Làm giàu từ cây quýt đường
“Làm vườn không khó nhưng khó nhất là trồng cây gì và làm như thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế cao!” Đó là khẳng định của anh nông dân Nguyễn Văn Tiến ở thôn 3, xã Tiên Thọ, Tiên Phước.
Sinh ra và lớn lên trên vùng bán sơn địa, khô cằn sỏi đá, đất đai còi cọc, mưa bão bất thường, trồng các loại cây bản địa, dễ bị sâu bệnh, sinh trưởng chậm, giá trị kinh tế không cao, khiến gia đình anh Tiến gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Năm 2014, trong một lần được người anh ở miền Nam về chơi và giới thiệu, anh Tiến mạnh dạn đầu tư hơn 50 triệu đồng để mua 200 cây quýt đường trồng trên diện tích đất hơn 3.000m2.
Sau 3 năm chăm sóc, vụ đầu tiên (năm 2016) thu hoạch được 15 triệu đồng, những năm tiếp theo giá trị thu nhập tăng dần lên từ 50 triệu đồng, đến 80 triệu đồng, rồi 120 triệu đồng...
Anh Nguyễn Văn Tiến cho biết, cây quýt đường là một trong những loại cây ăn trái đã được lai tạo, sinh trưởng nhanh, có giá trị kinh tế cao nhưng rất khó tính nhất là đối với khí hậu, môi trường và thổ nhưỡng ở miền Trung.
Nắm được đặc tính của loại cây trồng này, anh chỉ sử dụng phân chuồng cùng với cây đậu phụng ủ mục để bón. Đồng thời giữ đủ ẩm trong mùa khô, không để ngập nước trong mùa mưa, tuyệt đối không để sâu bọ phát triển nhất là đối với sâu đục thân...
Cây quýt đường ra hoa, kết trái từ đầu năm, đến cuối tháng 8 âm lịch trái mới chín. Thời gian thu hoạch cao điểm từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 10. Thời điểm này thời tiết ở miền Trung thường xuyên mưa bão, không chỉ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hoạch mà còn có thể làm cho cây gãy đổ gây thiệt hại nặng về tài sản.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, cuối tháng 9 vừa qua nhận được thông tin cơn bão số 4 đổ bộ vào đất liền khu vực miền Trung, anh Tiến mua bạt che kín quanh tường rào lưới B40 đã có sẵn theo hướng gió bão. Với việc làm thiết thực này, sau khi cơn bão đi qua vườn quýt đường của nhà anh chỉ bật gốc một cây.
Hiện đang vào mùa thu hoạch, gia đình anh Tiến thu bình quân 1,5 tấn/ngày. Với mức giá ổn định 15.000 đồng/kg như hiện nay, vườn quýt đường của nhà anh Tiến năm nay cho thu hơn 150 triệu đồng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, thương lái đến tận vườn để bao tiêu sản phẩm, không còn cảnh chạy chợ như xưa.
Để có năng suất và hiệu quả như vậy, một yếu tố không kém phần quan trọng là sau khi thu hoạch quýt, anh Tiến cắt tỉa cành nhánh, làm cỏ, bón phân, lên luống, gieo đậu phụng. Trong thời gian gần 4 tháng của vụ sản xuất, cây đậu phụng không chỉ giữ được độ ẩm, làm tơi xốp đất mà còn cung cấp chất đạm nuôi cây quýt.
Năm 2021 anh Tiến đã đầu tư hệ thống nước tưới bằng năng lượng mặt trời và trồng mới 100 cây măng cụt với tổng giá trị hơn 150 triệu đồng. Hệ thống nước tưới đang phát huy hiệu quả, toàn bộ cây măng cụt đang xanh tốt. Vườn cây trái của anh Tiến hứa hẹn những mùa vàng bội thu.
Nguyễn Điện Ngọc - Báo Quảng Nam