Làng quê cô đơn
Có một xã trong 3 năm qua, chỉ có khoảng 40 thanh niên lập gia đình. Trong đó, có những thôn xóm nhiều năm trời không có đám cưới. Đó là theo thống kê của cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Sau 4-5 năm mất mùa, thanh niên trong xã lần lượt bỏ xuống các thành phố lập nghiệp ngày càng nhiều, chỉ còn người già sớm hôm ra ruộng. Tại 2 tổ 19, 21 thôn Hội An nhiều năm trời vắng bóng thanh niên, các đoàn thể, chi hội thanh niên không biết lấy đâu ra người để tổ chức sinh hoạt.
Con đường dẫn từ UBND xã Tiên Châu ra sông Tiên rồi qua thôn Thanh Bôi rợp bóng lá loòng boong, các ngõ đá lâu đời đã lên rêu xanh rì nhưng chỉ toàn những cụ già ra vào. Nhiều năm trước, cái giếng đào đầu xóm còn là nơi trai làng tụ tập tắm táp mỗi trưa hè, giờ vắng hoe. Toàn thôn Thanh Bôi có 260 hộ với 1.100 nhân khẩu, nhưng "1/3 số đó là thanh niên trong độ tuổi 18 - 30 đã rời làng quê từ nhiều năm ni, nam thì làm công nhân, bốc vác, nữ đi may, bán cà phê ở thành phố", ông Lê Văn Diễn - Trưởng thôn Thanh Bôi nói.
Ghé qua thôn Hội Lâm vào thăm nhà ông Nguyễn Luận, đã ngoài 60 tuổi, con trai ông là anh Nguyễn Di năm nay cũng trên 40 tuổi nhưng vẫn chưa cho cha uống chén rượu mừng, "cứ Tết hắn lại về, suốt cả 10 năm làm ăn xa, mà cũng chẳng thấy hắn nói đến chuyện vợ con chi hết". Gần đó, nhà bà Bùi Thị Quyến, ông Lê Văn Hai, ông Nguyễn Văn An... cũng có con cái xuống phố làm công nhân, buôn bán.
Xóm "đàn ông độc thân"
Chuyện lạ ở những miền quê này là thanh niên từ 18 - 30 đi làm ăn xa đã đành, thanh niên từ trên 30 tuổi hay thậm chí trên 40 tuổi ở lại còn độc thân khá nhiều. Trưởng thôn Thanh Bôi xác nhận, thôn có khoảng 250 hộ, thì 1/10 gia đình có "gà trống già" như thế.
Hỏi anh L.V.H (33 tuổi) thì nhận được câu trả lời: "Hồi nớ không lấy, chừ con gái trong xã đi làm công nhân hết rồi, có ai đâu mà lấy, còn con gái mới lớn thì mắc chi chịu lấy trai già như bọn tui". Nhà anh H. còn có chị P.T.A năm nay hơn 50 tuổi cũng chưa lên xe hoa.
Sông Tiên Châu đoạn nối thôn Hội An và thôn Thanh Bôi
Cái nghèo chưa hẳn là nguyên nhân khiến đường tình duyên của thanh niên xã này, nhất là cánh đàn ông trắc trở. Anh Phan Ngọc Tú (31 tuổi) nhiều năm rồi xây được căn nhà gạch rộng rãi, nhưng thiếu bàn tay phụ nữ, căn nhà trông nhếch nhác đến tội. Một tay làm dăm ba sào ruộng, một tay vừa chăm sóc cha mẹ già đau ốm quanh năm. "Đến thời gian sửa soạn nhà cửa còn không có, đừng nghĩ đến chuyện đi tìm mối hẹn hò", anh Tú thở dài.
"Xóm đàn ông độc thân" phải kể đến thôn Hội An, ông Trương Minh Tân điểm sơ qua cũng được 50 -70 nam thanh niên trên 35 tuổi vẫn chưa vợ. Ông Tân trăn trở: "Giờ tụi hắn cũng khó, đã qua tuổi tham gia các hoạt động đoàn thể, mà bọn hắn cũng không có môi trường để gặp gỡ, làm quen".
Đàn ông ngoài 40 tuổi ở các xóm này ế vợ đã đành. Nam nữ thanh niên đi làm xa trở về cũng độc thân. Anh Nguyễn Viên Thanh, Nguyễn Văn Bê trú thôn Hội Lâm đều đã trên 30 tuổi, nhiều năm làm công nhân bươn chải ở TP.HCM, nay đều trở về làm lẹt xẹt ở quê, nhưng cũng chưa vợ con gì.
Các chị em trở về từ các khu công nghiệp ở TP.HCM, Đà Nẵng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nhà bà Bùi Thị Quyến, thôn Hội Lâm có 2 cô con gái L.T.M, L.T.A tuổi đã ngoài 40 nhưng vẫn quanh quẩn bên mẹ già. Chị B.T.Nh (32 tuổi) nhà cách đó không xa cũng vậy, gần chục năm xuống phố làm công nhân may, nay trở về, tích cóp không được bao nhiêu mà tuổi xuân xanh đã qua mất rồi.
Ông Nguyễn Địch - Trưởng thôn Hội Lâm nói đùa: "Có khi chị em đi làm ở thành phố lớn về đây chê cánh đàn ông cục mịch ở quê". Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng bản danh sách "độc thân" cứ ngày càng dài ra. Câu ca dao Có duyên lấy đặng chồng nguồn. Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui xưa nay của người Tiên Phước đang ngày một phai nhạt.
Nguyễn Tú - Báo Thanh Niên