Lò chén người Hoa ở Tiên Phước xưa
Ở xã Tiên Hà (huyện Tiên Phước) xưa có một bộ phận người Hoa đến sinh sống và lập nghiệp. Họ lấy nghề nông làm kế sinh nhai như dân bản xứ, còn đem theo cái nghề truyền thống làm gốm sứ của gia tộc và hình thành nên lò sản xuất chén, gọi là lò chén An Lâm.
Ngày nay, lò chén An Lâm thuộc thôn Tài Thành, xã Tiên Hà, cách UBND xã Tiên Hà khoảng 2km. Sở dĩ có tên là lò chén vì lúc mới thành lập, lò chỉ sản xuất chủ yếu là các loại chén. Sau đó để đa dạng sản phẩm và theo nhu cầu thị trường, lò đã sản xuất thêm các loại bát, đĩa... phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của bà con trong vùng và các vùng lân cận. Lò chén được xây dựng trong một thung lũng nhỏ nơi có nguồn đất sét tự nhiên rất tốt và gần một mỏ cao lanh, cách sông Tiên chừng 500m về phía Nam - một vị trí rất thuận lợi cho giao thông đường thủy để tiện cho việc trao đổi, buôn bán sản phẩm.
Theo các cụ cao niên cả người Việt lẫn người Việt gốc Hoa sinh sống lâu năm ở vùng này như cụ Nguyễn Hữu Lộ, cụ Trầm Thị Lãnh, cụ Trầm Đại Nghĩa, cụ Trầm Đại Thọ... thì lò chén này do một người Hoa có tên là Trầm Phong (ông nội chú của ông Trầm Đại Nghĩa) đã đến vùng đất này sinh sống, lập nghiệp và lập nên vào khoảng cuối thế kỷ XIX. So với các lò như Phú Lâm, Đèo Le ở khu vực Tiên Phước và Quế Sơn trước đây thì có thể lò chén này ra đời sớm hơn. Khi mới thành lập khu lò chén có khoảng 7 đến 8 nóc nhà, chủ yếu là của người Hoa. Họ lập thành làng riêng biệt gồm có các họ Trầm, Đặng, Ô, Chiêm...
Một số chén cổ vật thời xưa
Lò đỏ lửa thường xuyên và góp phần giải quyết công việc cho một số dân cư trong làng trong những lúc nông nhàn. Sản phẩm làm ra để phục vụ cho nhu cầu trong đời sống hằng ngày của nhân dân địa phương, đồng thời cũng đưa một số lượng lớn về Hội An để tiêu thụ. Họ thuê nhân công là những người Việt sống trong làng. Cũng theo các cụ cho biết thì thời đó sản phẩm do lò chén An Lâm làm ra rất được ưa chuộng do sản phẩm chắc chắn, lại bắt mắt với màu men lam và trắng, trang trí dây hoa lá.
Trong ký ức của ông Trầm Đại Nghĩa qua lời kể của cha ông khi ông còn nhỏ thì lò chén An Lâm lúc bấy giờ có khoảng 70 đến 80 người làm, lúc cao điểm lên đến cả 100 người. Nhân công khai thác đất sét và cao lanh ở gần đó rồi cho vào cối dùng xe đạp nước để giã. Khi giã đến độ nhuyễn thì lấy ra, sau đó người thợ dùng bàn xoay và đôi tay khéo léo của mình để tạo ra hình dáng sản phẩm, đem ra phơi khoảng 2 tiếng đồng hồ để cho sản phẩm hơi khô. Tiếp đến là vẽ trang trí hoa văn, để cho thiệt khô rồi mới tráng men. Cũng như cách thức trang trí hoa văn trên gốm phổ biến mà các làng gốm ngày nay vẫn đang áp dụng, xưa kia những người thợ ở lò chén cũng đã áp dụng việc trang trí hoa văn trước khi tráng men (vẽ trên men) hoặc trang trí sau khi tráng men (vẽ dưới men). Sau đó bỏ vào bọc nung và cho vào lò nung.
Để giữ nhiệt và chịu tác động lớn của nhiệt độ tỏa ra khi nung, ngày xưa người ta đã dùng đất sét thật tốt để đóng thành những viên gạch hình chữ nhật, phơi thật khô và nung cho đến khi cháy sém rồi mới đem xây lò nung. Lò nung được xây dọc theo các sườn núi theo dạng hình ống với 32 đến 35 cấp tương đương 32 đến 35m, đường kính lò khoảng 1,5m, người ta thường gọi là “lò rồng”.
Một khâu khá quan trọng để tạo nên sản phẩm có độ bền cao đó là dụng cụ bảo vệ sản phẩm khi đưa vào lò nung - gọi là bọc nung. Muốn làm được bọc nung phải lấy đất sét thật tốt sau đó pha trộn với cát và cao lanh để tạo thành một hợp chất chịu được nhiệt độ trên 1.5000C mà không nóng chảy. Bọc nung có hình trụ tròn ở giữa rỗng, bên ngoài tráng men nâu, lớn nhỏ cao thấp tùy theo từng loại sản phẩm. Khi nung, phải cho sản phẩm vào trong bọc nung (mỗi bọc nung chỉ để được một sản phẩm) và khi cho vào lò nung, người ta phải xếp chồng các bọc nung lên trên các cấp, sau đó dùng củi và cây (bổi) rừng để đốt, đến khi nhiệt độ trong lò đạt đến 1.5000C thì công đoạn nung đã hoàn tất...
Sau một thời gian dài, lò chén An Lâm dần dần không còn đỏ lửa thường xuyên nữa và sau đó thì ngừng hẳn. Lò chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như những người có tay nghề đã lớn tuổi không thể tiếp tục công việc được nữa hoặc lớp con cháu kế cận thì không thiết tha với nghề, thêm vào đó chiến tranh, loạn lạc, ly tán nên việc thuê người làm để duy trì sản xuất quá khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được...
Hiện nay, khu vực lò chén An Lâm đã được chính quyền địa phương quy hoạch và cấp cho những hộ dân lập trang trại làm vườn, nên chỉ còn là phế tích. Lò chén chỉ còn lại dấu tích một số đoạn lò cùng với rất nhiều bọc nung và những sản phẩm bị hư hỏng nằm rải rác xung quanh.
An Trường