặt, ăn kèm với dưa món, ngon tuyệt.
Cậu em tôi cho hay, ở quê hiện nay, nhiều nơi vẫn còn giữ nếp quê, gói nhiều bánh tét để khi làm vườn ăn nửa buổi, nửa xế. Gia đình cậu em tôi cũng thế, Tết Kỷ Hợi vừa rồi gói mấy chục đòn bánh tét là để ra giêng ăn làm vườn. “Đối với nhà nông, việc làm vườn đầu năm rất quan trọng, bởi nó quyết định một vụ mùa bội thu hay thất bát. Làm đúng thời điểm, đúng kỹ thuật, các loại cây trồng sẽ đơm hoa kết trái và cho thu hoạch vào cuối hạ đầu thu…” - cậu em tôi nói.
N.Đ.An - Báo Quảng Nam