Lặng thầm gieo chữ giữa đại ngàn
Là một trong những thế hệ giáo viên lăn lộn khắp các điểm trường vùng khó huyện biên giới Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) trong suốt gần 20 năm chia tách tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam, thầy giáo Trần Văn Tiến có gần 20 năm lặng thầm gắn bó cuộc đời mình với sự nghiệp trồng người vùng miền núi.
Gần 20 năm tuổi nghề và cũng chừng ấy năm thầy là giáo viên cắm bản giữa đại ngàn Trường Sơn. Trong ký ức thầy là những kỷ niệm buồn vui, gian khổ với nghề nhưng khát vọng đem con chữ đến với vùng sâu, vùng xa vẫn không nguôi.
Xẻ núi, băng rừng đến lớp
Trong chuyến công tác những ngày đầu tháng 11 đến với các xã vùng biên giới huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi tình cờ được gặp lại thầy giáo Trần Văn Tiến (quê xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), sau hơn 2 năm, khi thầy còn giảng dạy tại điểm trường thôn Aur (Trường TH A Vương, xã A Vương, huyện miền núi Tây Giang).
Nhớ lại những ngày đầu, thầy Tiến nhận nhiệm vụ dạy lên huyện biên giới Tây Giang công tác. Thầy được phân công làm giáo viên “cắm bản” tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Lúc ấy, vẫn chưa có đường xe máy vào bản làng, giáo viên cắm bản phải “băng núi, vạch rừng” mà đi. Thầy Tiến cho biết: “Có những điểm trường, giáo viên phải lội bộ cả ngày trời mới đến được điểm dạy. Lớp học chỉ là túp lều bằng tre, nứa lá. Những học sinh Cơ Tu em nào gầy guộc, đen đúa.
Ngày nào cũng vậy, những đứa trẻ không hề có một bữa cơm no. Cả bản, cả làng đói cơm, rách áo, nên cái chữ không muốn theo học”. Những ngày tháng sống kham khổ, đối diện với bao hiểm nguy nhưng không hề làm lung lay ý chí của người giáo viên trẻ. Để làm tốt công tác giảng dạy, thầy Tiến vừa phải lo công tác chuyên môn, vừa băng rừng, vượt suối đến từng nhà vận động học trò đi học. Tấm lòng của thầy đã lay động bà con dân bản, gieo yêu thương vào từng lứa học trò, để rồi chúng quyết tâm theo thầy học chữ.
Chính cái khó, cái khổ đó lại níu giữ những người giáo viên cắm bản như thầy, bởi ai cũng chỉ có một tấm lòng, tình thương đối với học trò nghèo vùng cao. Nói về những kỷ niệm ngày đầu khi làm người giáo viên cắm bản, thầy Tiến chia sẻ: Thời gian đầu giảng dạy tại các điểm trường, rào cản lớn nhất trong công tác giảng dạy là bất đồng ngôn ngữ, nên khó truyền đạt bài học cho học trò.
Chính vì vậy, ngoài dạy học trên lớp, người giáo viên phải thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với các em học sinh, bà con đồng bào dân tộc. Cùng ăn cùng ở với bà con, từ đó giúp dân làng xem trọng cái chữ, để cho con cháu đi học thuận lợi hơn. Nếu được bà con, dân làng tin tưởng, thì họ không những động viên con cháu đi học mà bản thân các cụ lớn tuổi, trai, gái trong làng cũng theo học lớp xóa mù chữ vào ban đêm.
Với thầy, những ngày tháng dạy học ở những nơi đầy gian khó ấy phải đánh đổi biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Những cơn lũ kinh hoàng và bệnh tật hành hạ suýt cướp đi mạng sống của thầy. Những trận sốt rét rừng khiến đôi môi thâm đen, nếu không được bà con dân bản kịp thời chăm sóc, cứu chữa thì khó mà qua khỏi. Giờ đây, khi những ngôi trường ngày một được đầu tư xây dựng khang trang, nhưng trong ký ức của thầy vẫn luôn lưu giữ những kỷ niệm buồn vui về quãng thời gian dạy học đầy gian khó ấy. Điều đó giúp thầy cảm thấy tự hào về nghề giáo và có thêm động lực, có thêm trải nghiệm để tiếp tục hoàn thiện bản thân, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người nơi vùng đất biên giới này.
Tận tâm cống hiến
Năm học 2016 - 2017, thầy Tiến tiếp tục luân chuyển về xã biên giới Tr’hy giảng dạy tại Trường PTDT bán trú TH&THCS Tr’hy (huyện Tây Giang). Dẫu vẫn sống, dạy học trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng tấm lòng nhiệt huyết với nghề vẫn không hề vơi cạn. Lên đây dạy học, thầy dằn lòng để lại người vợ ở lại quê nhà, một mình nuôi 2 con nhỏ.
Do đường sá xa xôi, hàng tháng thầy và một đồng nghiệp nữa chỉ về thăm nhà một lần. Còn những ngày mưa lũ, đường rừng sạt lở, suối nước dâng cao, có khi hai thầy bám trụ luôn, thi thoảng 3 - 4 tháng mới được về. Thầy bày tỏ: “Là người giáo viên công tác tại vùng miền núi - vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì luôn mang tâm trạng “một cảnh hai quê”, ở trường thì nhớ nhà, về nhà thì nhớ trường, nhớ lớp.
Lúc nào trong sâu thẳm tâm hồn cũng dùng dằng hai nỗi nhớ, khiến cho suy nghĩ mình không yên. Và bao giờ cũng vậy, tình yêu, thời gian, công sức, lòng nhiệt huyết đều dành cho trường, cho lớp nhiều hơn, bởi nơi đó đang có những học trò nghèo đang ngóng chờ mình”.
Trả lời câu hỏi thầy có ý định xin chuyển về vùng thuận lợi hơn để công tác không, thầy Tiến bày tỏ: Người giáo viên cắm bản mang cái chữ lên đây truyền cho con em dân bản. Đổi lại bà con cho mình cái ăn, chỗ ở, cưu mang mình những ngày bệnh tật, ốm đau. Cái nghĩa, cái tình đó nặng lắm, làm sao trả hết. Bởi vậy, trong suy nghĩ của mỗi giáo viên công tác ở địa bàn miền núi luôn trăn trở một điều là làm sao để sự nghiệp trồng người ở đây luôn phát triển; con em, dân bản được thụ hưởng một môi trường học tập toàn diện.
“Để thực hiện sự nghiệp trồng người ở vùng khó thì cần có những người chấp nhận thiếu thốn, hy sinh. Nếu giáo viên nào khi ra trường cũng chọn vùng đồng bằng, thành thị công tác thì lấy đâu ra người thực hiện sự nghiệp trồng người ở vùng khó khăn. Ai cũng chọn nơi có trường học tươm tất thì tại những trường học tranh tre, nứa lá lấy đâu ra người giảng dạy.
Nói như vậy không phải để so sánh, ganh tị với đồng nghiệp đang công tác tại các vùng có điều kiện thuận lợi hơn, mà để mọi người thấu hiểu tấm lòng, sự hy sinh, cống hiến của những người giáo viên đang công tác, giảng dạy tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa hay vùng hải đảo xa xôi. Ở đó, những người giáo viên đang phải ngày ngày gồng mình đối diện với gian khổ, khó khăn, nhiều khi đánh đổi cả tính mạng, hạnh phúc riêng tư gia đình, để thực hiện sự nghiệp trồng người cao cả” - thầy tâm sự.
Đại Khải - Báo GD&TĐ