www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Lễ cúng tá thổ và tục khao thịt làng đầu xuân

Ở thôn Phước An (trước đây thuộc Trà Trai xứ), thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước vẫn còn lưu giữ một phong tục đẹp đã có từ hàng trăm năm trước, đó là Lễ cúng tá thổ và tục khao thịt làng đầu xuân cho tất cả mọi người.

     Theo lời kể của các bậc trưởng lão trong làng, sau hàng trăm lần tổ chức tế lễ có một quy định bất thành văn nhưng được tất cả mọi người răm rắp thực hiện: không bao giờ sử dụng bia bọt, rượu chè và đảm bảo người đi dự tế lễ và người ở nhà đều được thưởng thức thịt làng. Hiện nay, lễ cúng tá thổ mỗi ngày một đông, được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng âm lịch hàng năm, có thêm nhiều bà con ở các thôn lân cận cùng đến tham gia.

    Lễ cúng tá thổ thể hiện lòng thành kính, hàm ơn của bà con đang sinh sống trong thôn xóm đối với các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn tạo dựng đất đai để mình thừa hưởng. Phản ánh mối quan hệ giữa người đang sống với người đã khuất, giữa người hiện tại và người tiền trú, tưởng nhớ ghi nhận công lao của các bậc “Tiền hiền khai khẩn. Hậu hiền khai canh” đã khai sinh ra làng xã. Đã thành lệ làng, vào sáng sớm mười hai tháng giêng bà con thôn Phước An đã có mặt rất sớm ở đình làng để chuẩn bị các điều kiện, lễ vật cho đến việc chuẩn bị bàn ghế.

 

                                              Lễ cúng ngoài trời

     Lễ cúng hàng năm người dân trong làng chuẩn bị từ hai đến ba con heo to. Heo được chính bà con trong thôn nuôi, được mua lại bằng tiền đóng góp. Lễ vật cúng rất trang trọng: trên bàn thờ trong đình làng có hai mâm gọi là bàn thượng và bàn hạ. Bàn thượng dâng cúng Thần hoàng bổn xứ. Bàn hạ là mâm cúng hội đồng bao gồm các vị thần có chức sắc nhỏ hơn, ngoài các lễ vật như ở bàn thượng còn có một bộ “trư, đan, thủ, vĩ”, một súc thịt heo to. Mâm cúng ngoài trời cúng các âm hồn thập loại chúng sinh không nơi nương tựa, ngoài các lễ vật còn có thêm một bộ “trư, đan, thủ, vĩ” và nhiều rổ lớn thịt heo luộc xắt phay thật dồi dào. Ngoài ra, còn có một mâm riêng cúng ông cọp gồm một xương đùi heo còn để sống, một súc thịt heo, ba đĩa lòng, ba đĩa thịt sắp trên lá chuối.

     Xong phần tế lễ, những người phụ trách ẩm thực sẽ dọn các món lên từng bàn để mọi người thưởng thức. Mỗi người đi dự được gửi về cho người ở nhà một gói thịt làng. Nhà nào có trẻ nhỏ mới sinh được nhắc đến và gửi thêm miếng lưỡi heo để đem về “quẹt mép”. Riêng những chiếc thủ heo luộc chín sau khi cúng xong, được “lậc” thịt ra rồi cắt thành từng miếng dài từ nọng đến mui để gửi thêm về cho những người cao tuổi trong thôn không đến dự được. Trong quan niệm của bà con, trẻ nhỏ đầu năm được “quẹt mép” miếng thịt làng sẽ nhanh ăn, chóng lớn và mau biết nói, người già được ăn lát thịt làng sẽ gặp nhiều may mắn, sống lâu cùng con cháu. Phong tục này ở thôn Phước An có từ lâu đời, trước đây thường dùng lá chuối hơ nóng để gói thịt chứ chưa dùng túi nilon như bây giờ.

 

                                          Lễ cúng tá thổ đầu năm

     Phong tục khao thịt làng cho toàn thể bà con ở thôn Phước An từ lâu đời là một phong tục đẹp trong Lễ cúng tá thổ; khác xa cái tục lệ tranh ngôi thứ ở nông thôn xưa: “Một miếng thịt làng bằng một sàng xó bếp”, đề cao giá trị của sự ưu đãi mà xã hội giành cho người có chức vị. Miếng thịt làng trong lễ cúng tá thổ ở thôn Phước An dù đơn sơ nhưng mang giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Những đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành, những người già yếu dù không đi lại được, cứ vào dịp đầu năm mới lại được nghe tiếng trống tế lễ của làng, được thưởng thức miếng thịt làng, đó là miếng ngon thơm thảo của cả làng nó được trân trọng gìn giữ.

      Phần lễ cúng tá thổ ở thôn Phước An diễn ra rất trang trọng, còn phần ẩm thực thường diễn ra vui vẻ, đoàn kết nhưng cũng khá nhanh, khoảng hơn nửa giờ. Những người đi dự lễ được thưởng thức miếng thịt làng nóng hổi, vẫn nhớ đến người ở nhà nên cũng tranh thủ đem thịt làng cho người ở nhà ăn lấy hên đầu năm. Trẻ em ở nhà nghe tiếng trống lễ cũng nôn nao chờ đợi. Lễ cúng tá thổ ở thôn Phước An thường rất đông, đến gần 200 người đó là chưa tính người ở nhà và mỗi ngày một đông hơn do bà con ở một số thôn xóm lân cận cũng đến tham gia. Nhờ sự tham gia tích cực của bà con và sự phân công luân phiên trách nhiệm đâu ra đấy của các bậc trưởng lão nên năm nào việc tế lễ cũng diễn ra chu đáo từ đầu đến cuối. Không như ở một vài nơi, lạm dụng bia bọt, rượu chè trong dịp tế lễ nên có phần tốn kém thời gian, vật chất nhiều hơn; đôi khi lễ “tá thổ” thành “tá lả” “tá hỏa” (!).

     Việc tham gia đóng góp cho việc tế lễ cũng thật khiêm tốn, ai cũng tham gia được. Mỗi người góp một tay, sản phẩm địa phương ngon mà rẻ nên thịt làng thật dồi dào được khao hết thảy mọi người. Những bà con làm ăn khấm khá, con em trong thôn đi làm ăn xa trở về thường xung phong đóng góp nhiều hơn nên quỹ làng năm nào cũng dôi dư để dành cho việc sửa chữa, mua sắm vật dụng cần thiết tại đình làng. Những năm gần đây vào dịp đầu xuân, thanh niên, phụ nữ thôn Phước An thường tham gia thi đấu các giải thể thao do thị trấn tổ chức, sau buổi thi đấu, gặp dịp tế lễ, được khao thịt làng, được bà con tập trung cổ vũ, ủng hộ nhiệt tình cả vật chất và tinh thần.

     Ngày nay, lễ cúng tá thổ là một phong tục đẹp thể hiện đạo lý tình sâu, nghĩa nặng với tiền nhân, thể hiện sự gắn bó, đoàn kết của nhân dân trong thôn, xóm nên lễ tục này vẫn được bà con ở nhiều địa phương coi trọng. Việc gìn giữ một giá trị văn hóa tâm linh kết hợp với phong tục đẹp, với lối ứng xử đẹp như thôn văn hóa Phước An đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân nơi đây.

                         Trần Hữu Phước - Tạp Chí Văn Hóa Quảng Nam