www.donghuongtienphuoc.com - Đồng hương Tiên Phước - Quê hương là của chúng tôi nhưng cảm nhận là của bạn

Khúc ru về phía mặt trời

Tập thơ Khúc ru về phía mặt trời (Nhà xuất bản Văn học - 2018) là tập thơ thứ hai của nhà thơ Mỹ An, hội viên Hội VHNT Quảng Nam. Cái mô phạm, sự khiêm tốn của một nhà giáo gần bốn mươi năm trong nghề khiến anh tự nhận, anh đến với thơ tình cờ “như cơn gió chiều đông, hòa trong chén rượu” để rồi “Uống hoài mà chẳng thấy say/ Buồn thương. Lạnh lẽo. Thơ nay. Vô hồn” (Vô hồn).

Khúc ru về phía mặt trời có 65 bài thơ đẫm hương quê và tâm tình của nghề dạy học. Quê anh - An Tây, Tiên Kỳ, Tiên Phước “Cả năm cuối mùa không giáp hạt/ Khoai lang hột mít ghé quanh mùa/ Thương cải nhón chân từ phía biển/ Kêu mít non đổi lấy cá chuồn (Khúc ru về phía mặt trời). Làng quê trong thơ anh có hồn mẹ, dáng cha và tình em. “Cha là non nước trời yêu/ Như con cò cõng nắng chiều qua sông/ Con về nhặt những mênh mông/ Ghép câu thơ muộn gởi lòng cùng cha” (Đôi mắt). Và người mẹ đã đi xa: “Mẹ về bến nước bờ non/ Mang theo búi tóc héo hon cuối đời/ Chỉ còn cơn gió chiều rơi/ Buồn thương/ Lạnh lẽo/ Rối bời/ Lòng con!” (Búi tóc mẹ).

Tập thơ. Ảnh: Nguyễn Thị Diệu Hiền
Tập thơ. Ảnh: Nguyễn Thị Diệu Hiền

Nghề dạy học cho anh một hồn thơ trong trẻo gắn với tuổi học trò mơ mộng: “Tuổi về già mùa thu cũng đi xa/ Nghe tiếng trống lân lòng nghe xao xuyến” (Ông Địa mồ côi). Tự xa xưa, người thầy được ví như người đưa đò, và mỗi chuyến sang sông để lại bao trăn trở: “Khách đi trăm ngả thuyền một bến/ Chẳng hiểu vì sao lạnh gió lùa”, và hơn nữa còn là lời tự kiểm: “Phấn bảng ngàn năm mưa gió dạt/ Dạy người không hiểu lỗi do ta” (Đường tơ). Trong thơ anh kỷ niệm thầy trò bàng bạc theo từng câu chữ và dễ tìm thấy những học trò thành đạt và cả không thành đạt, vì thế nỗi niềm day dứt đến nao lòng: “Mỗi đứa lớn lên theo chiều dài đất nước/ Theo con đường ngập nắng quê hương/ Đứa đi xa về trầm ngâm bên dòng sông có chiếc cầu nối nhịp yêu thương/ Nước dưới chân cầu chảy ngược còn cuộc đời có chảy xuôi theo bài học ngày xưa trên lớp?” (Gặp lại). Và mong ước của ông giáo già giản đơn đến vô thường: “Người về bến nước còn đây/ Như ông lão lái đò đầy sang sông/ Khách đi qua thấy nặng lòng/ Bao giờ trở lại nhớ mong bến này” (Tóc râm)

Những bài thơ lục bát truyền thống của Mỹ An gần gũi với ca dao, đọc rất quen: “Trời gieo một ít nắng vàng/ Gió xô cái lạnh đã sang đây rồi/ Lờn vờn run rẩy mây trôi/ Mặt trời đi ngủ chiều hồi hôm qua” (Rét đi). Và nữa: “Trăm năm chuyện của người ta/ Ngàn năm hồn vía đi xa lại về” (Bắt cô trói cột về xuôi). Trong bài Gửi nắng cho sưa người viết bài này thích nhất hai câu: “Bấc sưa lép hạt lúa đồng/ Vàng sưa mà chẳng vàng bông lúa về”.

Đọc thơ Mỹ An như đi tìm câu ca cũ giữa làng vừa lên phố, thơ anh sẽ đi vào lòng người, khu trú lâu dài, chiêm nghiệm để chờ nghe Khúc ru về phía mặt trời.

                                                        Nguyễn Bá Hòa - Báo Quảng Nam

"Cái Làng Quê" trong "Khúc ru Về Phía Mặt Trời" của Mỹ An

Ra mắt tự truyện " Thị Trấn Ven Sông" của thầy giáo Nguyễn Khánh

Hoa sưa vàng

Chiếc đòn gánh