Làm giàu từ chăn nuôi gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm
Hiện nay, với xu thế xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân ngày càng tăng, nhu cầu về thực phẩm an toàn, tươi sống là nhu cầu cấp thiết của đa số người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phát triển chăn nuôi có sự liên kết để tăng thu nhập và bền vững là chủ trương đang được nhà nước quan tâm. Nắm bắt xu thế đó, anh Lê Văn Ân sống tại thôn 10, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã thành công với mô hình chăn nuôi đa dạng gắn với tiêu thụ sản phẩm để làm giàu cho gia đình.
Qua 3 năm khởi nghiệp, đến nay anh Ân đã có cơ ngơi gồm 1 trại heo (lợn) thịt siêu nạc quy mô 1.000 con/lứa, 1 trại heo nái quy mô 30 con, 1 trại gà quy mô 2.000 con. Ngoài ra anh còn nuôi thêm cá, chim bồ câu và trồng cây ăn quả xung quanh khu vực chăn nuôi, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Là thanh niên trẻ năng động, sáng tạo, sau khi tốt nghiệp nghề điện tử, anh Ân không đi xin việc mà về quê mở trại chăn nuôi trên khu đất gần 4 ha của gia đình. Trước khi chăn nuôi, anh đã tham quan học hỏi các trang trại chăn nuôi lớn trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là tìm tới các công ty chăn nuôi để được tư vấn, hướng dẫn việc bố trí xây dựng chuồng trại, chọn con giống phù hợp, quy trình kỹ thuật chăn nuôi…. Sau khi tìm hiểu kỹ, anh thấy khu đất của gia đình có diện tích rộng, có đường đi lại thuận tiện, có nguồn nước tự chảy, chỉ cần kéo điện là đủ các điều kiện để phát triển chăn nuôi.
Bước đầu là triển khai xây dựng chuồng trại. Đối với chuồng heo thịt, anh bố trí 2 dãy chuồng song song, mỗi chuồng đều xây dựng máng ăn, vòi nước uống tự động, có khu tắm mát cho heo vào mùa hè, phía cuối chuồng có hệ thống biogar để xử lý chất thải. Chuồng heo nái được xây dựng rất chuyên nghiệp và hiện đại, chia thành các khu riêng với chuồng heo nái mang thai và chờ phối, chuồng heo nái đẻ, chuồng úm heo con và hệ thống bóng đèn công suất cao để úm heo con. Khu chuồng trại nuôi gà thịt bố trí xa khu vực chăn nuôi heo.
Ban đầu do chưa tự chủ được con giống nên anh phải đặt mua hoàn toàn giống heo thịt. Dần dần anh mua heo nái siêu nạc về nuôi để tự chủ nguồn con giống heo thịt. Khi mới đưa heo nái về, anh gặp nhiều khó khăn, có con đến tuổi động dục nhưng không chịu động dục, có con phối giống đẻ ra số lượng con rất ít chỉ 5 – 6 con, có con phối giống nhiều lần mà không đậu….
Với quan điểm “thất bại là mẹ thành công”, “thua keo này ta bày keo khác”, anh đã liên hệ tới Trạm thú y huyện Tiên Phước (bây giờ là Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp huyện) để được hướng dẫn về cách nuôi heo nái đẻ. Heo nái anh nuôi là giống nái ngoại lai, được chăm sóc và nuôi dưỡng tại trại chăn nuôi công nghiệp, khi chuyển về quê gặp môi trường lạ, kết hợp với việc chăm sóc nuôi dưỡng chưa phù hợp nên chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, từng bước anh thay đổi môi trường sống của heo bằng cách thêm hệ thống quạt làm mát tại chuồng, nâng cao dinh dưỡng bằng thức ăn hỗn hợp dành cho heo nái, tắm cho heo vào mùa hè và tăng cường cho heo vận động… Đến lứa heo thứ 2 thì tỷ lệ đẻ đã tăng lên và số lượng heo con/nái cũng tăng, từ 6-7 con/nái tăng lên 9-10 con/nái. Với số lượng 30 con nái, mỗi lứa anh có 300 heo giống, giúp anh chủ động được con giống heo thịt.
Để đa dạng sản phẩm cho ra thị trường, ngoài việc chăn nuôi heo, anh chăn nuôi thêm gà thả vườn. Anh chọn giống gà ta địa phương, nuôi theo hình thức thả vườn, cho ăn thức ăn tự phối trộn từ các phụ phẩm nông nghiệp như bắp, cám, bánh dầu, bột cá, nuôi trong thời gian dài từ 4 – 5 tháng xuất bán nên chất lượng thịt gà rất thơm ngon.
Để thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm từ trang trại, gia đình anh đã tổ chức liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Gia đình tự mổ thịt để cung ứng cho thị trường. Ngoài ra, chị gái anh còn mở một quầy bán thực phẩm quê tại thành phố Đà Nẵng, tại đây có đầy đủ các sản phẩm thịt gà, thịt heo do nhà anh sản xuất. Quầy đã mở hơn 1 năm nay, sản phẩm được người tiêu dùng tại thành phố Đà Nẵng tiếp nhận và tin tưởng, lượng khách đến với quầy ngày càng đông. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng mở 1 quầy bán thịt heo tại xã Tiên Thọ do mẹ anh quản lý. Để mở rộng thị trường, anh còn cung ứng thịt cho các quầy thịt tại huyện Tiên Phước, huyện Phú Ninh và huyện Trà My. Với hệ thống bán hàng như vậy, mỗi tháng anh tiêu thụ bình quân trên 10 tấn thịt heo, 900 kg thịt gà, mang lại lợi nhuận 195 triệu đồng/tháng.
Mô hình chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm không những giúp gia đình anh Ân có thu nhập ổn định mà còn giúp đỡ nhiều người dân tại xã Tiên Thọ cùng phát triển. Trong năm 2018, anh xây dựng Dự án Liên kết sản xuất chăn nuôi heo thịt theo chuỗi giá trị và được UBND xã Tiên Thọ phê duyệt từ nguồn kinh phí phát triển sản xuất của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thông qua Dự án, anh Ân đã liên kết và thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi do anh và 4 hộ chăn nuôi khác thực hiện. Trong đó, anh Ân là Tổ trưởng chịu trách nhiệm hướng dẫn và cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho 4 hộ còn lại. Không dừng lại ở đó, ang dự định tiếp tục mở rộng quy mô và liên kết với 25 hộ chăn nuôi khác trong năm 2019 để có được số lượng thịt ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Mô hình của anh Ân là hướng đi đúng và phù hợp với định hướng phát triển của huyện nên được Ủy ban nhân dân huyện Tiên Phước đặc biệt quan tâm, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi. Trong năm 2018, UBND xã Tiên Thọ đã phê duyệt Dự án phát triển sản xuất cho anh Ân với kinh phí 55 triệu đồng. Dự định sang năm 2019, nhà nước hỗ trợ về thủ tục để anh Ân tiếp tục phát triển Tổ hợp tác lên thành Hợp tác xã để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ được nhiều hộ chăn nuôi có tâm huyết cùng hưởng lợi.
Mai Thị Huyền Sanh - Trung Tâm KTNN huyện Tiên Phước