Khoảng trống
Ngày 10.3.1975. Cùng với Tây Nguyên, Tiên Phước được chọn làm nơi “nổ phát súng lệnh” mở màn chiến dịch tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đã 39 năm trôi qua. Mặt trận Tây Nguyên ngày ấy được các tướng lĩnh quân đội, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo… viết hàng trăm cuốn sách bao gồm các thể loại hồi ký, ký sự, truyện dài, truyện ngắn, tiểu thuyết, trường ca… Còn mặt trận thứ hai: Tiên Phước? Nếu tôi nhớ không nhầm, chỉ có khoảng mươi bài báo xào đi xáo lại, viết về sự kiện lịch sử ấy. Vì sao vậy?
Từ miền tây đất Quảng, Sư đoàn 2 Quân giải phóng khu 5 tiến công quận lỵ Tiên Phước, làm bàn đạp đánh chiếm Tam Kỳ - trung tâm tỉnh lỵ Quảng Tín, rồi giải phóng Đà Nẵng vào trưa ngày 29.3.1975. Tầm quan trọng của việc giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, buộc địch rơi vào thế chia cắt phải co cụm lại và dần tan rã đã được các nhà quân sự tổng kết, đánh giá, tôi không dám lạm bàn. Vấn đề đặt ra là, tại sao mặt trận thứ hai lại chưa được tái hiện qua các tác phẩm văn học? Được biết, lúc bấy giờ có rất nhiều văn nghệ sĩ khu 5 tham gia mặt trận thứ hai giải phóng Tiên Phước, Tam Kỳ và Đà Nẵng như: Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Thanh Quế, Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi, Ngô Thế Oanh, Cao Duy Thảo, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Bá Thâm, Nguyễn Chí Trung…
Họ là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Đề tài chiến tranh cách mạng luôn được họ quan tâm. Bằng chứng là nhà văn Nguyễn Bảo vẫn thường xuyên đi về Quảng Nam thăm lại chiến trường xưa để thu thập tư liệu viết tiểu thuyết “Thượng Đức”, “Đỉnh máu”; nhà thơ Thanh Quế viết trường ca “Chiến khu” tái hiện lại những năm tháng gian nan ác liệt ở căn cứ địa Trà My trong những năm chống Mỹ… Vậy thì tại sao họ lại “quên” không viết về mặt trận thứ hai khai hỏa tại Tiên Phước? Phải chăng, mặt trận thứ hai diễn ra tại Quảng Nam - Đà Nẵng chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn họ? Phải chăng, việc khai thác tư liệu để “dựng lại” bối cảnh ngày ấy và lập đề cương sáng tác quá khó đối với họ? Có dịp ngồi chầu rìa điếu đóm cho các nhà văn, nhà thơ đàn anh trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ, tôi dò hỏi, mới hay mình “bé cái nhầm”!
Họ - những nhà văn, nhà thơ “đi từ trong rừng ra”, có thừa khả năng, có dư nhiệt huyết để viết về chiến dịch giải phóng Tiên Phước, tạo bàn đạp giải phóng tỉnh lỵ Quảng Tín, tiến tới giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng trưa ngày 29.3.1975 lịch sử. Có điều, viết đã khó, in ấn phát hành lại càng khó hơn gấp bội. Tôi vẫn còn nhớ, cuốn tiểu thuyết “Thượng Đức” của nhà văn Nguyễn Bảo in ra và gửi về Hội VH-NT Quảng Nam “cả đống”. Ai ghé tới hội chơi, nhà văn Nguyễn Bá Thâm cũng “gạ” mua giùm một quyển! Trường ca “Chiến khu” của nhà thơ Thanh Quế, tôi đọc thấy hay, “quảng bá” với nhiều người có trách nhiệm ở các địa phương. Họ cười rồi bảo: “Văn chương thơ thẩn không bằng đi nhậu! Ông với tôi kiếm chỗ nào làm một chầu, nó thiết thực hơn!”. Tôi chỉ biết botay.com trước ý nghĩ đầy thực dụng của họ.
Cho đến nay, đã có nhiều nơi “rục rịch” chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng quê hương. Rất tiếc, không ít địa phương chỉ quan tâm bề nổi mà quên bề sâu. Tức là họ mời các nhà thơ, các nhạc sĩ về quê hương mình đi thực tế sáng tác theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” để nhà thơ… làm thơ cho nhạc sĩ phổ nhạc nhằm tạo ra những tác phẩm “huyện ca” phục vụ chương trình văn nghệ trong buổi lễ kỷ niệm trọng thể mà thôi! Vì thế, khoảng trống về mặt trận thứ hai tại Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn còn nguyên!
Hữu Lâm Quê - Báo Quảng Nam