Lễ truy điệu cụ Phan năm 1926 ở Tiên Phước
Ngày 24.3.1926, chí sĩ Phan Châu Trinh qua đời tại Sài Gòn. Ngay khi cụ tạ thế, ban tổ chức lễ tang được thành lập, gửi đi Lời Đạt cho quốc dân đồng bào cả nước, nhấn mạnh: “Một dân tộc nào không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc”.
Một đám tang lớn cho nhà chí sĩ được tổ chức khắp nước, cả ở nước ngoài, với tinh thần như đã thể hiện rất hàm súc trong đôi câu đối điếu của nhân dân Nam Định: “Truy điệu Tây Hồ nhật/ Hoán tỉnh quốc dân hồn” (Ngày truy điệu Tây Hồ/ Thức tỉnh hồn dân nước).
Tại Tiên Phước
Ở huyện Tiên Phước lại có hình thức truy điệu rất đặc biệt, bằng một cuộc vận động “dọn đàng”. Theo như ông Trần Ngọc Chương dẫn lại từ tài liệu chép tay “Câu chuyện chống Pháp” của ông Phan Sẻ (con sĩ phu Phan Quang, người làng Cẩm Y Tây, nay thuộc xã Tiên Cẩm) thì đến chiều ngày 26.3.1926 người cháu họ của cụ Phan ở làng Tây Lộc mới nhận được tin báo cụ qua đời. Người này liền mời thân tộc đến bàn việc chuẩn bị lễ tang ở quê nhà, trong đó có ông Phan Quang và một số người từng tham gia các phong trào Duy tân, kháng thuế đến dự.
Học sinh các trường đưa tang cụ Phan ở SG |
Nhận thấy nếu ở Tiên Phước làm công khai, nhân trong lễ truy điệu để phản đối chính quyền thực dân phong kiến thì sẽ dễ bị giải tán, thậm chí còn bị bắt bớ, nên họ bàn phương án với toàn huyện sẽ tổ chức truy điệu cụ Phan ở từng gia đình để đánh lừa tổng lý địa phương, còn riêng xã Tây Lộc muốn tổ chức như thế nào là do thân tộc và địa phương tự quyết.
Đám tang Phan Châu Trinh vừa thể hiện sự tiếc thương nhà chí sĩ, vừa trở thành một cuộc biểu dương lực lượng lớn chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam đến bấy giờ. Hồi ký nhiều chiến sĩ cộng sản lão thành cho biết, nhờ tham gia phong trào truy điệu Phan Châu Trinh mà họ đã giác ngộ cách mạng. Trong “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam” ngày 5.3.1930, Nguyễn Ái Quốc đã nhắc lại sự kiện này với đánh giá như sau: “Năm 1926, có một sự thức tỉnh trong toàn quốc tiếp theo sau cái chết của một nhà quốc gia chủ nghĩa già - Phan Châu Trinh, khắp nước đều có tổ chức lễ truy điệu… Người An Nam chưa hề được chứng kiến một việc to lớn như vậy bao giờ trong lịch sử”. Đến khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ kỷ niệm 20 năm ngày mất của Phan Châu Trinh được tổ chức trong thể vào ngày 24.3.1946 tại thủ đô Hà Nội. |
Chiều ngày 27.3.1926, những người dự họp chia nhau đi đến 4 tổng Tiên Quý, Đông Việt, Tiên Giang, Phước Giang vận động mỗi xã thôn ̀2 - 3 người đứng ra chủ trì công việc, đồng thời giao trách nhiệm cho những người này liên lạc với các xã thôn khác cũng chọn một số người như họ. Theo đó, mỗi tổng lấy một xã hoặc thôn làm điểm trung tâm, dự định vào đêm 30.3 những người giữ vai trò chủ chốt này đến thương lượng với người tuần canh đêm đó để đổi phiên, hoặc chuyện trò rồi ngủ luôn tại điếm canh, đến nửa đêm sẽ nhất loạt nổi mõ huy động dân.
Khi đông đảo dân làng kéo đến, người nòng cốt sẽ đứng ra thông tri: “Quan huyện sức dân nội trong đêm nay phải dọn đường, quét ngõ, dọn nhà, chừa một miếng vuông cỏ trước sân, đúng giờ dần ngày mai mỗi nhà sắm sửa lễ nghi đạm bạc cử đại tang ông Tây Hồ vừa mất ở Nam kỳ. Ai có vải thì xé làm khăn tang ngay, ai chưa có thì trong vài ba ngày tùy nghi liệu biện. Tang lễ sẽ kéo dài 7 ngày. Ai không tuân lệnh sẽ bị bắt giải lên huyện”. Đúng theo kế hoạch, nửa đêm ngày 30.3.1926 mõ hồi một cứ đánh liên tục khắp xã này đến xã khác; nhân dân thì truyền cho nhau lệnh của quan trên; nhà nào nhà nấy đốt đuốc, thắp đèn, quét dọn sân ngõ, lập bàn thờ; đến sáng hôm sau thì thắp hương đèn cúng bái làm lễ phát tang. Vài ba hôm sau đó, hầu hết gia đình ở huyện Tiên Phước đều có người bịt khăn tang; một số người từng tham gia các phong trào yêu nước và một số giáo viên các trường trên địa bàn đến từng chòm xóm giới thiệu tiểu sử cụ Phan Châu Trinh, đồng thời nhấn mạnh: “Cụ Phan suốt đời vì dân vì nước, nay cụ đã quá cố, dân ta phải tiếp tục sự nghiệp của cụ: chống quan lại tham nhũng, đòi miễn sưu thuế v.v.”.
Thấy khắp nơi người dân bịt khăn trắng để tang Phan Châu Trinh, Tri huyện Tiên Phước Tôn Thất Củng đòi tổng lý 4 tổng đến ra lệnh phải truy hỏi ai là người thủ xướng. Song việc này bị vô hiệu, bởi những người dân được hỏi đều trả lời là không biết từ đâu truyền ra! Đến khi lễ truy điệu cụ Phan đã được tổ chức khắp cả nước thì vụ việc của Tiên Phước cũng theo đó được cho chìm xuồng.
Ngô Phú Lâm - Báo Quảng Nam
2 bài diễn thuyết và 1 đám tang rung chuyển Sài Gòn
Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh
Phan Châu Trinh, ánh đuốc duy tân xuyên thế kỷ
Chuyện ít biết về nơi an nghỉ của Phan Châu Trinh
Nhìn nhận lại môn lịch sử - Dạy gì về Phân Châu Trinh ?
Bài diễn văn về đạo đức của Phan Châu Trinh
Nhớ cụ Phan Châu Trinh và 10 điều bi ai của dân tộc Việt Nam
"Chi bằng học" tư tưởng chủ đạo của Phan Châu Trinh trong sự nghiệp Duy Tân
Phan Châu Trinh và sự thức tỉnh dân tộc thế kỷ XX
BBT donghuongtienphuoc.com viếng mộ cụ Phan đầu xuân
Video: phóng sự người cháu gái cụ Phan